Giữ dòng Ngòi Đum

Ngòi Đum bắt nguồn từ nơi hợp lưu các suối trên địa bàn thị xã Sa Pa chảy về hướng Đông Bắc đến thành phố Lào Cai thì đổ vào sông Hồng. Với thành phố Lào Cai, dòng suối không chỉ là nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho hàng nghìn hộ mà còn là điểm nhấn cảnh quan giữa không gian đô thị.

Ngòi Đum chảy qua địa phận hai phường Kim Tân và phường Bắc Cường.

Ngòi Đum chảy qua địa phận hai phường Kim Tân và phường Bắc Cường.

Điểm nhấn cảnh quan đô thị

Từ cả trăm năm trước, trong phương án quy hoạch xây dựng các thành phố, dòng sông, suối được ở vị trí trung tâm, tạo không gian xanh trong lòng đô thị. Các tuyến đường chính của thành phố cũng dần dần mở ra phía dòng sông, suối kết nối với bờ bên kia bằng những cây cầu. Khi đô thị càng phát triển thì số lượng cầu ngày càng nhiều, ở các nước tiên tiến, đôi khi những cây cầu hình thành không chỉ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và nhu cầu sử dụng, mà còn để trang hoàng cho dòng sông, suối thêm đẹp và ấn tượng.

Cầu vòm Ngòi Đum 2 giúp dòng suối thêm đẹp.

Cầu vòm Ngòi Đum 2 giúp dòng suối thêm đẹp.

Những năm đầu tái lập, khi đô thị Lào Cai chưa mở rộng, phát triển như bây giờ, Ngòi Đum trở thành ranh giới tự nhiên giữa khu vực nội đô nhộn nhịp và vùng nông thôn. Cây cầu Kim Tân khi ấy nhiều người vẫn quen gọi là cầu số 4 là nhịp kết nối duy nhất giữa hai bờ Bắc Nam thị xã Lào Cai cũ qua Ngòi Đum. Thế rồi trước yêu cầu phát triển, có thêm cầu Bắc Cường ở đầu Đại lộ Trần Hưng Đạo. Mấy năm trở lại đây, chỉ riêng khu vực phường Kim Tân, phường Bắc Cường có thêm 3 cây cầu nữa được xây dựng để kết nối giao thông qua Ngòi Đum. Dòng xe hằng ngày qua lại khiến người ta bỗng nhớ rằng ngoài sông Hồng, ở thành phố Lào Cai còn có dòng Ngòi Đum đầy thơ mộng mà lâu nay ít ai để ý.

Để đánh thức Ngòi Đum, biến dòng suối trở thành điểm nhấn trong không gian kiến trúc đô thị, những năm qua, thành phố Lào Cai đã chú trọng xây dựng các phương án quy hoạch đô thị lấy Ngòi Đum làm trung tâm, những dãy phố, khu nhà liền kề được thiết kế quay mặt ra suối, các tuyến đường ven suối cũng được nâng cấp, mở rộng, cải tạo vỉa hè, thay thế cây xanh… Khu vực cửa ngòi những năm qua trở thành đại công trường thi công kè sông Hồng, kè Ngòi Đum, cầu vòm Ngòi Đum 2 và các tiểu khu đô thị, chỉ nay mai sẽ chẳng còn ai nhận ra trước đây là vùng lau lách, vắng người qua lại. Những người thích liên tưởng thì dự đoán với quy luật dịch chuyển của các hoạt động dịch vụ, nhà hàng từ phía Bắc thành phố về phía Nam như những năm qua thì chỉ một, hai năm nữa, khu cửa Ngòi Đum sẽ trở thành trung tâm của các hoạt động kinh tế ban đêm.

Giữ dòng nước trong xanh

Đã thành thói quen, từ ngày tuyến đường Ngô Minh Loan, phường Bắc Cường được nâng cấp mở rộng, ông Trần Văn Hùng thường tản bộ theo con phố này vào mỗi buổi chiều. Vỉa hè rộng rãi, hàng cây xanh rợp bóng và dòng nước êm đềm giúp ông có được cảm giác thư thái. Ông Hùng cho biết, có một thời gian nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra suối, rồi một số người thiếu ý thức xả rác bừa bãi xuống khiến dòng suối có đoạn đen ngòm, bốc mùi hôi thối, nhìn dòng suối bị đầu độc mà xót xa. Những năm gần đây, nhà nước đã đầu tư nhà máy xử lý nước thải, kè bảo vệ bờ suối, cải tạo các tuyến đường, người dân cũng có ý thức hơn trong bảo vệ môi trường… nhờ đó góp phần thay đổi cảnh quan hai bên bờ, giúp những người có sở thích đi bộ như ông có thêm không gian vừa đi bộ vừa chuyện trò.

Khu vực chợ Kim Tân không còn tình trạng vứt rác bừa bãi xuống suối.

Khu vực chợ Kim Tân không còn tình trạng vứt rác bừa bãi xuống suối.

Ông Mai Thành Chung, Phó Chủ UBND phường Kim Tân cho biết: Trên địa bàn phường có 7 tổ dân phố dọc theo Ngòi Đum, UBND phường thường xuyên tuyên truyền người dân chung tay giữ gìn môi trường dòng suối. Ông Đặng Công Hoan, Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Cường chia sẻ: Trước đây có tình trạng người dân sống hai bên bờ vứt rác bừa bãi xuống lòng suối gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, nhưng nay mọi thứ đã thay đổi bởi ai cũng hiểu rằng giữ cho dòng suối xanh, sạch cũng là góp phần cho thành phố trở nên đáng sống hơn.

Nhìn ở góc độ chuyên môn, ông Lưu Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) phân tích, trong quy hoạch cấp nước cho thành phố thì Ngòi Đum và Ngòi Đường là hai nguồn cung cấp nước chính, vì vậy bảo vệ môi trường ở hai dòng suối này đã được đặt ra từ lâu. Qua quan trắc của cơ quan chuyên môn những năm qua, chất lượng nguồn nước ở Ngòi Đum luôn đảm bảo các chỉ số cho phép, tuy nhiên cũng có những nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường nước cần phải tính đến đó là việc thi công các công trình, dự án phía thượng nguồn, việc phát triển đô thị Sa Pa hoặc gần hơn là ở khu vực xã Cốc San trong tương lai. “Hiện tại, do khu vực thượng nguồn còn thưa dân, dòng suối vẫn có khả năng tự làm sạch, tuy nhiên trong tương lai với nhiều yếu tố tác động thì sức chịu tải của dòng suối có thể bị ảnh hưởng. Điều này có thể kiểm soát được nếu ngay từ khâu quy hoạch đô thị, khu dân cư chúng ta tính toán hợp lý hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt”- ông Lưu Đức Cường nói.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/351142-giu-dong-ngoi-dum