Giữ 'lửa' nghề truyền thống
Nằm cách TP Thanh Hóa chừng 12km về phía Tây, làng Trà Đông (hay còn gọi là làng Chè), xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) từ xưa vốn nổi tiếng với nghề đúc đồng truyền thống. Trải qua những thăng trầm, nghề đúc đồng làng Trà Đông vẫn giữ được nét độc đáo mà không nơi nào sánh được. Năm 2018, nghề đúc đồng làng Trà Đông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thăm cơ sở sản xuất của Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Bá Châu ở thôn 5, chúng tôi cảm nhận được sự cầu kỳ để cho ra những sản phẩm đồ đồng phục vụ thị trường dịp cuối năm. NNƯT Nguyễn Bá Châu chia sẻ: "Nghề đúc đồng là vốn quý mà người xưa để lại cho vùng đất này. Đây là nghề “cha truyền con nối”. Cha tôi là thợ đúc đồng có tiếng của làng Trà Đông. Hiện nay, tôi và các con đang tiếp tục giữ lửa nghề truyền thống của làng và thế hệ trước truyền lại".
Với NNƯT Nguyễn Bá Châu, đúc đồng là nghề ý nghĩa bởi chỉ từ vật liệu đồng nát, than củi, đất sét... nhưng qua bàn tay lao động khéo léo, gửi gắm tâm hồn của người nghệ nhân, sản phẩm làm ra vô cùng giá trị, thậm chí có thể trở thành báu vật.
Năm 2000 được xem là thời điểm mang tính “bước ngoặt” khi NNƯT Nguyễn Bá Châu là người đầu tiên trong cả nước đã đúc thành công trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống đã từng thất truyền hàng thế kỷ. Sau hàng chục năm nghiên cứu công phu, ông còn là người đã xác lập thành công 5 kỷ lục Guinness Việt Nam về đúc đồng truyền thống. Tác phẩm đầu tiên của ông được xác lập kỷ lục là trống đồng lớn nhất Việt Nam với đường kính 2,3m được đặt trước cổng nhà. Sau đó, ông tiếp tục xác lập lại kỷ lục với chiếc trống đồng Ngọc Lũ lớn nhất Việt Nam rộng 2,4m, cao 1,6m đang trưng bày tại huyện Long Khánh (Đồng Nai). Ông còn là “tác giả” của chiếc trống đồng 2 mặt có một không hai ở Việt Nam; đôi tượng đồng thần đèn ngồi quỳ - là một trong 30 báu vật của Việt Nam; kỷ lục đúc 1.000 pho tượng Mẹ Âu Cơ làm quà tặng tại Hội nghị cấp cao APEC năm 2017.
Với lòng say nghề đúc đồng, năm 2016 ông Nguyễn Bá Châu được Chủ tịch nước tặng danh hiệu NNƯT. Tháng 10/2024, ông tiếp tục vinh dự là 1 trong 10 cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ. Con trai ông là Nguyễn Bá Quý, sinh năm 1987 cũng nằm trong danh sách 59 cá nhân trong cả nước được đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT.
Không chỉ tạo “thương hiệu” cho cá nhân và “tiếng vang” cho làng Trà Đông, NNƯT Nguyễn Bá Châu còn được biết đến là người luôn đau đáu trao truyền, gây dựng và phát triển nghề đúc đồng. Ông trực tiếp tham gia dạy nghề truyền thống cho nhiều học viên trẻ thông qua các lớp học nghề được tổ chức tại địa phương. Nhờ những con người như ông, làng nghề mới được hồi sinh, người dân có việc làm, cuộc sống trở nên khấm khá hơn. Có lẽ vì thế, khi nhắc đến Nguyễn Bá Châu, người dân làng Trà Đông đều dành những tình cảm trân quý cho người NNƯT có vẻ bề ngoài chân chất ấy.
NNƯT Nguyễn Bá Châu tâm sự: “Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, khu làng nghề đúc đồng Trà Đông đã được hình thành, các cơ sở sản xuất đã có mặt bằng rộng rãi để làm nghề. Một điều quan trọng khi muốn phát huy nghề truyền thống, mở rộng thị trường thì cần đa dạng những sản phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống và phát triển du lịch. Tôi đang nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất đối với một số sản phẩm đúc đồng kích thước nhỏ gọn, tinh tế và đẹp mắt, giá thành phù hợp, hướng tới thị trường quà tặng phục vụ hoạt động du lịch trong và ngoài nước”.
Hơn nửa thế kỷ theo đuổi đam mê với nghề truyền thống, NNƯT Nguyễn Bá Châu mong muốn có thêm các lớp dạy nghề để nhiều người trẻ được tiếp cận, học nghề, bén duyên với nghề và dành những tâm huyết, tình cảm cho nghề đúc đồng. Có như vậy, họ mới có thể nối tiếp, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống, để các sản phẩm của làng nghề Trà Đông tiếp tục được vang xa.
Giống như NNƯT Nguyễn Bá Châu, NNƯT Trần Thị Việt ở xã Nga Thanh (Nga Sơn) cũng là một trong những người đã góp phần rất lớn vào việc khôi phục và phát huy giá trị nghề dệt cói truyền thống của địa phương.
“Ngày xưa các sản phẩm từ cói Nga Sơn được xem là báu vật tiến vua thì ngày nay các sản phẩm từ cói đang tạo việc làm, nâng cao đời sống cho nhiều lao động địa phương. Việc giữ gìn, truyền nghề và phát huy nghề truyền thống là trách nhiệm chung không của riêng ai”, NNƯT Trần Thị Việt chia sẻ:
NNƯT Trần Thị Việt và Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang của mình đã mạnh dạn chuyển đổi mẫu mã, kiểu dáng và tìm các thị trường tiêu thụ mới. Từ những chiếc túi, giỏ, mũ được làm từ cói, bà đã dày công nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Những sản phẩm cói một thời tưởng chừng bị lãng quên, dưới đôi tay và sự sáng tạo của những người thợ lành nghề đất Nga Sơn đã trở thành những mặt hàng có sức hút đặc biệt với khách hàng, nhất là khách hàng quốc tế. Những sản phẩm ấy được tham gia vào thị trường xuất khẩu, góp phần giữ gìn, phát triển nghề truyền thống.
Nghề và làng nghề truyền thống là những “mảnh ghép” không thể thiếu trong bức tranh kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Trong bức tranh ấy, những người nghệ nhân như ông Nguyễn Bá Châu, bà Trần Thị Việt đã góp phần mở đường, vực dậy và tạo sức sống cho những nghề truyền thống, góp phần truyền “lửa” cho thế hệ mai sau.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giu-lua-nghe-truyen-thong-228688.htm