Giữ sạch 'vùng xanh' nơi biên viễn (Kỳ 3): Số phận của những 'đại ca', 'ông trùm'

Dù có mưu mô quỷ quyệt, thủ đoạn tinh vi đến mấy, nhưng gây tội ác đều phải bị trừng trị. Những kẻ đi buôn 'thần chết' đã phải tra tay vào còng số 8. Và câu chuyện về những 'đại ca', 'ông trùm' ấy, khiến người ta không khỏi ngán ngẩm và là bài học đắt giá cho những ai đang có ý định dấn thân vào con đường tội lỗi.

Quang cảnh phiên tòa trực tuyến xét xử sơ thẩm Phàng A Súa ở bản Pá Búa, xã Trung Lý (Mường Lát).

Quang cảnh phiên tòa trực tuyến xét xử sơ thẩm Phàng A Súa ở bản Pá Búa, xã Trung Lý (Mường Lát).

Những giọt nước mắt muộn màng

Trong số những đường dây ma túy xuyên quốc gia được Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy (Công an tỉnh) phối hợp với Công an TP Thanh Hóa và Công an huyện Mường Lát bóc gỡ trong thời gian qua, thì vụ án triệt xóa ngày 9/11/2022 khiến người ta không khỏi giật mình về sự táo tợn, bất chấp của loại tội phạm này. Đã có 5 đối tượng bị bắt, trong một đường dây buôn ma túy từ Lào về TP Thanh Hóa. Đầu năm nay, phiên tòa xét xử sơ thẩm các đối tượng trong đường dây này đã được Tòa án Nhân dân tỉnh tổ chức công khai trong một ngày mây u ám. Mà trong phiên tòa ấy, gia cảnh trớ trêu của “ông trùm” Hà Văn Khôi (SN 1972) ở khu phố Buốn, thị trấn Mường Lát thực sự là nỗi đớn đau, tội lỗi.

Trước khi làm một mắt xích quan trọng của đường dây ma túy từ Lào về Mường Lát, Khôi đã có 2 bản án. Một của Tòa án Nhân dân tối cao tuyên phạt 6 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” vào năm 2002; án còn lại của Tòa án Nhân dân huyện Mường Lát tuyên xử 19 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” vào năm 2019. Ra tù, y vay mượn tiền nong mua một chiếc xe tải để đi thu mua nông sản ở khắp vùng biên Mường Lát bán cho các nhà máy. Thấy thế, bà con trong khu phố ai cũng mừng vì y đã biết sửa chữa lỗi lầm sau thời gian dài biệt tích trong nhà giam. Nhưng rồi khi sự việc vỡ lở, người ta mới biết, đó chỉ là những chiêu trò che đậy cho hành vi phạm tội của y.

Từ khu phố Buốn, y vẫn thường ngược khoảng 10 cây số sang Lào mua ma túy về, dạy cho vợ cách chia nhỏ, đóng gói, giấu vào trong những bó rau, thùng hàng, rồi gửi xe khách về TP Thanh Hóa giao cho khách. Đi đêm lắm có ngày gặp ma, cả vợ chồng Khôi bị bắt cùng tang vật gồm 1 bánh heroin và 6 nghìn viên ma túy tổng hợp.

Nhưng trớ trêu, trước khi bị bắt, vợ chồng Khôi đã kịp đưa đứa con gái lớn Hà Thị Hồng (SN 1996) lấy chồng ở TP Thanh Hóa vào đường dây, làm người thu tiền bán ma túy.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử sơ thẩm Hà Văn Khôi và đồng phạm.

Trong phiên tòa ấy, Hà Văn Khôi vẫn vẻ mặt lạnh lùng không chớp mắt, kể cả lúc bị tòa tuyên án chung thân với vợ chồng y. Chỉ khi đứa con gái tội nghiệp nói lời cuối cùng trước tòa, y mới rơm rớm nước mắt khổ đau: “Vì thương bố mẹ nên cháu mới đi thu tiền, không hiểu hết được tác hại việc làm của mình. Cháu mong các chú, các bác cho cháu một con đường sống để sớm trở về nuôi con”...

Còn phía hành lang lạnh ngắt, đứa cháu ngoại của vợ chồng Khôi vẫn khóc lên nằng nặc. Hà Thị Hồng “hưởng” 16 năm 6 tháng tù như một “món quà tội lỗi” từ chính những người mang nặng đẻ đau ra mình dành tặng.

Vài tháng sau, tôi trở lại khu phố Buốn. Căn nhà của vợ chồng Khôi tuy rộng rãi nhưng cửa im ỉm đóng, cỏ dại theo chân người mọc vào tận hành lang. Tôi hỏi thăm những người xung quanh, nhưng chẳng ai biết đứa con còn lại của vợ chồng y giờ ở đâu. Có người nói, chúng được người anh rể nuôi nấng.

Phiên tòa xét xử tội phạm ma túy dễ để lại cho người theo dõi cảm xúc đớn đau khi phải chứng kiến cảnh gia đình tan nát, những đứa trẻ bơ vơ. Phiên tòa trực tuyến xét xử Phàng A Súa (SN 1985) ở bản Pá Búa, xã Trung Lý (Mường Lát) diễn trong ngày đầu năm nay lạnh lẽo, cả hội trường chỉ lác đác vài bóng người. Ngay cả khu vực dành cho người thân bị cáo cũng vắng lặng, chỉ vợ y và 2 người anh trai khắc khổ ngồi co ro trong áo quần nhàu nhĩ.

Súa là con út trong gia đình người Mông có 6 anh chị em. Nhưng hôm nghe thông báo xử, chỉ có 2 người vay mượn tiền nong để xuống phố theo dõi phiên tòa. Còn lại, họ coi như đứa em út của mình đã chết. Kể cả vợ y, Thào Thị Mo (SN 1986) khi được tòa hỏi, chẳng hiểu được tiếng phổ thông, qua người phiên dịch cũng chỉ ừ, gật với lắc đầu. Bởi Súa ở nhà chỉ khổ vợ khổ con. Còn chưa kể, từ năm 2016, y đã đi chấp hành 8 năm tù về tội tàng trữ, vận chuyển ma túy. Về nhà còn chưa ấm chỗ, đã vội vã “ra đi” vì ma túy. Vậy nên, Súa đi tù, với họ là đã giảm đi gánh nặng và nỗi lo âu tày xiết.

Trong phiên tòa ấy, Súa chẳng có biểu hiện gì ăn năn, hối cải, mặt vẫn tỉnh bơ, kể cả khi nghe án tòa tuyên án 21 năm tù. Mãi đến khi tòa nghị án, đứa con gái út chừng 3 tuổi được mẹ đưa vào hội trường xét xử, thấy bố trong màn hình tivi lớn nên chạy giơ tay đòi bế, đôi mắt y mới chảy ra những giọt nước mắt muộn màng.

Nhìn cảnh bố con Súa “trùng phùng”, cả hội trường xét xử hôm ấy không ai cầm được nước mắt. Ai đó đã bế vội đứa trẻ ra ngoài, nhưng cháu liên hồi ưỡn người gào khóc, quyết đòi được bố bế...

Phía ngoài hội trường xét xử án ma túy ở Tòa án Nhân dân tỉnh, dễ thường bắt gặp những đứa trẻ buồn rầu, bơ vơ.

Lưới trời khó thoát

Trong cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy của Công an tỉnh, đã có nhiều đường dây ma túy xuyên quốc gia, xuyên tỉnh được bóc gỡ, triệt xóa. Mỗi đường dây, đối tượng đều có thủ đoạn tinh vi, cách thức phạm tội khác nhau, nhưng đều có điểm chung là đầu nguồn ma túy từ Lào vào các huyện vùng biên và đều có sự tham gia của người bản địa đóng vai trò mắt xích quan trọng.

Theo Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy (Công an tỉnh), từ khi thực hiện cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2024, tại 5 huyện giáp biên của tỉnh, lực lượng công an đã phối hợp điều tra bắt giữ 284 vụ với 462 đối tượng phạm tội về ma túy. Trong đó riêng tại địa bàn Mường Lát bắt giữ 163 vụ với 241 đối tượng.

Như Vàng A Tùng (SN 1992) ở bản Sài Khao, xã Mường Lý (Mường Lát) bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh bắt trong chuyên án mang bí số 424T. Học hành chẳng đến nơi đến chốn, Tùng đi vào TP Hồ Chí Minh, Bình Dương làm ăn từ rất sớm. Nhưng bản tính ăn chơi lêu lổng, nghiện ngập, nên chẳng mấy chốc Tùng trở về quê, rồi sang Lào lấy cớ làm ăn để móc nối với các đối tượng mua bán ma túy ở giáp biên giới. Về sau, tận dụng những mối quen cũ ở Bình Dương, y tổ chức thành đường dây đưa “hàng trắng” từ Lào vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ.

Khi đường dây được hình thành, Tùng thông thạo địa hình, đường đi lối lại, vận chuyển khối lượng lớn ma túy về Mường Lát rồi vận chuyển đi miền Nam. Phương thức thủ đoạn mua bán, vận chuyển ma túy của Tùng và đồng bọn hết sức tinh vi, nhà nghề. Chúng thường xuyên liên lạc, móc nối với nhau thông qua mạng xã hội, sử dụng sim điện thoại không chính chủ nhằm xóa dấu vết phạm tội. Việc chuyển “hàng” thường diễn ra vào đêm khuya, lại thường xuyên thay đổi phương tiện, lịch trình, địa điểm...

Nhưng rồi ác nghiệt đã gieo chẳng tránh được ác báo. Tùng bị bắt khi đang vận chuyển lượng ma túy “khủng” với 14kg (gồm 4kg ketamine và 10kg ma túy đá). Lượng ma túy ấy đủ mức để y được “đeo lon” tử tù.

Có một thực tế là hầu hết “đại ca”, “ông trùm” đều là những con nghiện có thâm niên số má. Và khi đã nghiện thì mọi lý lẽ, quan hệ, mục đích sống ở đời đều quy tụ ở ma túy. Rồi dù có làm ma, làm vía trước chuyến buôn, thì gieo tội ác chẳng có thánh thần nào độ được, những tên trùm ấy chẳng thoát được lưới trời.

Thời điểm trước năm 2021, Phạm Bá Nhầm (SN 1995) ở bản Ta Bán, xã Trung Sơn nổi lên như một ông trùm ở huyện vùng biên Quan Hóa. Bố mẹ ly dị rồi biệt xứ, bỏ lại 3 anh em Nhầm rau cháo nuôi nhau qua ngày. Nhưng đến tuổi trưởng thành, Nhầm cũng thích chứng tỏ, ngao du, rồi tập tành hút chích. Về sau y sang Lào mua ma túy về bán tại bản, nên chẳng mấy chốc đã xây được một căn nhà khá khang trang với rất nhiều ô cửa.

Người bản nói Nhầm tiêu tiền như rác. Đồ đạc trong nhà cũng toàn thứ đắt đỏ, từ tủ lạnh, tivi đến nồi cơm, bếp từ... đều là hàng xa xỉ. Y còn thường xuyên “mở tiệc” chiêu đãi đám thanh niên trong bản hút chích trong nhà cả tuần trời mà không hết thuốc. Vì thế mà có cả đám “con nhang đệ tử” lên cả hơn 10 con nghiện sẵn sàng bảo vệ y trong mọi tình huống. Nhưng chẳng ai biết Nhầm mua ma túy ở đâu, vào lúc nào, chỉ biết, trước mỗi chuyến sang Lào, y thường nhờ một thầy bói ở bản Pạo cách đó không xa làm vía cho y.

Một buổi trưa tháng 10/2020, lực lượng Công an huyện Quan Hóa và Công an xã Trung Sơn ập vào nhà để bắt quả tang, Nhầm đã nhanh chóng tẩu thoát bằng lối cửa bí mật. Những tưởng rừng rộng người thưa sẽ trở thành nơi trú ẩn an toàn, nhưng y lại chạy đến nhà người thầy bói bản Pạo, trú ngụ hẳn 1 ngày trời. Và Y bị bắt với tội danh tàng trữ, mua bán 2.300 viên ma túy tổng hợp. Tất nhiên, vị thầy bói “đen đủi” cũng phải “nhập kho” vì hành vi che giấu tội phạm.

Căn nhà ở bản Ta Bán, xã Trung Sơn (Quan Hóa) im ỉm đóng từ ngày Phạm Bá Nhầm bị bắt về quy án.

Giờ thì căn nhà với nhiều ô cửa của y vẫn còn đó trên một gò cao nhìn ra dòng sông Mã, nhưng cỏ dại um tùm che kín cả lối vào. Một người phụ nữ nhà bên nói với tôi, từ ngày Nhầm đi tù, bà con yên ổn hẳn.

Những “đại ca”, “ông trùm” khét tiếng một thời ở vùng biên xứ Thanh đã được định đoạt số phận bên trong “nhà đá”. Chỉ có điều, chẳng phải tòa án, hay cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng, mà chính những kẻ đi buôn “thần chết” ấy đã tự định đoạt số phận đớn đau của mình từ lúc bắt đầu nhúng tay vào tội ác. Vùng biên đang hồi sinh trở lại màu xanh tươi của sự sống với những nụ cười tươi bên ruộng lúa nương ngô xanh mướt một màu.

Tôi nhớ đến lời ruột gan của một người mẹ ở bản Pạo, xã Trung Sơn (Quan Hóa) có con đang chấp hành án tại Trại giam Thanh Cẩm (Cẩm Thủy), bà Phạm Thị Miến: “Giá như ngày ấy công an tăng cường thêm lực lượng như hiện nay thì tôi chẳng phải mất 2 đứa con”...

Phóng sự dài kỳ của Đỗ Đức

Kỳ cuối: "Làm sạch" đã khó, "giữ sạch" càng khó hơn.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giu-sach-vung-xanh-noi-bien-vien-ky-3-so-phan-cua-nhung-dai-ca-ong-trum-217690.htm