Giữ cho mạch nguồn sống mãi theo thời gian
PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một loại hình nghệ thuật trình diễn ca hát bình dân được hình thành và phát triển từ nhiều đời nay ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh - một vùng văn hóa đặc sắc của đất nước Việt Nam, là hành trang tinh thần quý giá, vừa gần gũi, vừa thiêng liêng để người xứ Nghệ trân trọng và lưu giữ, lưu truyền trong tâm thức, hành vi để đi tới tương lai. Từ di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, ngày 27.11.2014, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO phiên họp thứ 9 vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Mặc dù tồn tại, phát triển trong điều kiện và hoàn cảnh mới, không còn duy trì được lối hát diễn xướng, mộc mạc, gần gũi như trước đây nhưng việc sân khấu hóa các làn điệu dân ca ví, giặm đã góp phần giữ cho mạch nguồn dân ca ví giặm xứ Nghệ sống mãi theo thời gian.
Giá trị lớn lao, bền lâu
Xứ Nghệ (Nghệ Tĩnh, nay là Nghệ An, Hà Tĩnh) “non xanh nước biếc” có biểu tượng muôn đời là sông Rum, ngàn Hống (sông Lam, núi Hồng) “Bao giờ ngàn Hống hết cây/ Sông Rum hết nước, đó đây (mới) hết tình”; hoặc “Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/ Sông Lam hết nước, họ này hết quan”… Cụ nghè Nguyễn Xuân Ôn, một trong những lãnh tụ xuất sắc của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX từng ca ngợi quê hương mình: “Non nước châu Hoan đẹp tuyệt vời/ Sinh ra trung nghĩa biết bao người”. Nhìn trong lịch sử dân tộc, những tên tuổi lớn như Mai Hắc Đế, Hồ Quý Ly, Bạch Liêu, Nguyễn Xí, Nguyễn Huệ - Quang Trung, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Thức Tự, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ... đều sinh ra nơi này hoặc là cố hương.
Ở thời hiện đại, cùng với các danh nhân cách mạng như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Sĩ Sách… là các danh nhân văn hóa như: Cao Xuân Huy, Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Xuân Hãn, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Tứ, Tạ Quang Bửu, Phan Đình Diệu, Phan Huy Lê, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Tài Cẩn, Hà Văn Tấn, Phan Ngọc, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Minh Châu… Xứ Nghệ có ba nhà văn hóa vĩ đại và một di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức UNESCO tôn vinh tầm nhân loại là: Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và Di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được hình thành, bảo tồn, trao truyền từ đời sống lao động nhiều gian khó, thử thách và đời sống văn hóa tinh thần đẹp đẽ, phong phú của những người nông dân nơi đây hàng trăm năm trước, rõ và đậm nét hơn là từ thế kỷ XVIII về sau. Các điệu hò, câu ví, câu giặm thường được cất lên, ngân vang, để giao lưu, đối đáp, trình diễn ở những sáng, những chiều trên ruộng lúa, nương khoai, những đêm trăng thanh bình, lãng mạn nơi sân đình, bến nước, dòng sông, bờ tre, mái lá. Hát ví, giặm gắn với không gian và môi trường lao động như cày cấy, gặt hái, đắp đập, đào mương, chăn trâu, cắt cỏ (đồng quê); hát khi tung chài kéo lưới, chèo chống thuyền bè, gặp gỡ bên những bến sông (sông nước); hát khi hái củi, đốt than, bứt tranh, kéo gỗ, bóc măng, đào củ, hái lá (núi non); hát khi quay tơ dệt vải, trục lúa, đan lát, làm mộc, nề, xây nhà, dựng cửa (làng xóm). Hát có tính du hý vào những dịp hội hè, Tết nhất, lễ lạt hay những đêm trăng thanh gió mát.
Hát để giao duyên giữa những đôi trai gái để thổ lộ tâm tình, kết tóc se duyên. Hát để tự tình, tự sự, mượn câu hát để bộc lộ tâm tư, tình cảm, ước vọng. Hát trong các nghi lễ tín ngưỡng, tâm linh. Hát để răn dạy, bảo ban, khuyên nhủ. Nhiều khi hát cũng là để mưu sinh ở các phường trò, đoàn hát, thờ cúng, hát xẩm, hát rong. Hát dân ca ví giặm có tính tự nhiên, ngẫu hứng và đa dụng, cùng một làn điệu nhưng có thể chuyển tải được nhiều nội dung văn học và thế sự, nhiều đối tượng miêu tả, nhiều sắc thái tình cảm và tính phổ cập. Ai, vùng quê nào, lứa tuổi nào cũng có thể hát được ví, giặm.
Lời ca của dân ca ví, giặm xứ Nghệ thường do các thầy đồ và những nông dân có năng khiếu, tài trí sáng tác, trình diễn và với sự tham gia của nhiều người, nhiều giới ở các vùng quê. Bằng lời ca, tiếng hát, người nông dân xứ Nghệ ca ngợi những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và quê hương; ghi tạc công đức các bậc tiền nhân, các bậc sinh thành, các thầy giáo, thầy thuốc, nhất là những người đã cống hiến, hy sinh vì đất nước, quê hương; đề cao tình đoàn kết, đức tính dũng cảm, thật thà, ngay thẳng, cần cù, hiếu học; tấm lòng chung thủy như nhất, thương người như thể thương thân, đói sạch rách thơm.
Hát ví thường là hát tự do mà lời hát là các bài thơ, câu thơ dân tộc, dân gian như lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể, tục ngữ, ca dao... Có nhiều điệu ví như ví giận thương, ví đò đưa, ví phường cấy, ví phường vải, ví phường nón, ví phường chè, ví trèo non, ví đồng ruộng, ví mục đồng, ví ghẹo, ví chuỗi... Hát giặm là thể hát nói, đối đáp, lời thơ do người hát chắp nối, xen dắm các câu thơ từ nhiều bài thơ hoặc thay thế một số từ để tạo nên câu thơ phù hợp với ngữ cảnh, thường thì mỗi khổ thơ có 5 câu, mỗi câu 5 chữ, cũng có khi chỉ 4 chữ hoặc lên tới 6, 7 chữ. Các làn điệu của hát giặm như: giặm xẩm, giặm nối, giặm vè, giặm điên, giặm cửa quyền, giặm kể... Ví kết hợp với giặm thành ví - giặm và chỉ có ở dải đất Hồng Lam gọi là Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là loại hình nghệ thuật trình diễn ca hát bình dân, gắn với môi trường nông nghiệp, nông thôn, nông dân vùng Nghệ Tĩnh. Theo kết quả kiểm kê và đánh giá của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (năm 2013), có 260 làng, trong đó 168 làng ở Nghệ An và 92 làng ở Hà Tĩnh có nhiều người thực hành dân ca ví, giặm. Ví, giặm xứ Nghệ được hát trong hầu hết mọi hoạt động văn hóa và sinh hoạt đời thường, không sân khấu, không nhạc đệm, không hóa trang, không đòi hỏi khắt khe về trang phục, điệu bộ, mang đặc tính địa phương về thang điệu, điệu thức, tiết tấu, giai điệu và giọng hát. Các yêu cầu về tiết tấu, cao độ, trường độ, luyến láy chủ yếu do năng khiếu, cảm xúc người hát và được trao truyền giữa các thế hệ bằng truyền khẩu, tự học và nhờ sự bày dạy, trao truyền của các nghệ nhân, được diễn xướng theo ba hình thức chủ yếu là hát lẻ, hát đối, hát cuộc. Mỗi cuộc hát thường có ba chặng gồm hát dạo, hát đối và hát xe kết, nổi bật nhất là hát giao duyên.
Tiếp nhận không khí, nhịp sống thời đại mới
Để dân ca ví, giặm xứ Nghệ vừa giữ được các giá trị truyền thống quý giá, lâu bền, vừa tiếp nhận không khí, nhịp sống của thời đại mới, loại hình dân ca diễn xướng tự nhiên, dân dã này cần được tìm tòi, thử nghiệm để sân khấu hóa, kịch hát hóa. Công việc có ý nghĩa này diễn ra từ thập niên bảy mươi của thế kỷ XX.
Năm 1972, vở kịch ngắn dân ca xứ Nghệ “Không phải tôi” của tác giả Nguyễn Trung Giáp và “Khi Ban đội đi vắng” của tác giả Nguyễn Trung Phong ra đời, biểu diễn những buổi đầu ở xã Diễn Bình và một số xã của huyện Diễn Châu, được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Sân khấu của vở diễn là hội trường đơn sơ, sân kho hợp tác xã, sân đình, ngõ xóm. Câu chuyện của kịch hát là câu chuyện của cuộc sống nơi thôn dã, câu chuyện xây dựng hợp tác xã, cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, tiến bộ và lạc hậu.
Trong vở kịch hát “Khi Ban đội đi vắng”, tác giả Nguyễn Trung Phong đã sáng tạo nên làn điệu “Giận mà thương”, mở đầu bằng hai câu thơ lục bát cho điệu ví: “Anh ơi khoan vội bực mình/ Em xin kể lại phân minh tỏ tường”. Tiếp đó là đoạn hát giặm (thơ bảy chữ): “Anh cứ nhủ rằng em không thương/ Em đo lường thì rất cặn kẽ/ Chính thương anh (nên) em bàn với mẹ/ Phải ngăn anh đi chuyến ngược Lường/ Giận thì giận mà thương thì thương/ Giận thì giận mà thương thì thương/ Anh sai đường, em không chịu nổi/ Anh yêu ơi xin đừng giận vội/ Trước tiên anh phải tự trách mình”.
“Ví giận thương” trở thành một điệu hát dân ca được phổ biến rộng rãi, trở thành chất liệu đặc sắc cho nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ khi viết về xứ Nghệ, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu biểu là bài hát “Trông cây lại nhớ đến Người” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận ra đời ngay sau khi Bác Hồ qua đời và phần nhạc nền rất xúc động, tha thiết trong bộ phim tài liệu “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” của hai đạo diễn Bùi Đình Hạc và Lê Mạnh Thích nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ở Hà Tĩnh, năm 1959, Đoàn văn công Kịch Nhân dân Hà Tĩnh được thành lập, trong các chương trình biểu diễn, đương nhiên luôn đậm đà chất dân ca ví, giặm. Năm 1962, vở Chèo “Cô gái sông Lam”, 5 màn của Đoàn Chèo Nghệ An dàn dựng đã được tặng 4 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc; vinh dự được biểu diễn cho Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo cùng xem tại Phủ Chủ tịch. Năm 1973, đoàn Dân ca Nghệ An được thành lập thì năm sau - 1974, vở chèo “Cô gái sông Lam” được chuyển thể sang dân ca Nghệ Tĩnh với 3 màn diễn, trong đó tác giả và diễn viên đã sáng tác, cải biên tới 30 làn điệu mới. NSƯT Thanh Lưu, NSƯT Nguyễn Đình Bảo và nhạc sĩ Văn Thế là những người đầu tiên đưa “Cô gái sông Lam” trở về âm điệu gần gũi, thân thương với người dân xứ Nghệ. Vở kịch hát “Cô gái sông Lam” được đi hầu khắp các miền quê xứ Nghệ với hàng trăm suất diễn cả đêm và ngày, cả ở miền xuôi và miền núi.
Tiếp nối mạch nguồn và thành công của “Cô gái sông Lam” của Nguyễn Trung Phong là các với kịch hát dân ca xứ Nghệ của các tác giả, đoàn nghệ thuật dân ca Nghệ Tĩnh (lúc sáp nhập hai tỉnh) và Nghệ An, Hà Tĩnh (sau khi tách tỉnh Nghệ Tĩnh thành hai tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An): “Cô Tám”, “Mai Thúc Loan”, 1985 của Phan Lương Hảo; kịch, thơ, dân ca “Đốm lửa núi Hồng” của Nguyễn Thế Kỷ; “Bão táp cửa Kỳ Hoa”, 1992 của Phạm Ngọc Côn “Chuyện tình ông vua trẻ”, 1995 của Phùng Dũng; “Ông vua hóa hổ”, “Hai ngàn ngày oan trái”, “Quyền được sống hạnh phúc” của Lưu Quang Vũ; “Vết chân tròn trong bão tố”, 1996 và “Danh nhân lớn lên từ điệu hò, câu ví”, 1999 của Vũ Hải… và nhiều vở kịch hát dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được ra đời.
Đoàn Dân ca Nghệ An và Đoàn Dân ca Hà Tĩnh cũng được nâng lên thành Nhà hát Dân ca, rồi Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Dân ca xứ Nghệ. Cả hai tỉnh và các nghệ sĩ, nghệ nhân hai tỉnh luôn quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy di sản dân ca quê mình; tiếp tục sân khấu hóa dân ca xứ Nghệ lên mức cao hơn, sâu rộng hơn, đặc biệt là chung tay cùng các cơ quan Trung ương và địa phương lập hồ sơ khoa học trình tổ chức UNESCO công nhận Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều hội thảo khoa học, tọa đàm, hội nghị về ví, giặm được tổ chức ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Tiến hành các công việc hỗ trợ, cộng tác với chuyên gia của UNESCO kiểm tra, kiểm kê, đánh giá khoa học về ví, giặm nguyên gốc; về không gian diễn xướng; về nghệ nhân hát dân ca. Hình thành và phát triển các câu lạc bộ hát dân ca ví giặm…
Từ năm 1985, Trường Văn hóa, nghệ thuật Nghệ Tĩnh bắt tay biên soạn giáo trình giảng dạy về dân ca ví giặm; năm 1996, Đài PTTH Nghệ An và sau đó là Đài PTTH Hà Tĩnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo mở chương trình dạy hát dân ca ví giặm trên sóng phát thanh truyền hình hai tỉnh. Hai đoàn nghệ thuật dân ca hai tỉnh quan tâm xây dựng, biểu diễn các vở kịch hát về đề tài đương đại. Cùng những tên tuổi nổi tiếng đã nêu ở trên, Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh. Trong đó, có mảng kịch hát, đã hình thành và phát triển đội ngũ các nhà biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ, nghệ sĩ xuất sắc như: Lê Hàm, Thanh Lưu, Hồ Hữu Thới, Văn Thế, Đình Bảo, Phan Thành, Vi Phong, Trần Cải, An Ninh, Quốc Nam, Ngọc Thịnh, Thanh Xuân, Ngọc Cẩm, Song Thao, Danh Cách, Xuân Năm, Thanh Bảng, An Phúc, Lệ Thanh, Hồng Lựu, Tiến Dũng, Quế Chung, Hồng Năm, Sĩ Nghệ, Minh Tuệ, Hồng Dương, Thanh Toàn, Thanh Mai, Hoài Thanh, Ngô Huấn, Khánh Cẩm, Bích Ngọc, Thủy Kiên, Đức Lam, Thành Vinh, Minh Thành, Hồng Chuyên, Thanh Minh, Thiên Huế, Việt Anh, Nhật Minh, Hải Lý, Thái Hải, Thu Hiền, Quốc Hưng, Duy Hải, Mai Quyền, Công Hoàn.
Vững chắc trong đời sống văn hóa, tinh thần người dân
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nghị quyết Trung ương 9 (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, cấp ủy, chính quyền, Nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nhiều mặt của di sản dân ca ví, giặm. Qua đó, góp phẩn kế thừa, nâng cao bản sắc văn hóa quê hương, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân ngày càng giàu có, đẹp đẽ.
Mặc dù tồn tại, phát triển trong điều kiện và hoàn cảnh mới, không còn duy trì được lối hát diễn xướng, mộc mạc, gần gũi như trước đây nhưng việc sân khấu hóa các làn điệu dân ca ví, giặm bằng những tổ khúc dân ca, đối ca, hoạt cảnh dân ca, kịch hát dân ca của các biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ, nghệ nhân, những người yêu thích dân ca ví, giặm đã góp phần giữ cho mạch nguồn dân ca ví giặm xứ Nghệ sống mãi theo thời gian. Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, hành động cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về sự quý giá của di sản đặc biệt này. Xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý để bảo tồn và phát huy giá trị nhiều mặt của loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
Theo đó, cần tiếp tục triển khai việc sưu tầm lời cổ, bảo tồn các làn điệu gốc, phục hồi các hình thức diễn xướng cộng đồng nhằm giữ cho được nét đặc sắc, hệ sinh thái vốn có của dân ca ví, giặm. Khuyến khích các nhà nghiên cứu, các nhạc sĩ, nghệ nhân, các câu lạc bộ… sưu tầm, giới thiệu, trao truyền các làn điệu ví giặm cổ và sáng tác các làn điệu mới. Tiếp tục đưa dân ca ví, giặm vào trường nghệ thuật và các trường phổ thông của hai tỉnh; tiếp tục dạy hát dân ca và giao lưu, liên hoan, thi hát dân ca ví, giặm trên sóng phát thanh, truyền hình của hai tỉnh và xây dựng các vở diễn chất lượng cao gửi Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các đài PTTH các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cùng với đó, đầu tư kinh phí, nhân lực, các nguồn lực khác cho việc xây dựng, biểu diễn các vở kịch hát dân ca ví giặm chất lượng cao như các đoàn nghệ thuật hai tỉnh đã làm được: “Lời Người, lời của nước non” (Vũ Hải); “Người ra đi vì câu hò ví, giặm”, “Chỉ một con đường”, “Bản hùng ca bất tử” (Hồng Lựu, An Ninh); “Hoa lửa Truông Bồn” và “Hừng Đông” (Nguyễn Thế Kỷ); “Sáng mãi niềm tin” (Lê Duy Hạnh), “Khoảng trời con gái” (Nguyễn Sỹ Đại)… của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ, Nghệ An). “Nàng Mai tế chồng”, “Bữa tiệc đầu người”, “Hoa khôi dạy chồng”, “Nước mắt người mẹ trẻ”, “Vàng”, “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”… của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Hà Tĩnh.
Nhiều vở kịch hát và tiểu phẩm dân ca như: “Tiền tuyến gọi” (7’), “Trai Bàu Thượng, gái chợ Gôi” (16’), “Thử lòng chung thủy” (11’30’’)… của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh và một số đội văn nghệ quần chúng cấp huyện, xã ở Hà Tĩnh; “Tinh thần người xứ Nghệ” (44’), “Nhịp cầu tình yêu” (60’), “Đêm trăng phường vải” (27’30’’), “Kiều bán mình chuộc cha” (25’), “Nhịp cầu ý Đảng lòng Dân” (19’), “Chia tay trên đảo” (10’), “Cá gỗ trẩy kinh” (7’30’’)… của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ, Nghệ An và một số đội văn nghệ quần chúng cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nghệ An.
Dân ca ví, giặm và kịch hát dân ca ví, giặm đã đóng vai trò rất quan trọng trong hình thành, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở các làng quê xứ Nghệ; là hành trang tinh thần quý giá, vừa gần gũi, vừa thiêng liêng để người xứ Nghệ dù sống trên quê hương mình hay các vùng miền trong nước và thế giới đều trân trọng và lưu giữ, lưu truyền trong tâm thức và hành vi để đi tới tương lai. Quá trình thể nghiệm sân khấu hóa dân ca xứ Nghệ đã khẳng định, loại hình kịch hát dân ca này đã tạo được chỗ đứng vững chắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Nghệ An, Hà Tĩnh. Tuy mức độ thành công của các vở diễn khác nhau nhưng cái được lớn nhất, thấy rõ nhất, đây là loại hình nghệ thuật độc đáo, riêng có, giàu cảm xúc của các vùng quê xứ Nghệ. Phong cách chủ đạo của loại hình nghệ thuật này luôn dung dị, mộc mạc, trữ tình, đằm thắm, sâu lắng mà không kém phần hào hùng, quyết liệt, sâu sắc như dân ca, con người và quê hương xứ Nghệ.