'Giữ lửa' lễ hội đua bò
Giữa tiếng hò reo náo nhiệt trên sân đua bò ở vùng Bảy Núi, người thua cuộc dường như ít được chú ý. Họ không đứng trên bục vinh quang, cũng chẳng nhận giải thưởng, nhưng chính họ là người 'giữ lửa' cho lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer tại An Giang. Với họ, mỗi mùa đua là hành trình tiếp nối đam mê, gìn giữ bản sắc văn hóa quê hương.
Lễ hội đua bò Bảy Núi diễn ra tại huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên, là nét đặc sắc trong văn hóa đồng bào DTTS Khmer. Lễ hội có nguồn gốc từ nghi thức cúng dường chùa vào dịp lễ Sene Dolta. Người dân dùng bò để bừa ruộng giúp nhà chùa sau mùa gặt. Những cuộc đua vui giữa các đôi bò xem bò của ai hay hơn, dần được tổ chức, phát triển thành sự kiện văn hóa - thể thao lớn.
Đối với anh Chau Quanh (ngụ ấp Bà Đen, xã An Cư, TX. Tịnh Biên), đua bò là cuộc tranh tài, mà cũng là niềm đam mê. Từ năm 2015, anh đều đặn tham gia lễ hội. Có năm giành được giải thưởng, có năm không, anh vẫn vui vẻ tham gia những cuộc đua sau đó. “Dù có thua, tôi vẫn sẽ tham gia. Khi còn sức khỏe và đam mê, tôi còn đua bò” - anh Quanh cười.
Việc điều khiển đôi bò trên sân đua đòi hỏi nhiều kỹ năng, sự khéo léo. Theo anh Quanh, nài bò cần làm chủ cây bừa, điều khiển bò giữ đúng hướng, tốc độ. Ở những pha thả bò, khi đôi bò lao đi với tốc độ tối đa, là phần gay cấn nhất của cuộc đua. Để chuẩn bị cho giải đấu, anh thường dành 2 - 3 tháng tập luyện bò, giúp chúng quen với sân đua, cải thiện khả năng kiểm soát tốc độ. Dù đối mặt với nhiều rủi ro chấn thương, anh vẫn kiên trì theo đuổi đam mê. Việc xuất hiện trên sân đua là cách giữ gìn truyền thống văn hóa, truyền lại tinh thần ấy cho thế hệ sau.
![Đôi bò được chăm sóc cẩn thận với chế độ dinh dưỡng đặc biệt](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_406_51463211/4341a7da97947eca2785.jpg)
Đôi bò được chăm sóc cẩn thận với chế độ dinh dưỡng đặc biệt
Phía sau mỗi đôi bò đua là cả một quá trình chăm sóc tỉ mỉ của chủ bò. Ông Chau Sóc Ơn (chủ bò lâu năm tại ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư, TX. Tịnh Biên) cho biết, việc chăm sóc bò đua tốn nhiều công sức và chi phí. Để có phong độ tốt khi thi đấu, chúng phải được ăn uống như vận động viên, gồm: Thịt gà, nước dừa và cỏ tươi. Đồng thời, chúng được ngủ mùng vào ban đêm để tránh muỗi đốt. “Chăm sóc bò đua tốn kém lắm, nhưng vì đam mê nên tôi vẫn đầu tư. Thắng thua không quan trọng, điều quan trọng là được tham gia lễ hội, góp phần giữ gìn văn hóa địa phương” - ông Sóc Ơn chia sẻ.
Lễ hội đua bò là cuộc tranh tài thể lực, là dịp để đồng bào DTTS Khmer kết nối cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết. Ông Nguyễn Chí Trung (công chức văn hóa xã An Cư) cho biết: “Lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của bà con DTTS Khmer vùng Bảy Núi. Đua bò là môn thể thao dân gian, mang tính cạnh tranh cao với những pha rượt đuổi gay cấn, bất ngờ, đậm chất nhân văn. Nhưng người thua cuộc không hề nản chí. Họ vẫn quay lại mùa giải sau để tiếp tục đam mê. Họ chính là người chiến thắng trong lòng cộng đồng”.
Ông Trung cũng cho rằng, tinh thần fair-play và tình yêu văn hóa chính là yếu tố “giữ lửa” cho lễ hội này. Nhiều đôi bò thất bại do chưa quen sân bãi, tinh thần thi đấu chưa vững... nhưng khán giả vẫn luôn cổ vũ, động viên chúng và nài bò. Hoặc lúc đua bò đạp vào vòng cấm, trọng tài không thấy, nhưng nài bò vẫn nhận thua, chấp nhận cho đội còn lại vào vòng trong. “Họ đến với cuộc đua không chỉ để tranh giành giải thưởng, mà còn vì muốn góp sức giữ gìn lễ hội. Người thua vẫn nán lại vui vẻ hỗ trợ, giúp đỡ đôi bò khác khi cần. Họ thấy mình là một phần của lễ hội, góp phần thành công cho lễ hội” - ông Trung chia sẻ thêm.
Trải qua hơn 30 năm tổ chức, Lễ hội đua bò Bảy Núi trở thành sự kiện văn hóa quan trọng của tỉnh An Giang. Những người thua cuộc vẫn đóng vai trò gìn giữ, phát triển lễ hội qua từng mùa giải. Mỗi bước chân của đôi bò trên sân đua là câu chuyện về lòng kiên trì, tình yêu văn hóa Khmer. Có thể thua trên đường đua, nhưng trong hành trình bảo tồn truyền thống, những người thua cuộc chính là người chiến thắng thật sự.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-giu-lua-le-hoi-dua-bo-a415019.html