Giữ vững nguồn cung xăng dầu giữa những làn sóng biến động toàn cầu

6 tháng đầu năm, xăng dầu Việt Nam vẫn đảm bảo ổn định cung ứng nhờ điều hành sát thị trường; dự báo 6 tháng cuối năm tiếp tục duy trì được nguồn hàng.

Ổn định cung ứng xăng dầu trong biến động khó lường

Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ quý II năm 2025 diễn ra sáng 11/7, tại Hà Nội, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, thị trường xăng dầu 6 tháng đầu năm 2025 đã chứng kiến những biến động “ngược chiều” đầy kịch tính. “Tại thời điểm 2/4, khi Hoa Kỳ công bố chính sách thuế đối ứng, giá xăng dầu giảm rất sâu. Nhưng chỉ đến ngày 13/6, khi xung đột giữa Israel và Iran nổ ra, giá dầu Brent đã có lúc vọt lên đến 88 USD/thùng” - ông Năm dẫn chứng.

Ông Trần Ngọc Năm phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Phương Lan)

Ông Trần Ngọc Năm phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Phương Lan)

Tuy nhiên, bất chấp những biến thiên mạnh mẽ từ địa chính trị và thị trường thế giới, nguồn cung trong nước vẫn được giữ ổn định. Petrolimex đánh giá cao sự điều hành hết sức kịp thời của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương và sự phối hợp đồng bộ trong tổ chức nguồn hàng. “Theo nhận định của Petrolimex, sáu tháng đầu năm, mặt hàng xăng dầu đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của xã hội” - ông Năm nhấn mạnh.

Đặc biệt, công tác điều hành giá của Liên bộ Công Thương - Tài chính được ghi nhận có nhiều tín hiệu tích cực. Việc điều hành bám sát theo cơ chế thị trường, hạn chế can thiệp từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu giúp thị trường vận hành linh hoạt hơn. Ông Năm khẳng định: “Trạng thái thị trường được kiểm soát tốt, người tiêu dùng dần thích nghi với biến động giá sát theo giá cơ sở. Điều này góp phần củng cố niềm tin thị trường”.

Ông Trịnh Quang Khanh phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Phương Lan)

Ông Trịnh Quang Khanh phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Phương Lan)

Đồng quan điểm, ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng cho rằng: “Trong sáu tháng đầu năm, nguồn cung được duy trì ổn định và tốt. Điều hành giá khá sát với giá thế giới. Người tiêu dùng đã quen với việc điều chỉnh giá theo chu kỳ”.

Ngoài ra, phân khúc hệ thống thương nhân phân phối cũng được đánh giá hoạt động đồng bộ, góp phần giữ vững nguồn cung. Các nhà máy lọc dầu trong nước, đặc biệt là Dung Quất đã tìm kiếm nhà cung cấp mới để đảm bảo nguồn dầu thô cho thị trường nội địa, tăng cường tính chủ động của thị trường.

Thị trường 6 tháng cuối năm sẽ vững vàng nếu không có cú sốc lớn

Thị trường xăng dầu năm 2025 được dự báo ổn định (Ảnh: Cấn Dũng)

Thị trường xăng dầu năm 2025 được dự báo ổn định (Ảnh: Cấn Dũng)

Nhìn nhận về 6 tháng cuối năm 2025, Petrolimex nhận định xăng dầu sẽ tiếp tục là mặt hàng “khó dự đoán” nhất. “Chỉ một vài thông tin đơn giản như Houthi tấn công tàu hàng hay Mỹ công bố tồn kho giảm là giá lập tức tăng. Ngược lại, thông tin về chính sách thuế của Mỹ có thể khiến giá dầu giảm ngay sau đó,” ông Trần Ngọc Năm chia sẻ.

Từ góc độ doanh nghiệp, Petrolimex dự báo giá dầu thế giới trong nửa cuối năm sẽ dao động ở mức 65-75 USD/thùng và tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là không đáng kể. Về nguồn cung, ông Năm khẳng định: “Tiêu dùng trong nước không có đột biến. Nếu hai nhà máy lọc dầu trong nước duy trì công suất như hiện tại, thì hoàn toàn có thể đảm bảo nguồn cung”.

Về yếu tố toàn cầu, ông Năm nhận xét: “Chúng tôi thấy rằng nguồn hàng trên thế giới hiện khá phong phú, không có vấn đề gì đáng lo ngại”.

Tuy nhiên, ông Trịnh Quang Khanh lưu ý rằng, quý III là mùa mưa bão, doanh nghiệp cần chủ động các phương án đảm bảo an toàn vận chuyển và lưu thông xăng dầu. “Quý I và quý IV là thời điểm nhu cầu tăng cao phục vụ Tết và hàng hóa cuối năm. Quý II và III nhu cầu thấp hơn nhưng quý III lại thường bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu”, ông Trịnh Quang Khanh nói.

Ông Khanh cũng nhấn mạnh thêm, hiện mỗi tháng Việt Nam bán ra khoảng 2 - 2,1 triệu tấn xăng dầu. Lượng dự trữ trong hệ thống doanh nghiệp duy trì ở mức 1,8 - 2 triệu tấn, tương đương khoảng 20 ngày cung ứng, được xem là mức dự trữ khá tốt và ổn định.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã giao kế hoạch đảm bảo tổng nguồn cung tối thiểu và đang chuẩn bị triển khai kinh doanh xăng sinh học E10 từ ngày 1/1/2026. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, đồng thời đề nghị Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác truyền thông để các doanh nghiệp sẵn sàng mặt bằng, bồn bể, phương tiện phối trộn.

Dù chịu ảnh hưởng lớn từ các yếu tố địa chính trị và giá dầu thế giới, ngành xăng dầu Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 vẫn đảm bảo được sự ổn định và chủ động trong cung ứng. Với chiến lược điều hành linh hoạt, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và doanh nghiệp, dự báo trong 6 tháng cuối năm, thị trường xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục duy trì ổn định nếu không xảy ra những biến động quá lớn từ bên ngoài.

Theo Bộ Công Thương, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2025 được Bộ Công Thương phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện là 29,517,404 m3/tấn xăng dầu các loại, trong đó: xăng dầu mặt đất: 28,309,360 m3/tấn; nhiên liệu hàng không: 1,208,044 m3. Tổng nguồn xăng dầu cho tiêu thụ thị trường nội địa 6 tháng đầu năm 2025 theo báo cáo của các thương nhân ước đạt 13,86 triệu m3/tấn, bằng 47% tổng nguồn xăng dầu tối thiểu phân giao từ đầu năm 2025, tăng 1,1% so với thực hiện tổng nguồn 6 tháng đầu năm 2024 (tương đương với thực hiện 2,308 triệu m3/tấn xăng dầu/tháng), về cơ bản bám sát với kế hoạch thực hiện tổng nguồn theo từng Quý đã đăng ký với Bộ Công Thương. Tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2025 đạt 12,6 triệu m3/tấn (bình quân tiêu thụ khoảng 2,1 triệu m3/tấn/tháng xăng dầu các loại). Tồn kho 6 tháng đầu năm 2025: 1,7-1,8 triệu m3/tấn.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giu-vung-nguon-cung-xang-dau-giua-nhung-lan-song-bien-dong-toan-cau-410175.html