Giữ nghề dệt làm sinh kế cho phụ nữ miền núi
Những mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) đã giúp hàng ngàn phụ nữ người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu ở vùng đại ngàn Trường Sơn thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế có thu nhập ổn định và giữ được văn hóa truyền thống.
HTX Thổ cẩm xanh - Azakooh huyện A Lưới có lẽ là điểm sáng về kinh tế tập thể, HTX ở huyện vùng cao biên giới của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trải qua 7 năm hoạt động, từ 15 thành viên, đến nay, HTX này đã có hơn 130 thành viên, là hội viên nông dân đến từ các xã A Đớt, A Roàng, Hồng Kim, Hồng Bắc và thị trấn A Lưới.
Các sản phẩm dệt zèng của HTX là sự đổi mới và đa dạng mẫu mã, cho thấy sự nhanh nhạy, nắm bắt xu thế thị trường của các hội viên nông dân. Bà con đã rất tinh tế khi kết hợp giữa vải thổ cẩm truyền thống với các chất liệu hiện đại như vải nỉ, lụa... rất thẩm mỹ và tiện ích. Đặc biệt, kết hợp dệt cườm lên vải thổ cẩm tạo điểm nhấn rất đẹp. Những sản phẩm như vậy thường có giá thành cao hơn, tăng thêm thu nhập cho bà con.
Dệt zèng (một loại thổ cẩm) của đồng bào Tà Ôi tại huyện miền núi A Lưới đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2016. Một buổi lao động trên nương rẫy, buổi còn lại tranh thủ dệt zèng, không những giúp các chị có thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo, mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Thời gian qua, UBND huyện đã xây dựng chương trình khôi phục nghề dệt zèng ở các xã Lâm Đớt, Quảng Nhâm, A Roàng và thị trấn A Lưới...
Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 6 HTX dệt zèng được thành lập với sự tham gia của hàng trăm phụ nữ Tà Ôi, vừa giữ được văn hóa truyền thống, vừa phát triển kinh tế. Ngoài ra, rất nhiều đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Pa Cô, Vân Kiều, Pa Hy đang sinh sống trên địa bàn huyện A Lưới cũng tham gia học hỏi để cùng phát triển nghề dệt zèng.
Nghệ nhân Mai Thị Hợp, Giám đốc HTX Thổ cẩm xanh - Azakooh chia sẻ: "Để làm ra loại zèng bền đẹp, có họa tiết, hoa văn tinh tế, những người phụ nữ Tà Ôi phải trải qua nhiều công đoạn công phu, cầu kỳ. Khung dệt của người Tà Ôi được làm bằng khung tre hoặc gỗ rời, khá đơn giản và gọn nhẹ. Nhờ vậy, phụ nữ Tà Ôi có thể mang bộ khung dệt tới bất cứ đâu và dệt bất cứ khi nào thấy thuận tiện. Nét độc đáo của zèng là kỹ thuật dệt đan cài các hạt cườm vào sợi để tạo hoa văn trên vải, khác với hoa văn được tạo bằng chỉ màu. Đây là kỹ thuật dệt truyền thống độc đáo và duy nhất trong hệ thống nghề dệt thổ cẩm tại Việt Nam".
Mỗi sản phẩm zèng không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn hàm chứa triết lý nhân sinh cũng như gửi gắm những ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy qua các biểu tượng hoa văn trang trí. Từ tấm zèng có thể sáng tạo ra các sản phẩm áo dài truyền thống, cách tân, áo ghi lê, túi xách, khăn quàng cổ, cà vạt và rất nhiều các sản phẩm làm quà lưu niệm. Các sản phẩm của HTX Thổ cẩm xanh - Azakooh ngày càng phong phú, đầy màu sắc, không chỉ mang nét hoa văn truyền thống, mà còn tạo ra nét hoa văn hiện đại, phù hợp với sự sáng tạo của các nghệ nhân và thị hiếu của khách hàng.
Không thể không khen sự tinh xảo trong từng tấm vải và sản phẩm được dệt bằng tay của các nghệ nhân từ HTX Thổ cẩm xanh - Azakooh. Mỗi sản phẩm được làm ra chứa đựng tình yêu núi rừng và chứa đựng tình yêu cho văn hóa làng bản trong mỗi con người Tà Ôi ở A Lưới.
Theo chia sẻ của nghệ nhân Mai Thị Hợp, từ khi HTX được thành lập, trung bình mỗi tấm vải zèng bán ra ngoài thị trường có giá từ 200.000 - 500.000 đồng/tấm, có loại đến gần 2 triệu đồng. Ngoài bán cho các địa phương truyền thống như huyện miền núi Nam Ðông (tỉnh Thừa Thiên Huế); huyện Ðông Giang, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam); huyện Hướng Hóa, Ðakrông (tỉnh Quảng Trị)..., sản phẩm zèng của A Lưới đã và đang được xuất khẩu thường xuyên ra nước ngoài theo đơn đặt hàng. HTX là đầu mối nhận các đơn đặt hàng của các nhà thiết kế thời trang, chịu trách nhiệm thiết kế mẫu theo yêu cầu của khách hàng, hướng dẫn thành viên sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm và giao cho đối tác.
Ðể gìn giữ, bảo tồn và phát triển, những người dệt zèng đã sống được trong bối cảnh đầy những thách thức như hiện nay. Còn hiện lớp trẻ cần được truyền dạy kỹ thuật dệt zèng để từ đó thắp lửa tình yêu với nghề truyền thống của dân tộc mình, biết trân quý nghề dệt zèng truyền thống, đồng thời biết cách bảo tồn và làm giàu từ di sản mà ông cha để lại. Những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được ưu tiên tham gia HTX. Một số bản làng gần như 100% hộ dân đều tham gia dệt zèng. Với giá bán từ 600.000 đến 700.000 đồng/tấm zèng loại thường và từ 1 đến 1,5 triệu đồng loại đính cườm, nên ngày càng có nhiều người theo nghề và sống được với nghề.
“Làm theo đơn đặt hàng đòi hỏi người thợ dệt zèng phải có được tính chuyên nghiệp cao, đồng thời phải có sự sáng tạo và đổi mới. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm zèng, HTX được chia thành nhiều bộ phận chuyên môn, ngoài thợ dệt còn có các bộ phận khác phụ trách về kinh tế, kỹ thuật, truyền thông” - nghệ nhân Mai Thị Hợp cho biết.
Tại huyện A Lưới hiện có gần chục cơ sở dệt zèng. Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, hoạt động của HTX ngày càng có hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện A Lưới. HTX bắt đầu hình thành dưới hình thức tổ hợp tác từ năm 2012, qua nhiều năm hoạt động hiệu quả, đến nay, HTX hiện có hơn 130 chị em tham gia, mang lại thu nhập hơn 350 triệu đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: "Huyện đã triển khai hướng dẫn thành lập được 18 mô hình tổ hợp tác nghề nghiệp tại các xã, thị trấn và 1 câu lạc bộ sản xuất kinh doanh giỏi tại Sơn Thủy, là tiền đề cho việc thành lập các mô hình tổ hợp tác, HTX kinh tế theo chuỗi giá trị. Trong “Định hướng phát triển các làng nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2025”, dệt zèng nằm trong số 13 làng nghề tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế được lựa chọn để bảo tồn lâu dài. Nguồn vốn khuyến công của tỉnh cũng tập trung hỗ trợ nghề dệt zèng trang bị máy móc, tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực cải tiến mẫu mã sản phẩm, đào tạo nghề với mục đích nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ. Nhờ HTX này mà hàng trăm phụ nữ người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu ở vùng đại ngàn Trường Sơn đã có thu nhập ổn định".