Giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi: Trao truyền ngọn lửa đam mê

Nghệ nhân Bình Thảng hướng dẫn học viên hát bài chòi. Ảnh: THIÊN LÝ

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tại Phú Yên vừa phối hợp với Sở VH-TT-DL tổ chức Trại sáng tác và bồi dưỡng nghiệp vụ hát bài chòi cho gần 40 học viên là những hạt nhân trong phong trào văn hóa văn nghệ của các địa phương trong tỉnh. Đây là sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị để truyền dạy, gìn giữ loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này.

Điều đáng mừng hơn là có nhiều học viên trong độ tuổi đôi mươi, giàu nhiệt huyết và triển vọng trong việc phổ biến nghệ thuật bài chòi (NTBC).

Gieo câu hát vào lòng người

Thật ý nghĩa đối với nhiều người khi được tham gia trại sáng tác và bồi dưỡng nghiệp vụ hát bài chòi. Trong khuôn viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, bên bờ biển xanh, suốt 3 ngày liên tiếp (4-6/10), các học viên đến từ các CLB, nhóm bài chòi dân gian trên địa bàn tỉnh háo hức hội tụvề đây để cùng tìm hiểu, trao đổi, trau dồi một loại hình nghệ thuật đặc biệt. Nhìn những giọt mồ hôi trên gương mặt của các nghệ nhân bài chòi gạo cội: Nguyễn Phụng Kỳ, Nguyễn Đình Thoảng - những người trực tiếp hướng dẫn, truyền đạt kỹ năng, kinh nghiệm cho các học viên, mới hiểu hơn những tâm huyết, sự say mê của họ trong việc trao truyền những câu hát, nhịp tiền, nhịp phách. Học viên được các nghệ nhân, nghệ sĩ truyền đạt kiến thức cơ bản về lịch sử, nguồn gốc, giá trị bài chòi với các làn điệu đặc trưng, như xàng xê, xuân nữ, cổ bản, hò quảng và những cách hát khác nhau trong mỗi làn điệu. Trong tiếng gõ nhịp, sự hào hứng, say mê tập luyện của học viên như truyền thêm niềm tin, động lực cho người dạy.

Theo nghệ nhân Nguyễn Đình Thoảng (nghệ danh Bình Thảng), bài chòi gồm có ba loại: hô thẻ bài chòi, bài chòi chiếu và bài chòi sân khấu. Trại sáng tác và bồi dưỡng này tập trung truyền dạy cách hát dân ca bài chòi Khu 5, đặc biệt là hướng đến nghệ thuật sân khấu bài chòi, vừa ca vừa diễn xuất, biểu diễn, trong ca có nói, cười... “Chúng tôi nhìn thấy được sự cố gắng của các học viên để hát cho đúng điệu, khỏi bị lệch giọng, sai âm; đặc biệt là sự nỗ lực trong việc hát đúng bài bản của bài chòi sân khấu. Sự say mê của các học viên trong từng câu hát, đó là niềm vui của những người trao truyền như chúng tôi”- nghệ nhân Bình Thảng bày tỏ. “Cũng như những môn nghệ thuật truyền thống khác, khi NTBC trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thì trách nhiệm của ngành Văn hóa và mỗi người đang giữ nghề này rất lớn, mà điều đầu tiên là trách nhiệm với lớp trẻ. Phải thổi vào các em tình yêu bài chòi, mới có thể trao dạy cho các em về NTBC. Chúng tôi đã và đang dốc tâm huyết lan tỏa ngọn lửa đam mê bài chòi đến với lớp trẻ và tất cả mọi người” - nghệ nhân Bình Thảng trải lòng.

Là một trong những học viên trẻ tuổi nhất của trại sáng tác và bồi dưỡng nghiệp vụ hát bài chòi, Nguyễn Khắc Hà Đan chia sẻ: “Dù được mẹ dạy hát bài chòi từ nhỏ nhưng khi tham gia trại sáng tác và bồi dưỡng này, em càng thấy thú vị, vì hiểu rõ hơn những cái hay, cái đẹp cũng như sự độc đáo của bài chòi - một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của quê hương Nam Trung Bộ. Em mong muốn mình không chỉ là người hát mà còn trở thành cây bút sáng tác bài chòi trong tương lai”.

Gìn giữ cho muôn đời sau

Từ các làn điệu, lời ca bình dị ngọt ngào, gần gũi với đời sống của Nhân dân lao động, bài chòi đã đi vào lòng người, trở thành món ăn tinh thần của các tầng lớp Nhân dân. Là một loại hình văn hóa phi vật thể có tính sáng tạo, nghệ thuật diễn xướng mang tính ngẫu hứng, vừa là trò chơi dân gian vui nhộn, đầy trí tuệ, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất văn học, bài chòi mang đậm tính giáo dục hướng con người đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức cao đẹp. Trong dòng chảy của văn hóa hiện đại, các giá trị di sản văn hóa phi vật thể như bài chòi phải được bảo tồn cấp bách. Không chỉ riêng Phú Yên mà các địa phương cùng chung di sản bài chòi ở miền Trung đã và đang từng bước triển khai các giải pháp bảo tồn, phát triển.

Chị Trình Thị Liên, Chủ nhiệm CLB Bài chòi thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, không những có một tình yêu sâu đậm với bài chòi mà còn tích cực góp phần bảo tồn, giữ gìn bộ môn nghệ thuật này bằng giọng hát truyền cảm, ngọt ngào của mình, chia sẻ: “Đây là hoạt động ý nghĩa và bổ ích đối với những người yêu NTBC, là động lực cho các học viên có niềm tin và yên tâm gắn bó chặt chẽ, lâu dài hơn với loại hình nghệ thuật đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên trẻ có cơ hội được nâng cao kỹ năng hát, kỹ năng biểu diễn bài chòi, tiếp tục kế tục thế hệ trước”.

Theo nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Trại sáng tác và bồi dưỡng nghiệp vụ hát bài chòi năm 2022 là một trong những hoạt động thuộc đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể NTBC Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn Phú Yên giai đoạn 2021-2023, nhằm phát huy khả năng sáng tác và hát bài chòi của những cây bút, giọng ca triển vọng, góp phần bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống. “Cứ 3 học viên tham gia trại sáng tác và bồi dưỡng này thì có một người trẻ đến từ các sân khấu ca nhạc. Họ sẽ lan tỏa vẻ đẹp, âm hưởng của bài chòi tại các địa phương, góp phần phát huy và bảo tồn NTBC - vốn quý của dân tộc Việt Nam, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”- nhà văn Huỳnh Thạch Thảo cho biết.

Cứ 3 học viên tham gia trại sáng tác và bồi dưỡng này thì có một người trẻ đến từ các sân khấu ca nhạc. Họsẽ lan tỏa vẻ đẹp của bài chòi tại các địa phương, góp phần phát huy và bảo tồn NTBC - vốn quý của dân tộc Việt Nam, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo,

Phó Chủ tịch điều hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/287930/giu-gin-bao-ton-va-phat-huy-nghe-thuat-bai-choi--trao-truyen-ngon-lua-dam-me.html