Giữ gìn chữ Hán - Nôm góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc
Theo GS-TSKH. Đinh Khắc Thuân, việc lãnh đạo cao nhất của Nhà nước tặng thư pháp cho Tổng thư ký Liên hợp quốc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng thư pháp cho Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng CHLB Đức chính là sự chia sẻ bản sắc văn hóa dân tộc, vì chữ Hán - Nôm là một phần của hồn cốt văn hóa dân tộc.
Năm 2022, lãnh đạo cao nhất của Nhà nước và Chính phủ đã tặng thư pháp cho Tổng thư ký Liên hợp quốc, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng CHLB Đức. Là người dành trọn đời nghiên cứu về Hán - Nôm, văn hóa, lịch sử, thư pháp, ông suy nghĩ thế nào về những sự kiện này?
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng thư pháp cho nguyên thủ nước ngoài là rất hy hữu, nhưng năm vừa qua đã có 3 lần tặng thư pháp cho người đứng đầu Liên hợp quốc và 2 nguyên thủ nước bạn, là muốn truyền tải, lan tỏa văn hóa Việt Nam đến thế giới. Sau những sự kiện này, hình ảnh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tặng thư pháp được truyền đi khắp năm châu, đặc biệt là tại Đức và Nhật Bản.
Bức thư pháp tặng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio được viết bằng cả chữ Hán, chữ Quốc ngữ và chữ Nhật (Kanji), gói trọn thông điệp quan hệ giữa 2 quốc gia đã được 2 Thủ tướng nhất trí tại chuyến thăm Nhật Bản (tháng 11/2021) của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đó là: Thành (chân thành), Tình (tình cảm), Tín (tin cậy).
Trong buổi tặng thư pháp, “chủ nhà” Việt Nam đã giới thiệu với thượng khách về văn hóa Việt qua nghệ thuật thư pháp. Là những nước “đồng văn”, cũng như người Việt, người dân đất nước mặt trời mọc cũng rất coi trọng văn hóa thư pháp. Vì thế, những điểm tương đồng về văn hóa là nền tảng quan trọng góp phần củng cố tình hữu nghị bền chặt giữa hai quốc gia, hai dân tộc. Thủ tướng Kishida Fumio rất bất ngờ, cảm kích trước món quà vô cùng ý nghĩa và độc đáo được tặng.
Còn bức thư pháp viết bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ tặng Thủ tướng CHLB Đức Olaf Scholz với 3 chữ: “Hòa bình - Hữu nghị - Phát triển” cũng đã nói lên mong muốn của 2 quốc gia trong tương lai, nhất là đặt trong bối cảnh xung đột chính trị trên thế giới hiện nay, thì càng có ý nghĩa.
Bốn chữ thư pháp “Hòa - Bình - Hạnh - Phúc” được viết bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ tặng Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã nói lên khát vọng của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là mục tiêu mà Liên hợp quốc theo đuổi.
Với 3 sự kiện trên, có thể nói, chưa khi nào thư pháp “lên ngôi” như năm vừa qua, thưa ông?
Văn hóa, dù nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, đều là những điều tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp. Hán - Nôm, thư pháp là một phần của văn hóa Việt Nam, là một phần của hồn cốt văn hóa Việt cần phải được gìn giữ; đất nước càng phát triển, càng văn minh, hiện đại thì càng phải gìn giữ.
Tôi rất tâm đắc với phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (tháng 11/2021): “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn, thì dân tộc còn...”. Chúng ta tặng thư pháp cho các yếu nhân nước ngoài cũng nhằm mục đích lan tỏa văn hóa, hồn cốt, bản sắc Việt Nam đến với thế giới, khẳng định sự trường tồn của dân tộc Việt Nam, vì chữ Hán - Nôm gắn liền với lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của ông cha.
Xã hội Việt Nam gặp biết bao biến cố trong suốt thế kỷ qua, cộng với hội nhập kinh tế quốc tế, giao lưu, du nhập văn hóa phương Tây, nên phong trào viết thư pháp, học chữ Hán - Nôm có những giai đoạn bị lắng xuống. Nhưng những năm gần đây, không chỉ có lớp người có tuổi, mà lớp trẻ cũng ngày càng quan tâm đến thư pháp, đến chữ Hán - Nôm, bởi đây là một phần trong văn hóa của người Việt. Rất nhiều gia đình coi việc đi “xin chữ” đầu năm là nét đẹp văn hóa, là một phần không thể thiếu mỗi khi Tết đến - Xuân về.
Nhưng thưa ông, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, chữ Hán không phải là chữ Việt, mà là chữ Trung Quốc?
Đây là sự nhầm lẫn tai hại! Chữ Hán bắt đầu quá trình hình thành khoảng 1.500 năm trước Công nguyên. Khi đó, miền Bắc nước ta cùng các tỉnh phía Nam Trung Hoa ngày nay (phía Nam sông Trường Giang) thuộc quần thể nhóm người Bách Việt (Âu Việt và Lạc Việt) và các bộ tộc phía Bắc sông Trường Giang cùng nhau sáng tạo ra loại chữ tượng hình sơ khai ban đầu để ghi lại hiện tượng, sự vật, hành động, là cơ sở hình thành và phát triển chữ ký tự sau này được gọi là chữ Hán.
Chữ mà chúng ta quen gọi là “chữ Hán” ra đời trước khi Hán Cao Tổ thành lập nhà Hán hàng ngàn năm, nên không có cứ liệu nào khẳng định rằng, chữ Hán ngày nay hoàn toàn do người Hán sáng tạo ra, mà là sự đóng góp của rất nhiều tộc người, trong đó có tộc người Âu Việt và Lạc Việt - tổ tiên của người Việt ngày nay.
Ông có thể cho biết, cứ liệu lịch sử nào chứng minh người Âu Việt và Lạc Việt đóng góp vào sự hình thành chữ Hán?
Hiện vẫn còn một số bia mộ cổ trước Công nguyên hàng trăm năm, tức là trước khi nhà Hán ra đời (năm 202 trước Công nguyên) ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc được khắc những chữ tượng hình sơ khai ban đầu cho thấy, các dân tộc Bách Việt, trong đó có Âu Việt và Lạc Việt có công đóng góp vào sự hình thành và phát triển chữ Hán.
Bằng chứng tường minh nhất chính là ngoài các hình vẽ mô tả cảnh sinh hoạt, sản xuất, tín ngưỡng, trên mặt trống đồng Đông Sơn (khoảng 500 - 800 năm trước Công nguyên) đã xuất hiện những hàng chữ ∫ gẫy khúc nối tiếp, một trong những ký tự hình thành chữ Hán.
Năm 1995, trong dịp sang New York dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Liên hiệp quốc (1945 - 1995), Chủ tịch nước Lê Đức Anh dẫn đầu đoàn Việt Nam đã mang theo phiên bản trống đồng Ngọc Lũ (thuộc hệ văn hóa Đông Sơn) để làm quà tặng.
Trống đồng Ngọc Lũ là một bảo vật đặc biệt linh thiêng của người Việt. Ở đó hội tụ cả một nền văn minh cổ đại, trong đó có những khắc họa sơ khai của chữ Hán thủa hình thành. Việc tặng Liên hiệp quốc phiên bản Trống đồng Ngọc Lũ một mặt khẳng định, người Việt là tổ tiên của trống đồng (vì một số nước trong khu vực ASEAN cũng tìm thấy trống đồng), mặt khác ngầm khẳng định, bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt cũng đóng góp vào sự hình thành chữ Hán.
Mặc dù vậy, hiện tại, nhiều người vẫn cho rằng, học Hán - Nôm, viết thư pháp là hoài cổ, là lạc hậu trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, trong “thời 4.0”. Quan điểm của ông như thế nào?
Như tôi đã nói, chữ Hán - Nôm, viết thư pháp là một phần văn hóa tinh túy của người Việt cần được gìn giữ và lan tỏa. Việc viết chữ và cho chữ không đơn thuần là những ký tự chữ Hán hay chữ Quốc ngữ trên các chất liệu khác nhau, mà là văn hóa. Ngài Tổng thư ký Liên hợp quốc đã rất xúc động khi được giải thích về ý nghĩa văn hóa xin chữ - cho chữ của người Việt Nam.
Văn hóa, dù nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, đều là những điều tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp. Hán - Nôm, thư pháp là một phần của văn hóa Việt Nam, là một phần của hồn cốt văn hóa Việt cần phải được gìn giữ; đất nước càng phát triển, càng văn minh, hiện đại thì càng phải gìn giữ.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng mong muốn từng cá nhân, từng gia đình phải giữ lấy “nếp nhà”, giữ lấy “chân quê”; cả hệ thống chính trị phải ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Như vậy, gìn giữ chữ Hán - Nôm, từ Hán -Việt cũng chính là gìn giữ văn hóa Việt, hồn cốt Việt, thưa ông?
Do sự giao lưu, giao thoa về văn hóa hàng ngàn năm, cũng như Hàn Quốc, Nhật Bản, ông cha ta đã tiếp nhận một cách tự nhiên một lượng từ Hán và Việt hóa, hình thành nên từ Hán - Việt. Từ Hán - Việt, thành ngữ Hán - Việt là bộ phận không thể thiếu trong ngôn ngữ của người Việt.
Trong giao tiếp thông thường, bình dân, có thể không sử dụng từ Hán - Việt, nhưng trong văn bản, học thuật, nếu không sử dụng từ Hán - Việt, thì không thể diễn tả được hết ý muốn truyền tải. Muốn hiểu về từ Hán - Việt trong ngôn ngữ người Việt, thì phải biết ý nghĩa của nó.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng sử dụng nhiều thành ngữ, cụm từ Hán - Việt, như “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, “tư duy kinh tế”, “kính lão đắc thọ”, “tôn sư trọng đạo”, “trọng văn hiến, trọng hiền tài”... Nếu không hiểu hết ý nghĩa của những từ ngữ, thành ngữ Hán - Việt, thì khó có thể lĩnh hội hết ý nghĩa.
Ngôn ngữ Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng của văn hóa Hán, vì vậy, mỗi người dân xứ sở hoa Anh đào phải hiểu khoảng 2.000 từ Hán đã được Nhật hóa. Người Nhật Bản rất coi trọng, giữ gìn những từ Hán đã được Nhật hóa và bảo lưu chữ Hán, coi chữ Hán là một phần không thể thiếu của văn hóa Nhật. Tôi vừa đi giảng dạy ở một số trường đại học của Nhật về chữ Hán trên các bia mộ tại Việt Nam. Người Nhật còn biết giữ gìn, bảo lưu chữ Hán trên các bia mộ tại Việt Nam, thì tại sao mình lại không gìn giữ, bảo lưu, vì nó là một phần văn hóa vật thể và phi vật của người Việt.
“Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Nền tảng của văn hóa là ngôn ngữ và chữ viết, chữ Hán - Nôm, từ Hán - Việt là một bộ phận không thể thiếu của văn hóa Việt, là hồn cốt, là giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, nên rất cần phải giữ gìn.