Giữ vững mô hình tôm - lúa

Trong thời gian qua, bên cạnh công tác tuyên truyền cho người dân tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, chủ động tiêm ngừa vắc xin phòng Covid-19, các xã vùng tôm - lúa của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) còn kết hợp với tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện lấp lúa trên nền tôm vụ mùa năm 2021 - 2022, quyết tâm giữ vững mô hình tôm - lúa, giúp nông dân phát triển sản xuất bền vững.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên, trong năm 2021, nông dân toàn huyện thả nuôi thủy sản được hơn 21.100ha, đạt 105,6% chỉ tiêu nghị quyết; sản lượng gần 47.300 tấn, đạt 106% chỉ tiêu nghị quyết, tăng 3.017 tấn so năm 2020. Bình quân lợi nhuận từ việc nuôi tôm sú nuôi quảng canh cải tiến 29 triệu đồng/ha, tôm sú nuôi bán thâm canh 78 triệu đồng/ha; tôm thẻ bán thâm canh 69 triệu đồng/ha; tôm thẻ siêu thâm canh 181 triệu đồng/ha. Qua đó, góp phần làm tăng giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 189 triệu đồng, đạt 100,5% chỉ tiêu nghị quyết, tăng 10 triệu đồng so năm 2020.

Nông dân Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thu hoạch tôm sú từ mô hình tôm - lúa. Ảnh: T.N

Nông dân Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thu hoạch tôm sú từ mô hình tôm - lúa. Ảnh: T.N

Sau khi thu hoạch xong vụ tôm năm 2021, nông dân các xã vùng tôm - lúa ở huyện Mỹ Xuyên đã tiến hành cải tạo đất, lấp lại vụ lúa gần 8.000ha, tập trung nhiều ở các xã: Gia Hòa 1, Gia Hòa 2, Hòa Tú 1, Ngọc Đông, với các giống chủ lực là: ST24, ST25, OM4900, OM18. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân đã ý thức được hiệu quả và tính bền vững của mô hình tôm - lúa, những hộ ao sâu, nuôi theo hình thức bán thâm canh cũng thực hiện lấp lúa trên nền tôm.

Ông Phạm Văn Hải, ở ấp Bình Hòa, xã Gia Hòa 2 cho biết, mùa vụ năm nay, sau khi thu hoạch tôm, gia đình ông quyết định sạ 17 công tầm cấy, trong đó 7 công giống lúa ST24 và 10 công Đài Thơm 8. Sở dĩ ông canh tác 2 giống lúa này là vì vụ năm rồi cho năng suất cao, giá cả ổn định, nhờ vậy, đời sống kinh tế gia đình ông ngày càng ổn định.

Do đặc thù canh tác lúa trên nền đất nuôi tôm nên nhẹ công chăm sóc, chi phí thấp, năng suất lại đạt khá cao, nhiều năm nay, nhờ 3 công rưỡi đất trồng lúa trên nền tôm bà Huỳnh Thị Thêu, ở ấp Vĩnh A, xã Gia Hòa 1 không phải đi mua gạo ăn, mà còn có lúa để bán và nuôi thêm gà, vịt để tăng thêm thu nhập. Theo chia sẻ của bà Thêu, gia đình bà thực hiện mô hình tôm - lúa hơn 20 năm rồi, sau khi thu hoạch tôm xong, gia đình lại cải tạo đất lấp lại vụ lúa, vì mô hình này cho hiệu quả kinh tế bền vững.

Đồng chí Đỗ Văn Hên - Chủ tịch UBND xã Gia Hòa 1 cho biết: “Gần đây, bà con có ý thức cao trong việc giữ vững mô hình tôm - lúa. Những năm trước, giá tôm thương phẩm ở mức khá cao, một số bà con còn xem nhẹ cây lúa, nhưng năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá tôm giảm, tạo cho bà con tâm lý hướng về trồng lúa nhiều hơn. Bên cạnh đó, khi thực hiện mô hình tôm - lúa, tính bền vững trong sản xuất cao hơn, giảm rủi ro nên người dân chọn để phát triển kinh tế gia đình”.

Để duy trì mô hình tôm - lúa, vụ mùa 2021 - 2022, ngành Nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên còn hỗ trợ gần 25 tấn lúa giống cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để sạ và cấy trên nền đất nuôi tôm. UBND huyện cũng đã chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con cải tạo ao đúng theo quy trình kỹ thuật, đặc biệt là chăm sóc và bảo quản sau thu hoạch. Đồng chí Đào Đắc Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Nhiều năm nay, mô hình tôm - lúa ở các xã vùng lợ của huyện Mỹ Xuyên cho hiệu quả kinh tế khá cao. Đây là mô hình sản xuất được xem là bền vững, bởi ngoài việc tự túc được lương thực tại chỗ thì cây lúa còn có khả năng cải tạo môi trường rất hiệu quả, hấp thu các chất thải độc hại và cách ly mầm bệnh cho vụ tôm nuôi tiếp theo”.

Bên cạnh đó, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên đất nuôi tôm trong vụ mùa 2021 - 2022 được thực hiện với diện tích 50ha, trong đó xã Hòa Tú 1 có 20ha giống lúa ST25 và 10ha giống lúa ST24; xã Gia Hòa 2 có 20ha giống lúa ST25 được doanh nghiệp liên kết bao tiêu. Áp dụng theo mô hình này, nông dân được nhiều lợi ích, nhất là cải tạo môi trường đất, được bao tiêu với giá cao. Chính vì vậy, thông qua tuyên truyền, vận động người dân thực hiện mô hình tôm - lúa thì người dân đồng thuận rất cao, nhờ đó nhiều địa phương đã đạt chỉ tiêu lúa trên nền tôm theo kế hoạch đề ra.

Đồng chí Nguyễn Minh Trường - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Mô hình tôm - lúa được huyện Mỹ Xuyên duy trì nhiều năm nay, vì sản xuất mang tính bền vững, nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường. Đối với các xã vùng tôm - lúa, hàng năm Huyện ủy có giao chỉ tiêu, căn cứ vào kết quả thực hiện của từng xã mà xét phân loại tổ chức cơ sở đảng. Để giữ vững mô hình này, huyện có hỗ trợ lúa giống, xây dựng các mô hình và liên kết tiêu thụ. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có mô hình lúa thơm - tôm sạch, nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tạo thêm động lực, niềm tin vững chắc để người dân yên tâm gắn bó, làm giàu từ mô hình tôm - lúa”.

Có được kết quả đó chính là nhờ sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân trong huyện, đã tạo ra khí thế mới cho Mỹ Xuyên, nếu như năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 16,5% thì năm 2021 con số này chỉ còn 0,9%. Kết quả đáng khích lệ này có sự đóng góp không nhỏ của mô hình luân canh tôm - lúa, giờ người nông dân có thể yên tâm sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh ruộng của mình.

H.LAN - T.NHẬN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-my-xuyen/giu-vung-mo-hinh-tom-lua-55262.html