Giữ gìn và phát triển làng nghề, nghề truyền thống - Bài 2: Nỗ lực giữ nghề

Để giữ gìn và phát triển làng nghề, nghề truyền thống, nhiều người làm nghề tỉnh Kiên Giang kiên trì truyền nghề, giữ lửa nghề truyền thống, tìm thị trường tiêu thụ…, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Giữ gìn và phát triển làng nghề, nghề truyền thống - Bài 1: Nỗi lo mai một

GIỮ LỬA NGHỀ

Với kinh nghiệm được truyền lại từ ông bà, cha mẹ, chị Châu Thị Mỹ Linh - chủ cơ sở mắm ruốc Bà Út, xã Bình An, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) trở thành một trong những người làm mắm ruốc ngon ở xã.

Tiếp nối nghề làm mắm truyền thống của gia đình, chị Linh chăm chỉ học hỏi, nỗ lực duy trì nghề. Vào mùa ruốc, chị bận suốt ngày đêm để thu mua nguyên liệu tươi ngon, kịp làm mắm lúc ruốc còn tươi.

Chị Linh chia sẻ: “Đời ông bà tôi làm nghề mắm ruốc và sống bằng nghề này nên tôi tiếp tục nối nghề để giữ thương hiệu mắm ruốc của gia đình. Từ nhỏ, tôi quen với mùi mắm, say mê vị đậm đà của ruốc nên lâu dần thành nghiện. Một ngày không ngửi thấy mùi thơm này nhớ lắm…”.

Làm mắm ruốc nhìn đơn giản nhưng để có sản phẩm mắm ruốc thơm ngon, sử dụng được lâu là quá trình dài tích lũy kinh nghiệm, quy trình sản xuất công phu và phải đảm bảo khép kín, sạch sẽ. Công đoạn sản xuất mắm ruốc của gia đình chị Linh được làm thủ công. Sau khi mua ruốc về, chị Linh lựa bỏ cá tạp, rửa con ruốc thật sạch, để ráo nước rồi ướp muối, ủ từ 2-3 đêm, sau đó đem phơi khô, bỏ vào cối lớn giã nhuyễn. Ruốc khô để thời gian càng lâu thì càng thơm ngon. Còn mắm ruốc chua chỉ ủ từ 3-4 đêm, sau đó để cho khô nước, trộn thính, đường và ủ đến khi nào có vị chua là dùng được. Quá trình làm mắm ruốc, chị Linh chú trọng đảm bảo an toàn, vệ sinh sản phẩm.

Chị Châu Thị Mỹ Linh - chủ cơ sở mắm ruốc Bà Út, xã Bình An, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) bán hàng cho khách.

Chị Châu Thị Mỹ Linh - chủ cơ sở mắm ruốc Bà Út, xã Bình An, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) bán hàng cho khách.

Nhờ chất lượng thơm ngon, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, nhất là với sự phát triển của du lịch nên mắm ruốc nhà chị Linh bán chạy. Trung bình mỗi tháng cơ sở mắm ruốc Bà Út cung cấp ra thị trường khoảng 300-400kg ruốc các loại như mắm ruốc khô, mắm ruốc chua, ruốc phơi khô… và được thương lái ở An Giang, TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh đặt hàng. Ngoài ra, chị còn bán cho khách du lịch khi đi tham quan TP. Hà Tiên, huyện Kiên Lương. Với giá từ 50.000- 60.000 đồng/kg mắm ruốc, hàng năm sau khi trừ chi phí, gia đình chị Linh lời khoảng 120 triệu đồng từ nghề làm mắm ruốc.

Mắm ruốc được chế biến nhiều món như mắm ruốc xào ba rọi, mắm ruốc chưng, mắm ruốc làm lẩu... hay có thể làm nước chấm trong các bữa ăn hàng ngày của gia đình. Nhờ những món ăn dân dã, đậm đà mùi vị của quê hương nên người dân ở xã Bình An luôn bám biển, bám nghề để mưu sinh và làm ra sản phẩm mắm ruốc đặc trưng.

Là một trong những nghề truyền thống có từ hàng trăm năm tại TP. Hà Tiên, nghề làm tôm khô góp phần ổn định cuộc sống cho người dân địa phương. Cơ sở sản xuất tôm khô của bà Nguyễn Thị Ánh, ngụ khu phố 2, phường Tô Châu được gây dựng 52 năm, là một trong những cơ sở sản xuất tôm khô lớn ở TP. Hà Tiên.

Tại cơ sở sản xuất tôm khô của bà, công nhân tất bật nhập tôm nguyên liệu, luộc tôm và phơi tôm. Tất cả quy trình làm tôm khô đều thủ công, không dùng chất bảo quản nên chất lượng tôm đảm bảo. Bà Ánh chú trọng khâu luộc tôm và ướp muối vừa ăn. Sau khi tôm luộc xong phải phơi tôm thật khô, tiếp theo là đập vỏ tôm và lựa tôm riêng ra theo từng kích cỡ khác nhau rồi cho vào bọc cân.

Đến nay, tôm khô của gia đình bà bán cho các đại lý tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Với bà Ánh, nghề làm tôm khô tuy vất vả, khó khăn, thăng trầm nhưng bà vẫn quyết tâm giữ nghề của cha ông. Cơ sở sản xuất tôm khô của bà tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, trong đó chủ yếu là lao động nữ.

TẠO VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

Anh Nguyễn Hoàng Đạt - chủ cơ sở đan ghế bằng nhựa Bảy Tơ, ấp Ruộng Sạ 1, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đan ghế bằng dây nhựa.

Trong khi nhiều làng nghề, nghề truyền thống đang dần bị mai một thì làng nghề đan ghế từ dây nhựa tại xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) là ngoại lệ khá thú vị trong việc bảo tồn giá trị truyền thống.

Bén duyên với nghề đan ghế từ dây nhựa năm gần 20 tuổi, bài học đầu tiên về nghề của anh Nguyễn Hoàng Đạt - chủ cơ sở đan ghế bằng nhựa Bảy Tơ, ấp Ruộng Sạ 1, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận là phải khéo léo, có khiếu thẩm mỹ và yêu nghề. Những kiến thức đó giúp anh Đạt trụ vững qua bao thăng trầm của nghề.

Gần 20 năm theo nghề, anh Đạt nỗ lực không mệt mỏi, sáng tạo làm đẹp sản phẩm ghế từ dây nhựa. Anh lân la khắp các tỉnh, thành phố để học nghề. Nhiều lần đan ghế bị lỗi, anh Đạt không nản lòng, anh vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Sau những ngày tháng chăm chỉ học tập, tay nghề của anh càng thêm vững vàng.

Sau nhiều năm dồn công sức, tâm huyết vào nghề đan ghế bằng dây nhựa, anh Đạt thành lập cơ sở đan ghế bằng nhựa Bảy Tơ, được Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang công nhận làng nghề. Không để làng nghề có nguy cơ mai một vì không có đầu ra, anh Đạt đi khắp nơi để tìm hướng phát triển làng nghề.

Thời gian đầu, anh bị một doanh nghiệp ở Đồng Nai lừa 300 triệu đồng. Doanh nghiệp nhận hàng nhưng không thanh toán với lý do sản phẩm lỗi nhưng cũng không trả lại sản phẩm. Lâm vào cảnh nợ nần nhưng anh không nản mà vẫn chăm chỉ làm, tích lũy trả nợ và vay vốn tiếp tục phát triển làng nghề.

Hiện làng nghề đan ghế từ dây nhựa phát triển ổn định, liên tục có đơn đặt hàng từ doanh nghiệp nên anh Đạt không phải lo đầu ra, nhiều khi cơ sở của anh Đạt làm không kịp. Sản phẩm đan ghế từ dây nhựa của làng nghề có mặt ở khắp các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn ở các tỉnh như Kiên Giang, Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh…

Anh Đạt chia sẻ: “Sản phẩm của làng nghề không chỉ là vật dụng bình thường mà còn chứa đựng nét văn hóa. Để làng nghề tồn tại và phát triển, tôi dặn thợ làm sản phẩm đẹp, chất lượng để khách hàng hài lòng và tín nhiệm”.

Nhiều năm liền cơ sở của anh Nguyễn Hoàng Đạt tạo việc làm cho 20 nhân công tại cơ sở và hàng ngàn hộ gia đình ở huyện Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, trong đó có nhiều phạm nhân tại Trại giam Kênh 7. Không cần có công xưởng, máy móc, thiết bị, người dân có thể làm nghề đan ghế nhựa ở bất cứ đâu. Tại xã Vĩnh Phong, từ quán nước, hàng tạp hóa, chợ, nhà dân… nơi đâu cũng bắt gặp hình ảnh các chị, các mẹ tay thoăn thoắt đan lát. Người già, người trẻ đều có việc làm.

“Nghề đan ghế bằng dây nhựa đơn giản, không yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao nên già, trẻ ai cũng có thể làm được và quan trọng là người học không mất phí. Khi thành nghề, chúng tôi tạo việc làm bằng cách cung cấp nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm. Thu nhập của người làm nghề tùy theo khả năng, dao động từ 3 - 10 triệu đồng/tháng”, anh Đạt cho biết.

Anh Đạt luôn trăn trở và mong được tiếp lửa nghề cho thế hệ trẻ. Khác với việc giữ bí kíp nghề truyền thống như một số nơi, anh Đạt sẵn sàng đem kiến thức nghề nghiệp truyền dạy cho người ở bất cứ địa phương nào khi họ có nhu cầu. “Hiện có nhiều người không còn hứng thú với nghề truyền thống, chỉ những người yêu nghề, thật sự trăn trở với những giá trị truyền thống mới làm nghề. Nếu các bạn trẻ có nhu cầu học nghề đan ghế từ dây nhựa, tôi sẵn sàng chỉ dạy”, anh Đạt nói.

Ngày nay trên thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng ghế nhựa, nhưng sản phẩm đan ghế từ dây nhựa của cơ sở đan ghế bằng nhựa Bảy Tơ vẫn được người tiêu dùng yêu thích bởi sản phẩm đẹp, giá hợp lý.

Trải qua hàng chục năm, những sản phẩm từ các nghề, làng nghề truyền thống luôn giữ vẻ đẹp độc đáo, nét văn hóa đặc trưng qua thời gian. Đó là nhờ nỗ lực, sự tận tụy của những con người ngày đêm phát triển và lưu truyền nghề, làng nghề truyền thống.

Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//phong-su-ghi-chep/giu-gin-va-phat-trien-lang-nghe-nghe-truyen-thong-bai-2-no-luc-giu-nghe-11944.html