Giữ ổn định như các năm trước
Đó là khẳng định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đưa ra tại hội nghị trực tuyến tổng kết tuyển sinh năm 2019, triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 trình độ đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ngành giáo dục mầm non.
Công tác tuyển sinh năm 2020
Theo Vụ trưởng Giáo dục ĐH (Bộ GD và ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng, bên cạnh giữ ổn định như các năm trước, chính sách tuyển sinh trình độ ĐH hệ chính quy, trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non hệ chính quy năm 2020 dự kiến sẽ có một số thay đổi so với năm 2019. Cụ thể, đối với quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thực hiện Luật Giáo dục, sẽ không xác định chỉ tiêu trình độ trung cấp, CĐ các ngành đào tạo giáo viên (trừ giáo dục mầm non). Các ngành đào tạo trình độ ĐH mới được mở ngành trong năm tuyển sinh được xác định chỉ tiêu nằm trong năng lực đào tạo của khối ngành tương ứng và không vượt quá 50 chỉ tiêu tuyển sinh/ngành mới. Đối với nhóm ngành thuộc lĩnh vực du lịch, công nghệ thông tin sẽ bổ sung quy định riêng về xác định chỉ tiêu tại các trường có khóa tuyển sinh ĐH thứ hai trở đi; giảng viên thỉnh giảng là chuyên gia có bằng thạc sĩ trở lên hoặc tốt nghiệp đại học cùng ngành và có từ ba hoặc 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo; tổng số giảng viên thỉnh giảng tối đa bằng 40% tổng giảng viên cơ hữu. Đối với quy chế tuyển sinh, Bộ GD và ĐT dự kiến tích hợp các nội dung điều chỉnh tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa học vừa làm, văn bằng 2... vào cùng một quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non để dễ tra cứu, áp dụng. Quy định các nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ đối với các trường tổ chức thi tuyển sinh (thi các môn văn hóa, năng khiếu, đánh giá năng lực...) nhằm điều chỉnh pháp luật sát với thực tế, bảo đảm chất lượng đầu vào và nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường.
Đáng chú ý, Bộ GD và ĐT tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe, nhất là bổ sung quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo của hai khối ngành này. Bộ cũng sẽ đưa quy định chế tài chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường vi phạm, cán bộ, công chức, người lao động và thí sinh vi phạm, đặc biệt là thí sinh gian lận, liên quan gian lận trong thi, tuyển sinh… Kinh phí tuyển sinh thực hiện theo Luật Phí, lệ phí, Luật Giáo dục… Việc quy định mức giá dịch vụ tuyển sinh thuộc trách nhiệm các cơ sở giáo dục. Bộ GD và ĐT không quy định mức thu, phân khai giá dịch vụ tuyển sinh nhưng công tác tuyển sinh năm 2020 vẫn phải thực hiện như các năm trước.
Tại hội nghị, đại diện các cơ sở giáo dục đào tạo tham dự ở các điểm cầu thống nhất bảo đảm triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 giữ ổn định như các năm 2017, 2018 và 2019. Cùng với đó, các trường thống nhất giữ ổn định cơ chế thu và phân bổ giá dịch vụ tuyển sinh ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non năm 2020 như năm 2019. Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn mong muốn các sở GD và ĐT hỗ trợ thu lệ phí xét tuyển giúp các trường ĐH. Đồng ý với quan điểm nêu trên, Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân Bùi Đức Triệu chia sẻ: Việc thu phí đăng ký xét tuyển kết hợp nộp hồ sơ tuyển sinh tại trường THPT có ý nghĩa xã hội rất lớn, tiết kiệm nhiều chi phí, mang lại thuận lợi cho thí sinh, phụ huynh và các trường.
Về tư vấn hướng nghiệp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội Dương Thăng Long cho rằng, việc này chưa được quan tâm đúng mức. Con số 60% số thí sinh trúng tuyển đợt 1 nhập học mà Bộ GD và ĐT công bố cho thấy số thí sinh không nhập học khá lớn. Điều này cho thấy thí sinh chưa có đầy đủ thông tin về nghề nghiệp, về ngành đào tạo khi đăng ký dự thi. Vì vậy, cần có sự chung tay của các trường ĐH và sở GD và ĐT để công tác hướng nghiệp thật sự hiệu quả, tăng tỷ lệ người học chọn đúng ngành đúng nghề... Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh, việc đặt ra ngưỡng bảo đảm chất lượng là cần thiết. Trong hai năm vừa rồi, chất lượng đầu vào các trường sư phạm khá hơn, tuy nhiên, để triển khai chương trình mới cần có giáo viên tin học, nghệ thuật. Những ngành này tuyển rất khó vì nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường chọn công việc khác nhiều hơn là làm giáo viên. Nếu không có giải pháp, một đến hai năm tới sẽ thiếu trầm trọng giáo viên ngành này. Đại diện Học viện Kỹ thuật Quân sự băn khoăn: Với đặc thù riêng, sau khi thí sinh đã trúng tuyển và nhập học, các trường quân đội tiếp tục khám sức khỏe, nếu thí sinh không bảo đảm các điều kiện thì vẫn bị loại, không được nhập học, gây thiệt thòi cho thí sinh. Vì vậy, quy chế tuyển sinh nên bổ sung nội dung quy định thí sinh trong trường hợp không đáp ứng điều kiện sức khỏe để nhập học ở trường quân đội thì sẽ được xét tuyển, nhập học vào các trường khác…
Nhằm tháo gỡ những thắc mắc, băn khoăn của các cơ sở đào tạo, Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH tạo nhiều kênh thông tin, nhiều diễn đàn giới thiệu về ngành nghề mới để học sinh chủ động tìm hiểu, gặp gỡ, trao đổi. Việc tư vấn tuyển sinh của trường ĐH phải bám sát nhu cầu thực tiễn ngành nghề. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động,… để cung cấp thông tin; thậm chí đưa ra yêu cầu về nghề nghiệp để học sinh, phụ huynh tham khảo, lựa chọn cho sát, cho trúng. Để bảo đảm nhu cầu giáo viên dạy các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là các môn nghệ thuật, ngoại ngữ, tin học…, Bộ GD và ĐT sẽ có hướng dẫn riêng. Về xây dựng phương án tuyển sinh, các trường lưu ý tính toán kỹ việc mở ngành, tránh tình trạng chỉ căn cứ vào một số nhu cầu nhất thời của một số đơn vị mà mở ra một ngành mới; không đưa ra tổ hợp xét tuyển thiếu cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn.