Giữ hồn cốt dân tộc cho lễ hội

Nhiều lễ hội truyền thống đã được nghiên cứu phục dựng, các địa phương tạo nhiều điều kiện để du khách được tham dự thuận lợi, an toàn

Là một trong những lễ hội lớn và kéo dài nhất khu vực phía Bắc, thu hút hàng vạn tăng ni, Phật tử và du khách về với vùng đất Phật linh thiêng để chiêm bái, vãn cảnh, lễ khai hội xuân Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh) được tổ chức vào ngày 10 tháng giêng (7-2).

Đậm đà bản sắc văn hóa Việt

Năm nay, Lễ khai hội Xuân Yên Tử truyền thống được tổ chức đặc biệt hơn, tái hiện lại một lễ hội xuân xưa mang đậm nét truyền thống với các hoạt động rước kiệu, dâng lễ, với các nghi lễ tâm linh như gióng trống, thỉnh chuông, lễ chúc phúc đầu năm, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử... cùng với phần biểu diễn văn nghệ khai hội.

Đặc biệt, nghi lễ rước kiệu năm 2025 có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với sự tham gia của 11 đội kiệu từ các địa phương thuộc TP Uông Bí và Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, đã mang đến một lễ hội khai xuân long trọng và đậm đà bản sắc văn hóa Việt.

Trong 9 ngày Tết Nguyên đán, Khu di tích Yên Tử đã đón gần 80.000 lượt khách du xuân, lễ Phật, góp phần cùng với các địa phương trong toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu thu hút 20 triệu lượt khách trong năm 2025.

Nhiều người vẫn thường truyền tai nhau về Bình Dương rằm tháng giêng, trải nghiệm "lễ hội miễn phí". Đây là lễ hội có đông người tham gia nhất khu vực Đông Nam Bộ, có ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Du khách đến với lễ hội rằm tháng giêng tại Bình Dương những năm qua luôn ấn tượng với hàng loạt các hoạt động miễn phí "có một không hai" tại vùng đất này.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật khai hội xuân Yên Tử. Ảnh: HOÀNG LAN

Chương trình biểu diễn nghệ thuật khai hội xuân Yên Tử. Ảnh: HOÀNG LAN

Trong đó, Lễ rước kiệu Bà là một trong những hoạt động lớn của Lễ hội Miếu Bà Thiên Hậu, diễn ra vào dịp rằm tháng giêng hằng năm. Năm nay, từ mùng 1 Tết Nguyên đán, du khách thập phương đã đổ về Bình Dương tham dự lễ hội. Đáng chú ý, tâm điểm của lễ hội diễn ra vào ngày 15 giêng với nghi thức rước Cộ Bà.

Tây Ninh cũng có nhiều lễ hội thu hút người dân và du khách đến tham quan. Đặc biệt, đêm 1-2 (mùng 4 Tết), tại Khu Du lịch Quốc gia núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh tổ chức Lễ khai mạc Hội xuân núi Bà Đen Ất Tỵ 2025. Lễ hội diễn ra từ ngày 4 đến 16 tháng giêng, được xem là sự kiện lớn nhất trong năm của tỉnh. Hội xuân núi Bà Đen là dịp để người dân gửi gắm ước nguyện về một năm mới bình an và nhiều hỷ lạc trước Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc lớn hàng đầu thế giới.

Trong ngày khai mạc Hội xuân núi Bà Đen, Tây Ninh đón hơn 100.000 người dân và du khách đến tham quan.

Tăng độ nhận diện của di sản

Theo bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), lễ hội rằm tháng giêng ở TP Thủ Dầu Một không có nạn buôn thần bán thánh cũng như tình trạng chèo kéo khách mua đồ thắp hương, vì lực lượng thanh niên đã tổ chức phát hương, cây phát tài trước khu vực chùa Bà.

Mỗi người dân đến đây sẽ được phát 6 cây nhang và cả cây phát tài; người khuyết tật và người mù được bố trí ngồi bán vé số ngay trước cổng Miếu Bà. Ngoài ra, còn có dịch vụ giữ xe miễn phí, WiFi miễn phí.

Để phục vụ du khách thập phương, ngay từ đầu xuân, TP Thủ Dầu Một đã triển khai đồng loạt nhiều hoạt động đặc sắc như ra mắt đội hình tình nguyện sửa, vá xe lưu động và xe ôm miễn phí; đội hình thanh niên xung kích tham gia giữ gìn, bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đội hình thanh niên tình nguyện vì thành phố không rác; đội hình hỗ trợ lễ hội.

Các doanh nghiệp trực thuộc Chi hội Doanh nhân trẻ TP Thủ Dầu Một cũng đăng ký tham gia các hoạt động thiện nguyện tại lễ hội này. Đây chính là điểm khác biệt đối với nhiều du khách khi đến Bình Dương.

Mùa lễ hội năm nay TP Thủ Dầu Một tiếp tục hướng đến 3 tiêu chí là văn minh, an toàn và miễn phí. Những người làm thiện nguyện họ sẽ bỏ tiền túi để mua nước suối, bánh mì, khẩu trang, đồ ăn… phục vụ khách hành hương về chùa Bà trong những ngày cao điểm. Đây chính là lòng hiếu khách, cũng như thể hiện cái tình của người Bình Dương.

Ông Phạm Tuấn Đạt - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Uông Bí - cho biết trong những năm qua, Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương xây dựng và hoàn thiện xong bộ hồ sơ khoa học "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" đệ trình lên tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Việc xây dựng hồ sơ tôn vinh di tích danh thắng Yên Tử là nỗ lực tôn vinh văn hóa lịch sử, đồng thời tăng độ nhận diện của di sản ở quy mô toàn cầu trở thành tài nguyên cho phát triển du lịch, phát huy hiệu quả cho giá trị di sản. Nếu được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới thì sẽ là cơ sở vững chắc cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững, góp phần bứt phá trong phát triển kinh tế.

Theo ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau, trên địa bàn Cà Mau có các lễ hội lớn như: Lễ tri ân Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội Nghinh Ông, lễ hội vía bà Thủy Long…

Để giữ hồn cốt dân tộc cho lễ hội, ngành du lịch tỉnh Cà Mau thời gian qua đã nghiên cứu sâu về các lễ hội gốc, tập tục truyền thống, tín ngưỡng và đối tượng của lễ hội. Đồng thời, nghiên cứu phục dựng đúng nguyên bản của lễ hội truyền thống. Sau đó, xây dựng các kịch bản bảo đảm tính truyền thống, bản sắc của lễ hội và phù hợp trong tình hình hiện nay. Tổ chức tập huấn cho đối tượng chủ thể của lễ hội (ban trị sự đình, ban trị sự lăng miếu) để giúp họ nhận thức rõ giá trị và ý nghĩa di sản của lễ hội cũng như đối tượng thờ.

Quy mô hơn nhưng phải đúng bản sắc

"Nâng cao nhận thức cộng đồng và xã hội về giá trị di sản của lễ hội nhằm bảo đảm lễ hội diễn ra đúng với nghi thức truyền thống, không bị lai tạp và thương mại hóa. Tuy nhiên, phải có những yếu tố phù hợp để phục vụ đối tượng là khách du lịch. Thực hiện tốt các giải pháp trên, chúng ta không chỉ bảo đảm lễ hội truyền thống giữ được bản sắc mà còn tạo ra nhận thức cộng đồng và mang giá trị văn hóa để phát triển du lịch. Sở VH-TT-DL Cà Mau đã chỉ đạo bảo tàng tỉnh nghiên cứu lại một số lễ hội cúng đình để làm quy mô hơn nhưng phải bảo đảm đúng bản sắc và nghi thức truyền thống" - Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng khẳng định.

Lan Anh - Vân Du - Thảo Nguyễn - Sỹ Hưng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giu-hon-cot-dan-toc-cho-le-hoi-196250208214601258.htm