Giữ đặc trưng sinh thái Măng Đen khi du lịch 'bùng nổ'

Theo thống kê của UBND huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, những năm gần đây, lượng khách đến với Khu du lịch sinh thái Măng Đen tăng nhanh chóng, từ 600 ngàn lượt khách năm 2022 lên 1 triệu lượt năm 2023 và lên 1,2 triệu lượt năm 2024.

Những con đường phủ đầy hoa mai anh đào ở Măng Đen.

Những con đường phủ đầy hoa mai anh đào ở Măng Đen.

Mức tăng trưởng “nóng” này đòi hỏi địa phương phải nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu của du khách.

Doanh thu cao từ du lịch

Năm 2024, Khu du lịch sinh thái Măng Đen đã đón 1,2 triệu lượt khách, mang về doanh thu hơn 420 tỷ đồng. Từ đầu năm 2025 đến nay, Khu du lịch này cũng đón hơn 370.000 lượt khách, thu về gần 100 tỷ đồng từ các dịch vụ lưu trú, nhà hàng, tham quan các khu, điểm du lịch. Nguồn thu này tăng đáng kể so với cùng kỳ các năm trước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kon Plông.

Theo ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, việc du khách đến với Măng Đen ngày càng đông đã khẳng định vị thế là điểm đến xanh, sạch, đẹp, với thiên nhiên hoang sơ và sự thân thiện, hiếu khách của người dân địa phương. Cùng với đó, sự vào cuộc của các đơn vị, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc phát triển các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa,… cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách đến với Măng Đen.

Năm 2024, công tác quảng bá, giới thiệu, xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư các dự án phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch... được huyện Kon Plông đặc biệt chú trọng. Đến nay, huyện đã thu hút 77 dự án, với tổng diện tích đăng ký hơn 5.000 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 30.334 tỷ đồng. Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch ngày càng được quan tâm đầu tư, các tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối các điểm khu du lịch, giao thông nội vùng trung tâm huyện được tăng cường đầu tư, nâng cấp. Các dự án trọng điểm qua địa bàn huyện được triển khai thực hiện, giao thông kết nối đến các điểm du lịch được đầu tư sửa chữa, nâng cấp...

Huyện Kon Plông cũng phát triển các sản phẩm du lịch mới, tạo ra nhiều sự lựa chọn cho du khách khi đến với Măng Đen như Khu kinh tế đêm, Chợ phiên Măng Đen, Vườn nghệ thuật Măng Đen, các làng du lịch cộng đồng, du lịch khám phá và trải nghiệm...

Hiện, trên địa bàn huyện có 139 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú như resort, khách sạn, homestay, nhà nghỉ,… với tổng số 1.250 phòng, đảm bảo phục vụ trên 6.000 khách lưu trú, nghỉ dưỡng mỗi ngày. Công suất sử dụng phòng bình quân đạt 65 - 70%, riêng các ngày lễ, Tết đạt trên 90%.

Bên cạnh tạo ra giá trị cho các cơ sở lưu trú, dịch vụ, hoạt động trình diễn văn hóa của các dân tộc thiểu số tại chỗ cũng đạt được những tín hiệu khả quan. Không chỉ giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, việc thu hút khách du lịch còn mang đến lợi ích về kinh tế cho các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ.

Ông A Hiền, Giám đốc Hợp tác xã du lịch Vi Rơ Ngheo (Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) cho biết, nhờ việc làm du lịch cộng đồng đón được hơn 1.000 du khách, nên đội cồng chiêng của thôn Vi Rơ Ngheo thu về hơn 250 triệu đồng trong năm 2024. Số tiền này cũng giúp các thành viên trong đội trang trải được một phần cuộc sống gia đình.

Giải pháp phát triển bền vững

Hoa mai anh đào nở rộ ở quảng trường thị trấn Măng Đen thu hút du khách đến tham quan.

Hoa mai anh đào nở rộ ở quảng trường thị trấn Măng Đen thu hút du khách đến tham quan.

Mặc dù lượng khách tăng nhanh đã mang đến nhiều giá trị cho Khu du lịch sinh thái Măng Đen, song đã đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền địa phương cũng như các đơn vị, doanh nghiệp, nhà đầu tư,… trong việc xây dựng một Măng Đen phát triển bền vững.

“Phát triển bền vững là cần làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, vận dụng cơ chế, chính sách; huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Bên cạnh đó, phải xây dựng phương án phát triển du lịch Măng Đen; triển khai bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn; nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm du lịch đặc trưng, có bản sắc riêng như du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái dưới tán rừng, du lịch cộng đồng”, ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông nêu rõ.

Thực tế, Măng Đen được nhiều du khách ưa thích bởi vẻ đẹp hoang sơ, với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Huyện Kon Plông cũng xác định phát triển du lịch gắn với thiên nhiên. Vì vậy, để du lịch được phát triển bền vững, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được đưa lên hàng đầu tại Kon Plông. Năm 2024, hàng chục trường hợp bị Ủy ban nhân dân huyện xử lý do chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp để xây dựng homestay, nhà nghỉ trái pháp luật, khẳng định sự quyết liệt của chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch.

Bà Bạch Thị Mân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum khẳng định, cần có nhiều yếu tố để du lịch Măng Đen phát triển bền vững. Trong đó, cần tăng cường quản lý nhà nước, làm tốt công tác truyền thông; thu hút các nhà đầu tư lớn, xây dựng được 9 - 10 khách sạn đạt chuẩn 4 - 5 sao vào năm 2030. Tuy nhiên, quảng bá thu hút đầu tư phải tuân thủ quy hoạch; đồng thời, phát triển thêm nhiều hình thức du lịch như du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm... Đặc biệt, cần đưa nét văn hóa của các dân tộc thiểu số tại chỗ vào hoạt động trải nghiệm.

“Năm 2025, tỉnh Kon Tum xác định tập trung phát triển thế mạnh là du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Trong quý I/2025, Sở sẽ tham mưu Thường trực Tỉnh ủy ban hành một đề án về phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Kon Plông. Bên cạnh đó, Sở cũng hướng dẫn, hỗ trợ huyện xây dựng các làng du lịch cộng đồng đạt chuẩn ASEAN, phát triển các khách sạn đạt 4 - 5 sao để du khách yên tâm lưu trú. Đặc biệt, Sở sẽ hoàn tất các thủ tục đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Khu du lịch sinh thái Măng Đen thành Khu du lịch sinh thái quốc gia”, bà Bạch Thị Mân khẳng định.

Một vấn đề khác của Măng Đen chính là khu vực trung tâm không quá lớn, dẫn đến việc quá tải trong các dịp lễ, Tết hoặc mùa hoa mai anh đào nở. Để giải quyết thực trạng này, đầu tháng 2/2025, Hội Du lịch Măng Đen đã ký kết ghi nhớ hợp tác, liên kết, hỗ trợ phát triển du lịch với làng du lịch cộng đồng các thôn Kon Vơng Kia (thị trấn Măng Đen), Kon Chênh (xã Măng Cành), Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng).

Ông Bùi Viết Hà, Chủ tịch Hội Du lịch Măng Đen cho biết, việc ký kết hợp tác sẽ giúp Hội xây dựng các tour, tuyến du lịch trải nghiệm tại các làng du lịch cộng đồng, quảng bá hình ảnh của các thôn đến với du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, giúp giảm tải cho khu vực trung tâm thị trấn Măng Đen trong các dịp lễ, Tết,… Song song với đó, Hội Du lịch Măng Đen sẽ tham mưu UBND huyện đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, hình thức du lịch như tổ chức các giải chạy marathon hoặc các cuộc thi khác, thu hút các vận động viên và gia đình đến với Khu du lịch sinh thái Măng Đen, góp phần quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người, văn hóa nơi đây đến với du khách gần xa.

Bài và ảnh: Dư Toán (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/giu-dac-trungsinh-thai-mang-den-khi-du-lich-bung-no-20250213081600754.htm