Giữ hương sắc trà sen Quảng An, tinh hoa phở Hà Nội
Bộ VHTT&DL vừa đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia món phở Hà Nội và nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An (Tây Hồ). Thời gian tới, để gìn giữ, phát huy được hương sắc, tinh hoa ẩm thực Thủ đô đã có nhiều giải pháp được đặt ra.
Xây dựng bản đồ phở Hà Nội
Lịch sử hình thành và phát triển của món phở gắn với với lịch sử thăng trầm của Thủ đô. Từ nửa cuối thế kỷ XX, phở trở thành món ăn phổ biến được ưa chuộng tại Hà Nội. Đằng sau mỗi quán phở lại có một châu chuyện lịch sử riêng tạo thành những mảnh ghép để hiểu hơn ẩm thực và con người Hà Nội.
Theo Sở VH&TT Hà Nội, khi phở Hà Nội được chính thức đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cần triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Cụ thể như hoạt động quảng bá, giới thiệu di sản; nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa; các hoạt động truyền dạy, duy trì và giáo dục di sản. Đồng thời cần có chính sách tôn vinh, động viên, khen thưởng những người nghệ nhân có công trong việc gìn giữ và truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ.
Cùng với đó, nghiên cứu quy hoạch không gian văn hóa thực hành di sản, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, lĩnh vực văn hóa ẩm thực. Hỗ trợ chủ thể thực hành di sản đăng ký nhãn hiệu và thương hiệu theo quy định của pháp luật; tôn vinh nghệ nhân, đề xuất xét tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú đối với những nghệ nhân nắm giữ tri thức, trao truyền di sản.
Đặc biệt, cần xây dựng, hình thành bản đồ du lịch phở Hà Nội nhằm đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn cụ thể về những cửa hàng phở ngon ở Hà Nội (cửa hàng phở được lựa chọn trên cơ sở khảo sát thực tế và đáp ứng các tiêu chí nhất định).
Mở rộng vùng nguyên liệu trà sen Quảng An
Theo Sở VH&TT Hà Nội, thời gian qua, các biện pháp bảo vệ di sản ướp trà sen đã và đang được thực hiện. Cụ thể, ngày 10/10/2011, Hợp tác xã Nông nghiệp Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Quảng An đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu và đến ngày 17/7/2012, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 187921 “Chè sen Quảng An, tinh hoa chè Việt”.
Năm 2015, di sản văn hóa phi vật thể nghề làm trà sen Quảng An đã được Sở VH&TT Hà Nội đã kiểm kê và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể ưu tiên bảo vệ.
Năm 2020, Quận ủy Tây Hồ đã đưa ra Chương trình 02-CTr/QU ngày 19/10/2020 về “Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kinh tế; chú trọng phát triển ngành dịch vụ du lịch gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống của quận” trong đó có Đề án phát triển trồng hoa sen tại các ao, hồ trên địa bàn quận.
Thực hiện Chương trình 02-CTr/QU, UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả khảo sát các hồ xung quanh Hồ Tây trên địa bàn phường Quảng An, Nhật Tân; tìm hiểu thực trạng sản xuất, tiêu dùng trà sen và đưa ra một số giải pháp duy trì, phát triển các đầm sen cũng như sản xuất trà sen trên địa bàn quận.
Bên cạnh đó, do diện tích đất trồng sen tại các hồ, đầm xung quanh Hồ Tây ngày càng bị thu hẹp, môi trường nước và đất bị ô nhiễm nên việc trồng sen ở đây gặp khó khăn. Nhiều hồ, đầm không trồng được sen hoặc sen phát triển rất kém. Chính vì lẽ đó, người Quảng An phải đi đến các vùng ngoại thành Hà Nội như huyện Phú Xuyên, Đông Anh, Sóc Sơn... thuê đầm trồng sen. Một số đầm sen đã được trồng gần 10 năm, già sen nên cho chất lượng ổn định.
Nhằm gìn giữ văn hóa truyền thống và xây dựng thương hiệu trà sen đặc trưng, quận Tây Hồ đã phối hợp Sở NN&PTNT Hà Nội triển khai đề án “Khôi phục, phát triển trồng sen tại hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ thuộc phường Quảng An với diện tích 7ha”.
Mặt khác, UBND phường Quảng An đã báo cáo UBND quận Tây Hồ và xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển trồng sen tại các ao, hồ nhỏ trên địa bàn phường, tạo nguồn nguyên liệu cho nghề ướp trà sen truyền thống địa phương”. Đây là Đề án góp phần duy trì truyền thống văn hóa và tạo sự phát triển các ngành nghề du lịch trên địa bàn phường Quảng An.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Việc làm đầu bếp Việt Nam Lê Đình Chiến, ẩm thực là một phần không thể tách rời của văn hóa và lịch sử. Mỗi địa phương sẽ gắn với một món ăn nào đó và trở thành điểm nhấn, sức hút của mỗi điểm đến. Ví dụ, khi đến Hà Nội người ta phải ăn phở, bún chả; đến Huế phải ăn bún bò hoặc đến Hội An cần ăn cao lầu.
Thời gian gần đây, ẩm thực Việt Nam trở nên nổi tiếng thông qua sự đánh giá của các chuyên trang về ẩm thực, sự quảng bá của người có tầm ảnh hưởng, nghệ sĩ quốc tế... Tuy nhiên, nhìn chung ẩm thực Việt chỉ nổi bật trên thế giới với món phở, bún chả, nem, trong khi Việt Nam còn một nền ẩm thực phong phú chờ được thưởng thức, khám phá…
"Việt Nam cần có kế hoạch phát triển du lịch ẩm thực, biến ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc thù. Đồng thời tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ẩm thực nói chung và nghề bếp nói riêng để vừa phát huy tối đa tinh hoa ẩm thực Việt đồng thời đáp ứng tốt nhất xu hướng ẩm thực của khách quốc tế" - ông Lê Đình Chiến nói.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giu-huong-sac-tra-sen-quang-an-tinh-hoa-pho-ha-noi.html