Chuyến hành hương về đất Tổ
Những ngày tháng 3 âm lịch, hàng triệu trái tim con dân đất Việt lại hướng về đất Tổ Hùng Vương, nơi cội nguồn dân tộc.

Đầu tháng 3 âm lịch, dòng người đổ về đền Hùng rất đông
Ngày đầu tháng 3 âm lịch, mưa phùn lất phất, chúng tôi hành hương về miền đất Tổ dưới sự chỉ dẫn của anh Nguyễn Cao Khôi, một người bạn ở TP Việt Trì (Phú Thọ). Thật may mắn bởi anh là một trong những người bản địa am hiểu về khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Cách đây hơn 20 năm, tôi từng được đến Đền Hùng khi còn là một đứa trẻ. Cảm nhận về Đền Hùng khi đó không còn rõ nét nhưng chắc chắn khu di tích hiện đã đổi thay, khang trang, bề thế hơn rất nhiều. Điều đó có thể thấy ngay khu vực cổng hành lễ được đầu tư bài bản, quy mô với cổng tam quan đồ sộ, 18 lá đại kỳ tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng. Thay vì đi bộ như trước, giờ đây du khách di chuyển êm ru trên những chuyến xe điện vào khu di tích trên núi… Càng vào gần, ngước mắt lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, nơi có các ngôi đền thờ Vua Hùng, hương trầm thơm ngát, từng lớp sương mù bảng lảng vương vấn trên những tán cây xanh khiến ta cảm nhận sắp bước vào chốn đất thiêng.

Đỉnh núi Nghĩa Lĩnh mây mờ bao phủ cho du khách cảm nhận về một miền đất thiêng
Mặc dù còn 1 tuần nữa mới diễn ra chính hội nhưng hàng vạn người đã đổ về đây. Ngoài các bạn trẻ còn có rất nhiều người lớn tuổi, có cả những em bé được bố mẹ bế, dắt đi cùng. Anh Khôi nói: “Chưa ăn thua, tới chính hội, cả triệu người về đây chật kín”. Ông Nguyễn Tiến Trình, 75 tuổi (ở tỉnh Thái Nguyên) khẳng định một niềm tin mãnh liệt: “Mỗi dòng họ đều có cụ tổ, nhưng nơi đây mới là gốc rễ sinh ra đời đời người dân đất Việt”. Hồ hởi bước đi, ông đọc câu thơ lý giải cho việc hơn 15 năm nay, năm nào ông cũng về dự lễ hội Đền Hùng: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”.
Dưới chân núi Nghĩa Lĩnh hay còn gọi là núi Hùng là cổng chính dẫn lên các đền có dòng Hán tự: Cao sơn cảnh hành (tức “Núi cao đường lớn”)... Nhích từng bước trong dòng người hành hương, tôi thấy những thân cây thẳng tắp 2 bên đường. Anh Khôi nói đó là những cây chò chỉ, chò nâu quý hiếm, tuổi đời khoảng 100 năm. Rừng quốc gia đền Hùng là rừng đặc dụng, có diện tích 538 ha với hệ thực vật đa dạng. Trong đó, 15 loài thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam. Ở đây còn có nhiều cây đại tuổi thọ từ 500 - 600 năm; 3 cây hoa Đại Khải hiếm, luôn nở hoa đúng dịp Giỗ Tổ và hoa chỉ nở ở thân cây, không ở cành. Đặc biệt, 1 cây vạn tuế 800 tuổi với 3 ngọn tượng trưng cho 3 miền Bắc - Trung - Nam…

Đền Hạ là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình lên các ngôi đền thờ Vua Hùng
Điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là Đền Hạ. Tương truyền, nơi đây, mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành trăm người con trai. Khi các con khôn lớn, cha Lạc Long Quân mang theo 50 người con về vùng biển quai đê, mở mang bờ cõi. Mẹ Âu Cơ mang theo 49 người con ngược lên vùng núi, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Người con trưởng ở lại làm vua, cha truyền con nối 18 đời đều gọi là Hùng Vương… Nằm bên cạnh Đền Hạ còn có chùa Thiên Quang thờ Phật. Phía trước chùa là cây vạn tuế 800 năm tuổi.
Từ Đền Hạ bước hơn 150 bậc đá, du khách lên tới Đền Trung. Ở sân đền có một bộ bàn đá 8 chỗ ngồi với những viên đá dẹt mộc mạc, ngả màu theo thời gian. Tương truyền đây là nơi các Vua Hùng cùng Lạc Hầu, Lạc Tướng ngắm cảnh và họp bàn việc nước. Nơi đây, vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo, sáng tạo ra bánh chưng, bánh giầy.

Đền Thượng nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, nơi có thế đất thiêng
Trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh là Đền Thượng, nơi có thế đất thiêng hội tụ linh khí đất trời với bên trái là dãy núi Tam Đảo, bên phải là núi Ba Vì tạo thành thế tả thanh long, hữu bạch hổ. Phía trước đền là nơi 3 con sông Hồng, sông Lô, sông Đà hợp lưu. Quanh núi Nghĩa Lĩnh có 99 quả đồi như 99 con voi chầu về nơi Vua Tổ… Tương truyền, đền là nơi các vua Hùng thường tiến hành các nghi thức cầu khấn trời đất, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, muôn dân được ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là địa điểm chính diễn ra các nghi thức quan trọng nhất trong ngày Giỗ Tổ. Từng bước tiến gần vào cung cấm, nơi ban thờ đặt bài vị của 18 Vua Hùng, du khách cảm nhận một không khí linh thiêng khác lạ, lòng nhẹ bẫng xen lẫn bồi hồi, xúc động có lẽ bởi niềm tin được trở về với nguồn cội.

Đền Trung trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng
Phía bên phải Đền Thượng còn có cột đá thề được phục dựng theo tích xưa kia, Hùng Vương thứ 18 không có con trai, nghe lời con rể là Tản Viên nhường ngôi cho Thục Phán. Cảm kích, Thục Phán dựng cột đá trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thề: Nước Nam sẽ trường tồn, miếu thờ Hùng Vương sẽ còn mãi.
Từ Đền Thượng, xuôi theo đường xuống, du khách đi qua Lăng Hùng Vương, Giếng Cổ (tương truyền là nơi Tổ Mẫu Âu Cơ tắm cho các con), Đền Giếng (nơi thờ công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, con gái của Vua Hùng thứ 18)... Hành trình chiêm bái Đền Hùng chỉ mất khoảng hai giờ đồng hồ. Do đó, du khách có thể thăm đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ nằm trên núi Vặn, đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân trên đồi Sim.
Anh Khôi cho biết, lễ hội Đền Hùng năm nay chú trọng phần lễ hơn phần hội với nhiều nghi thức truyền thống. Phần hội diễn ra tuần lễ văn hóa du lịch. Không gian lễ hội sẽ trải dài trên cả địa bàn TP Việt Trì. Đặc biệt, ở di tích đền Hùng diễn ra hội trại của 13 huyện, thị xã, thành phố thể hiện nét đặc trưng văn hóa của 23 dân tộc sinh sống ở đây.

Du khách mua sản vật địa phương ngay dưới khu di tích
Tại khu di tích, du khách còn được ăn thử và mua về làm quà các sản vật địa phương do người bản địa bán như: Quả cọ, thịt chua, bánh sắn, gà nhiều cựa, xôi ngũ sắc… Du khách có thể ghé vào TP Việt Trì để thưởng thức nhiều món ăn đặc sản như: Cá lăng, cá chiên, cá ngạnh sông Đà, sông Lô, bánh cuốn, cơm nắm lá cọ... Giá mỗi bữa ăn khoảng 200.000 đồng/người.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nho-ngay-gio-to-408769.html