Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khơ Mú

Đồng bào dân tộc Khơ Mú, xã Nong Lay, huyện Thuận Châu hiện có 170 hộ, sinh sống tại 5 bản, tập trung chủ yếu tại bản Phiêng Nong và Bó Mạ. Những phong tục, tập quán, nét văn hóa đặc trưng, tiêu biểu vẫn được lưu giữ và phát huy.

Phụ nữ dân tộc Khơ Mú xã Nong Lay truyền dạy kỹ thuật thêu trang phục dân tộc.

Phụ nữ dân tộc Khơ Mú xã Nong Lay truyền dạy kỹ thuật thêu trang phục dân tộc.

Phụ nữ đồng bào dân tộc Khơ Mú bản Phiêng Nong, xã Nong Lay, gìn giữ nét truyền thống trong trang phục.

Phụ nữ đồng bào dân tộc Khơ Mú bản Phiêng Nong, xã Nong Lay, gìn giữ nét truyền thống trong trang phục.

Bà con đồng bào Khơ Mú trong xã giữ được nét đặc sắc của những bộ trang phục truyền thống, gồm: Khăn piêu, áo cóm đen, váy đen, bộ xà tích thắt lưng. Trong đó, cách đội khăn piêu khác hoàn toàn với cách đội khăn piêu của phụ nữ dân tộc Thái. Khi đội khăn, chị em búi tóc gọn trên đầu, dùng thêm độn tóc cho búi tóc đẹp. Sau đó, mới quấn khăn quanh đầu, ôm lấy búi tóc ngược, luồn một đầu khăn qua vành quấn, vắt ra ngoài để lộ hoa văn của khăn piêu. Áo của phụ nữ Khơ Mú là áo cóm đen, có hàng cúc bạc to hình chữ nhật, trên áo đính những đồng tiền bạc, hạt ngọc nhiều màu thể hiện mong ước giàu sang, phồn thịnh.

Bên cạnh đó, dân bản giữ được những lễ hội truyền thống, như xên bản, mừng lúa mới, mừng cơm mới... Trong đó, lễ mừng lúa mới được bà con tổ chức vào tháng 4 hằng năm được coi là lễ lớn nhất trong năm của người Khơ Mú, mang ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc.

CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Khơ Mú xã Nong Lay trình diễn trích đoạn nghi lễ "cúng lúa mới".

CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Khơ Mú xã Nong Lay trình diễn trích đoạn nghi lễ "cúng lúa mới".

Lễ cúng lúa mới được thành viên CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Khơ Mú xã Nong Lay trình diễn.

Lễ cúng lúa mới được thành viên CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Khơ Mú xã Nong Lay trình diễn.

Ông Lò Văn Ơn, người có uy tín của bản Phiêng Nong, thông tin: Nghi lễ cúng lúa mới được tổ chức với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, chia sẻ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Lễ cúng lúa mới gồm phần lễ và phần hội. Sau khi tất cả các nghi lễ linh thiêng kết thúc thì phần hội diễn ra trong không khí vui tươi phấn khởi được thể hiện qua những điệu múa… Chúng tôi còn tổ chức các trò chơi dân gian như đẩy gậy, tung còn, kéo co. Mọi người dân trong bản không kể nam nữ, già trẻ, gái trai đều có thể tham gia góp vui và hòa vào không khí tưng bừng của lễ hội, giúp cho nhân dân trong bản thêm đoàn kết, gắn bó.

Trình diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc dân gian Khơ Mú

Trình diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc dân gian Khơ Mú

Triển khaiDự án về "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch" trên địa bàn huyện Thuận Châu, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thuận Châu, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã phối hợp với UBND xã Nong Lay tổ chức lớp tập huấn truyền dạy về các làn điệu dân ca, các điệu múa Vêlr guông, múa cá lượn, múa tra hạt; hòa tấu nhạc cụ dân tộc và một số nghi lễ truyền thống trong văn hóa dân gian dân tộc Khơ Mú. Ngoài ra, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện hỗ trợ CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Khơ Mú xã Nong Lay kinh phí mua sắm trang phục, đạo cụ, nhạc cụ, loa... góp phầnkhôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Phụ nữ dân tộc Khơ Mú trình diễn các điệu múa, dân ca.

Phụ nữ dân tộc Khơ Mú trình diễn các điệu múa, dân ca.

Anh Lò Văn Thơm, Chủ nhiệm CLB sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Khơ Mú xã Nong Lay, thông tin: CLB có 22 thành viên, độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi. Được tập huấn, truyền dạy nhạc cụ dân tộc Khơ Mú, các hạt nhân văn nghệ của bản, các thành viên CLB đã tiếp thu các kỹ năng điệu múa, lời ca, các nhạc cụ và nghi lễ truyền thống của dân tộc mình. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, xây dựng các tiết mục văn nghệ mang bản sắc dân tộc Khơ Mú để tập luyện và truyền dạy cho thanh, thiếu niên trong bản.

Phát huy vai trò trưởng bản, người có uy tín, nghệ nhân dân gian truyền dạy cho thế hệ trẻ thông qua trang phục, làn điệu dân ca, ẩm thực, lễ hội. Đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, góp phần gìn giữ, bảo tồn nét đẹp truyền thống dân tộc của dân tộc Khơ Mú ngày càng được phát huy, làm sinh động thêm nét đẹp văn hóa truyền thống cộng đồng các dân tộc của Tây Bắc.

Thu Thảo

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/giu-gin-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-dan-toc-kho-mu-0QN5NAZNg.html