'Giữ lửa' đờn ca tài tử thời 4.0: Nghệ sĩ Bình Dương 'lên sóng' truyền nghề

Ngày 23/4, tỉnh Bình Dương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 50 năm Văn học – Nghệ thuật tỉnh nhà sau ngày đất nước thống nhất. Đây là dịp ghi nhận những đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà vào sự phát triển văn hóa, nghệ thuật của địa phương và cả nước.

Trong suốt 50 năm qua, bằng tài năng, tâm huyết và không ngừng sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ Bình Dương đã để lại dấu ấn sâu đậm với vô số tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Những tác phẩm này không chỉ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần mà còn góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xứng đáng với kỷ nguyên vươn mình của Tổ quốc.

Có thể kể đến là nhạc sĩ Lư Nhất Vũ với những giai điệu hào hùng của "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn" và tình cảm sâu lắng trong "Bài ca Đất Phương Nam", cùng nhiều ca khúc in đậm dấu ấn thời gian như "Hãy yên lòng mẹ ơi", "Bên tượng đài Bác Hồ".

Còn nhạc sĩ Võ Đông Điền đã khắc họa vẻ đẹp quê hương và con người Bình Dương qua "Tiếng hát chim đa đa" và "Người đẹp Bình Dương" được đông đảo công chúng yêu mến.

Nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến cũng ghi dấu ấn với những khúc ca "Hồn quê", "Bình Dương thành phố trẻ", và nhạc múa "Hoa lòng đất"...

Bên cạnh đó là sao soạn giả Nguyễn Quốc Nhân với những vở diễn lay động lòng người như "Những cánh chim ra biển", "Người vợ Ma Lai", "Bầu trời và Mặt đất", "Gia tài người lính", "Mảnh đất ân tình"...

Ở lĩnh vực đờn ca tài tử, Bình Dương tự hào có những nghệ sĩ gạo cội như nghệ sĩ Út Lăng, Tư Còn, Thu Hồng, Kiều Oanh... đã có công lớn trong việc truyền bá và phát triển bộ môn nghệ thuật này tại địa phương.

Bên cạnh những tên tuổi lừng lẫy trong âm nhạc và sân khấu, Bình Dương còn là nơi hội tụ của những tài năng trong các lĩnh vực khác như hội họa với Họa sĩ Nguyễn Hữu Sang, văn chương với nhà thơ Lê Minh Vũ, nhà văn Nguyễn Văn Tựu, âm nhạc với nhạc sĩ Phan Hữu Lý, và nhiếp ảnh với Trần Duy Tình... Tất cả đã cùng nhau tạo nên một bức tranh văn học nghệ thuật đa sắc màu và giàu bản sắc của tỉnh.

Tại buổi gặp mặt, văn nghệ sĩ Bình Dương đã suy tư, trăn trở về những giải pháp để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, làm phong phú thêm sự nghiệp văn học nghệ thuật của tỉnh nhà trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Một xu hướng đáng chú ý là thay vì chỉ truyền dạy trực tiếp theo phương pháp truyền thống, nhiều nghệ sĩ đã mạnh dạn sử dụng các nền tảng trực tuyến như TikTok, Facebook, Zalo... để livestream truyền dạy đờn ca tài tử, cải lương, nhiếp ảnh, điêu khắc, giúp những người yêu thích nghệ thuật dễ dàng tiếp cận và học hỏi.

Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhạc sĩ cũng tích cực sáng tác, thu âm, đăng tải các tác phẩm của mình, chia sẻ những khoảnh khắc đẹp, những sản phẩm điêu khắc độc đáo đến với công chúng trên không gian mạng.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thu Hồng livestream dạy đờn ca tài tử

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thu Hồng livestream dạy đờn ca tài tử

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Thu Hồng là một điển hình tiêu biểu cho tinh thần "giữ lửa" đáng quý cho di sản văn hóa của dân tộc. Dù đã ở tuổi 72, bà rất thành thạo trong việc livestream dạy đờn ca tài tử, tự tay quay và đăng tải các video hướng dẫn ca lên mạng.

Bà Hồng chia sẻ: “Sau khi tôi lên mạng dạy thì không chỉ người dân trong nước mà cả học sinh, công nhân của Việt Nam đi học, đi làm ở nước ngoài cũng có thể học hát. Tôi cũng tích cực dạy online, có những khung giờ nước ngoài không phù hợp với mình nhưng tôi vẫn cố gắng sắp xếp dạy. Tôi thấy đây là kết quả như mong muốn, vì nếu không lan tỏa thì sẽ mai một".

Nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Dương chia sẻ tại buổi gặp mặt văn nghệ sĩ

Nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Dương chia sẻ tại buổi gặp mặt văn nghệ sĩ

Nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Dương, nhấn mạnh, trong bối cảnh thời đại công nghệ số, đòi hỏi mỗi nghệ sĩ sẽ chủ động thích ứng. Việc nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quá trình sáng tác cũng đang được nhiều văn nghệ sĩ quan tâm, với mong muốn tạo ra những tác phẩm độc đáo và xuất sắc hơn.

“Thời đại công nghệ số, anh chị em văn nghệ sĩ cũng cố gắng tự nâng về kiến thức, vận dụng chương trình, phần mềm để đưa được những khả năng, chuyên môn lan tỏa đến cộng đồng. Rõ ràng đây là một điểm mạnh nên chúng tôi mong muốn tất cả văn nghệ sĩ sẽ thực hiện việc này”.

Nhân dịp này, tỉnh Bình Dương đã tri ân và tuyên dương 51 cán bộ, văn nghệ sĩ có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của văn học nghệ thuật tỉnh nhà trong suốt 50 năm qua.

Thiên Lý/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/giu-lua-don-ca-tai-tu-thoi-40-nghe-si-binh-duong-len-song-truyen-nghe-post1194223.vov