'Giữ chân' nhân tài cho Thủ đô: Cần cơ chế đặc thù, lợi ích hấp dẫn
Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, động lực phát triển kinh tế của đất nước vì thế việc thu hút và trọng dụng nhân tài càng trở nên bức thiết. Nhiều ý kiến cho rằng, dù đã dành nhiều sự quan tâm song với vấn đề này, Hà Nội cần có sự rõ ràng hơn về chế độ, chính sách riêng cho nhóm đối tượng này, từ đó thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhìn từ các nước trên thế giới
Trên thế giới, với vấn đề trọng dụng nhân tài, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều quốc gia đã có chính sách ưu đãi đặc biệt. Trong đó, có thể kể đến là các chính sách sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức ở các đô thị, trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm tạo ra đột phá, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ; đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Tại Hội thảo “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” do Báo Kinh tế Đô thị phối hợp cùng trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức, chia sẻ thông tin về vấn đề này, Tiến sĩ Tạ Quang Ngọc - trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) là địa phương có diện tích và dân số lớn với trên 90 triệu dân và 21 thành phố trực thuộc. Xét trình độ thế giới, vị thế của Quảng Đông và khu vực Vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Macau đối với Trung Quốc giống như California và Vịnh San Francisco đối với Mỹ. Đây có thể được coi như trụ cột kinh tế của một nền kinh tế.
Quảng Đông cũng là địa phương đi đầu trong công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc. Cụ thể, chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao của tỉnh Quảng Đông hiện nay được thực hiện với một cơ chế mở, linh hoạt như: Không ràng buộc hộ khẩu, người được tuyển có thể công tác thêm ở nơi khác để tăng thu nhập, miễn là không ảnh hưởng đến công việc tại cơ quan, việc tuyển người có tài năng không phân biệt văn bằng, địa vị xã hội hay quốc tịch… Với một cơ chế mở trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao, Quảng Đông đã tạo thuận lợi cho người tài chủ động tìm đến với bộ máy chính quyền của tỉnh, khắc phục được tình trạng “chảy máu chất xám”.
Tại thành phố Busan (Hàn Quốc), chính sách về trọng dụng, thu hút nhân tài đã được quốc gia và thành phố này xem trọng và đã được thực hiện từ đầu những năm 1980; trong đó tập trung vào các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, gồm chính sách tìm cán bộ giỏi từ mọi nguồn và chính sách đánh giá định lượng. Với việc thực hiện một cách bài bản chính sách trên, chỉ một thời gian ngắn, Busan đã có một đội ngũ công chức tài năng, có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết phục vụ cho bộ máy hành chính nhà nước của thành phố.
Chia sẻ góc nhìn liên quan, nghiên cứu sinh Đinh Thái Quang (Đại học Luật Hà Nội) đánh giá, thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều hình thức để thu hút, trọng dụng nhân tài như xem xét, tiếp nhận không qua thi tuyển; tuyên dương, khen thưởng thủ khoa xuất sắc và tuyên dương, khen thưởng chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành. “Công tác thu hút nhân tài đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Hà Nội, giúp Hà Nội đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội…” - ông Đinh Thái Quang nhấn mạnh.
Dù có những bước tiến lớn, tuy nhiên, hiện nay việc trọng dụng nhân tài ở Thủ đô vẫn còn những bất cập nhất định. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Thúy - Trường Đại học Luật Hà Nội, để tránh tình trạng “chảy máu chất xám”, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần quy định rõ hơn khái niệm, tiêu chuẩn, điều kiện của nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng điều khoản riêng về tiêu chuẩn, điều kiện nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, cần quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, ít nhất là ở 3 chế độ: Thu nhập, nhà ở và vị trí việc làm phù hợp, theo hướng quy định chế độ, chính sách đặc thù cao hơn so với mặt bằng cán bộ, công chức, viên chức của địa phương…
Cần quy trình và ưu đãi cụ thể
Thực tế cho thấy, sau hơn 10 năm thi hành, Luật Thủ đô năm 2012 được coi là đạo luật có tính đặc thù riêng, mở đường về mặt thể chế, tạo thuận lợi trong việc phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, nhất là việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô sẽ là một trong những giải pháp cấp thiết để phát huy tầm nhìn bao quát hơn, tương xứng với tiến trình phát triển mạnh mẽ của Thủ đô ngàn năm văn hiến, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Đặc biệt, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng là một bước tiến lớn trong công cuộc hoàn thiện thể chế về xây dựng, phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới, trong đó, các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đề cập một cách rõ nét, thể hiện tầm quan trọng trong chiến lược về con người. Cụ thể, ở Điều 16 trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc so với quy định trong văn bản trước đây, khi Luật Thủ đô năm 2012 chỉ đặt ra quy định chung về vấn đề quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo nguyên tắc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước.
Để hoàn thiện hơn dự thảo Luật, cũng như chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho việc triển khai thi hành Luật (sau khi Dự thảo được thông qua), Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Thúy cho rằng, cần quy định rõ hơn khái niệm, tiêu chuẩn, điều kiện của nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, có thể đưa vào Điều 2 Dự thảo Luật (giải thích từ ngữ) về khái niệm nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng điều khoản riêng về tiêu chuẩn, điều kiện nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với nguồn nhân lực chất lượng cao với ít nhất là ở khía cạnh thu nhập, nhà ở và vị trí việc làm phù hợp.
Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Trần Hồng Nhung, Trường Đại học Luật Hà Nội, cũng nhấn mạnh, việc tuyển chọn nhân tài ở Thăng Long - Hà Nội đã có từ sớm. Trong lịch sử, công tác tuyển chọn người tài luôn được chú trọng qua các triều đại. Các vị Vua thường chiêu mộ nhân tài bằng các “Chiếu cầu hiền”. “Chúng ta phải xác định rõ nhân tài là ai và có những tiêu chí gì? Theo tôi, nhân tài là những người có tài năng, đạo đức hơn người. Để có người tài thì cần thiết phải bồi dưỡng nhân tài. Xưa có trường Quốc Tử Giám để bồi dưỡng nhân tài, tạo hiền tài cho đất nước. Khi xác định được người tài thì cần phải thu hút để họ cống hiến. Xưa có nhiều phương thức để thu hút người tài, chẳng hạn như nhiệm tử, khoa cử, tiến cử… Vai trò của nhân tài sẽ tạo nên những nét đặc sắc cho Thủ đô” - Tiến sĩ Trần Hồng Nhung nêu quan điểm.
Hiện nay, Nhà nước ta đã xây dựng được một số văn bản quy phạm pháp luật về phát triển, thu hút, trọng dụng nhân tài; cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể, Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức… hệ thống văn bản này đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi và tạo động lực cho việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng.