Giữ gìn văn hóa truyền thống trong thời kỳ hội nhập

Trang phục đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống. Trang phục không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người như che thân, làm đẹp, mà còn chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa, tín ngưỡng và bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Nhận thức rõ vấn đề này, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều cách làm thiết thực trong hoạt động giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc qua trang phục truyền thống (TPTT).

Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông Đen ở thôn Khuổi Nặp, xã Cao Minh, huyện Tràng Định. Ảnh: Thúy Hạnh

Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông Đen ở thôn Khuổi Nặp, xã Cao Minh, huyện Tràng Định. Ảnh: Thúy Hạnh

Lạng Sơn là tỉnh miền núi có 5 huyện biên giới, 2 huyện nghèo. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 83% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là các dân tộc như: Nùng, Tày, Dao, Sán Chay, Hoa, Mông. Trong thời kỳ hội nhập toàn cầu như hiện nay, một bộ phận đồng bào DTTS nói chung và đồng bào DTTS ở Lạng Sơn nói riêng đã thay đổi cách ăn mặc. Họ không còn hào hứng mặc TPTT, không còn giữ được TPTT của dân tộc mình. Thậm chí, họ còn suy nghĩ nếu không mặc theo kiểu “toàn cầu hóa” sẽ bị coi là lạc hậu. Phần lớn TPTT của nhiều DTTS chỉ còn được lưu giữ trong các bảo tàng, trung tâm văn hóa. Do TPTT gần như không còn gắn với đời sống hằng ngày của một số người dân, nên dẫn tới nguy cơ mai một, thậm chí biến mất trong cộng đồng các DTTS.

Ông Tạ Đăng Nghị, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Khi mặc không đúng TPTT của dân tộc mình, thì du khách đến địa phương sẽ nhận diện sai lệch về nhận thức và văn hóa của dân tộc đó. Vì vậy, đồng bào DTTS nên mặc TPTT của dân tộc mình. Để cho khách du lịch có thể nhận biết rõ, đó là dân tộc nào”.

Chị Hoàng Thị Đào, dân tộc Nùng, ở phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cũng nhất trí với quan điểm nêu trên. Chị Đào cho biết thêm: “Trong thời hội nhập như hiện nay, tôi nghĩ rằng, khi chúng ta mặc đúng TPTT của dân tộc mình, thì chúng ta sẽ lưu giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình không bị biến đổi, mai một trước thời gian”.

Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn khẳng định: “Không có cách nào khác chính là tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, khôi phục làng nghề, tiếp tục mặc TPTT của dân tộc mình, trang phục dân tộc truyền thống mới bền vững mãi muôn đời về sau. Như vậy, khi chúng ta thấy tự hào về trang phục dân tộc, thì mới giữ được bản sắc văn hóa theo dòng chảy của thời gian”.

Trong các lễ hội, hình ảnh đồng bào DTTS xúng xính trong trang phục mang đậm bản sắc dân tộc như làm không gian văn hóa lễ hội thêm rực rỡ sắc màu. Thế nhưng, cũng không khó để bắt gặp những hình ảnh không phải là bộ trang phục kiểu truyền thống của các DTTS Việt Nam. Thậm chí, không biết là của dân tộc nào, khi họa tiết, hoa văn, kiểu sáng bị pha tạp, lai căng hoặc cách tân quá đà.

“Tôi thấy một số người mặc những trang phục không đúng của dân tộc. Những trang phục đấy là trang phục ngoại lai, như của dân tộc Miêu, dân tộc Choang của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Theo tôi nghĩ, mặc đúng của dân tộc mình sẽ lưu giữ được bản sắc của dân tộc hơn” - chị Đào chia sẻ.

Khi đi du lịch đến một địa phương nào đó, du khách không chỉ tham quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp mà còn muốn tìm hiểu về truyền thống văn hóa của địa phương đó. Dẫu biết rằng, việc lựa chọn trang phục là sở thích, phong cách của mỗi người. Nhưng mặc trang phục lệch chuẩn sẽ dẫn tới việc khách du lịch hiểu lầm về nét văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh. Bên cạnh đó, một số điểm du lịch có các cửa hàng cho thuê trang phục dân tộc. Trong đó, có những cả bộ trang phục cổ trang của nước ngoài. Việc du khách mặc những trang phục này để chụp ảnh điểm du lịch, sẽ vô tình quảng bá cho văn hóa ngoại lai.

Trước thách thức thời hội nhập, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn vừa có văn bản chấn chỉnh việc mặc trang phục DTTS trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương của tỉnh phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức tại cơ quan, đơn vị mặc đúng TPTT của các DTTS Việt Nam. Các hộ kinh doanh dịch vụ, các điểm du lịch homestay không bán hoặc cho thuê trang phục cổ trang, trang phục nước ngoài, trang phục được cải biến và tập trung vào TPTT của tỉnh. Ngoài việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, thì việc khôi phục các làng nghề truyền thống như nhuộm chàm, dệt vải... cũng cần được quan tâm, để bản sắc văn hóa dân tộc qua TPTT được bảo tồn và phát huy giá trị.

Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án, chia làm nhiều giai đoạn nhằm lựa chọn, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy những loại hình TPTT của các DTTS trên địa bàn tỉnh có giá trị tiêu biểu, đặc sắc. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ mở các lớp bảo tồn, truyền dạy những TPTT của dân tộc. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa trang phục của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Công tác truyền thông tích cực được đẩy mạnh đã góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của Lạng Sơn đối với các du khách trong và ngoài nước. Nhờ đó, trong khoảng 5 năm trở lại đây, không chỉ du khách trong tỉnh, mà rất nhiều du khách ngoài tỉnh và quốc tế đã lựa chọn Lạng Sơn là điểm trải nghiệm du lịch. Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2024, ước tính, tổng lượng du khách đến Lạng Sơn đạt trên 760 lượt (tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, khách quốc tế đạt 22.000 lượt, khách trong nước đạt 739.000 lượt, doanh thu ước đạt 539 tỷ đồng (tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023). Từ thực tế cho thấy, bản sắc văn hóa dân tộc qua trang phục là một trong những sản phẩm văn hóa đã và đang từng bước tạo được sức hút đối với du khách trong và ngoài nước.

Mỗi bộ TPTT của các dân tộc ở Việt Nam đều có những nét đẹp riêng, thể hiện bản sắc văn hóa riêng của dân tộc đó. Mặc đúng trang phục dân tộc không chỉ là nhu cầu, hay sở thích, thể hiện lòng tự tôn dân tộc, mà còn là trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Thúy Hạnh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giu-gin-van-hoa-truyen-thong-trong-thoi-ky-hoi-nhap-post473592.html