Giữ nghề truyền thống vùng cao

Trong nhịp sống hiện đại, đâu đó ở các bản vùng cao chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc như lễ hội, nghề, phong tục tập quán, nét văn hóa ẩm thực... Để những giá trị văn hóa đặc sắc luôn hiện hữu, không thể không kể đến những người với vai trò 'giữ lửa', 'truyền lửa'; đóng góp to lớn trong việc khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cho muôn đời sau.

Nghề dệt thổ cẩm đang được gìn giữ để truyền lại cho thế hệ mai sau.

Với tín ngưỡng, văn hóa của đồng bào dân tộc Mường, thổ cẩm truyền thống không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống, trong các nghi lễ dân gian, mà còn mang hồn cốt văn hóa dân tộc. Với mong muốn gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm trên mảnh đất quê hương, bà Lê Thị Tiền ở xã Đồng Lương (Lang Chánh) đã thành lập nhóm dệt Đồng Lương để duy trì, truyền nghề cho thế hệ trẻ trong xã. Bà Tiền biết dệt thổ cẩm từ thuở mười tám đôi mươi, đến nay bước đi tuy chậm, song đôi bàn tay hằng ngày vẫn thoăn thoắt.

"Nghề dệt được coi như là một tiêu chuẩn đánh giá về khả năng lao động và vị trí của người phụ nữ, có lẽ vì thế mà ngay từ khi lên 7, 8 tuổi các bé gái đã được bà, được mẹ dạy quay sợi, phơi bông, nuôi tằm, dệt vải... Ở mỗi độ tuổi người phụ nữ lại khéo léo kết hợp các màu sắc với nhau để tạo ra những tấm vải thổ cẩm phù hợp. Ví như với những cô gái đang độ tuổi đôi mươi sẽ chọn màu sáng, hoa văn uốn lượn. Còn với các bà, các mẹ thì lấy màu trầm làm chủ đạo, đường nét hoa văn rắn rỏi và có sự chiêm nghiệm về cuộc sống”, bà Tiền tâm sự.

Dù cho thế hệ trẻ hiện nay không mấy mặn mà với dệt thổ cẩm thì bà Tiền vẫn cố gắng duy trì hoạt động của nhóm dệt đến nay đã được hơn 9 năm với khoảng 12 thành viên. Bên cạnh việc lưu giữ, truyền nghề, bà còn giúp đỡ các chị em có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hiện nay, các sản phẩm của nhóm dệt được khách du lịch đặt mua làm quà tặng, kết nối tiêu thụ tại các khu du lịch với các sản phẩm như váy, khăn, áo, tấm đắp, túi... Nhờ tâm huyết của bà Tiền trong việc gìn giữ, khôi phục lại nghề, nhiều bạn trẻ đã tìm đến học dệt.

Không chỉ ở Lang Chánh, nghề dệt thổ cẩm truyền thống còn được nhiều người dân ở các huyện Bá Thước, Thạch Thành, Mường Lát... gìn giữ và nỗ lực truyền nghề.

Tại xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy) với lợi thế về du lịch, HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Cẩm Lương đã xây dựng nhãn hiệu sản phẩm “Cơm lam suối Ngọc” với mong muốn giới thiệu nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực địa phương đến với du khách. Theo lời kể của Giám đốc HTX Bùi Văn Thức: Không chỉ là món ăn, cơm lam còn giúp gắn kết mọi người, góp phần tạo nên sự phong phú cho bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Để lưu giữ giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế, được sự hỗ trợ của xã, ông đã vận động thêm một số gia đình trong xã phát triển sản phẩm cơm lam để bày bán, giới thiệu tại các khu du lịch. Với đặc thù riêng từ cách lựa chọn nguyên liệu đến cách nấu, chế biến thành sản phẩm, du khách đến đây chỉ cần thưởng thức vài ống cơm lam chấm với muối vừng đã cảm nhận được hương vị của núi rừng. Vừa qua, sản phẩm Cơm lam Suối Ngọc đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là bước ngoặt để sản phẩm được du khách trong và tỉnh biết đến.

Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, chính quyền địa phương và người dân đang hằng ngày nỗ lực thực hiện các giải pháp phát triển các sản phẩm, từ đó nhân lên lòng tự hào, tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/giu-nghe-truyen-thong-vung-cao/190250.htm