Giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
Những năm qua, Hội Nông dân huyện Tân Sơn đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực thi đua phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Chị Hoàng Thị Bến - hội viên Hội Nông dân xã Thu Ngạc phát triển mô hình nuôi dê cho thu nhập ổn định.
Hội Nông dân huyện Tân Sơn hiện có gần 13.000 hội viên, sinh hoạt tại 20 tổ chức hội cơ sở. Xác định phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy ý chí vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế của hội viên, Hội Nông dân huyện đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực đến từng cơ sở hội, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tiêu chuẩn hộ SXKD giỏi, tổ chức cho hội viên tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả phù hợp với địa phương, khuyến khích hội viên đăng ký phấn đấu hộ SXKD giỏi hàng năm; thành lập các tổ - chi hội nghề nghiệp thúc đầy mô hình sản xuất tập thể mang lại hiệu quả kinh tế cao... Nhờ đó, phong trào đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, phát huy hiệu quả tích cực.
Đến thăm mô hình chăn nuôi của gia đình chị Hoàng Thị Bến - khu Liên Minh, xã Thu Ngạc, chị Bến phấn khởi chia sẻ: Trước kia, phần diện tích nông nghiệp của gia đình chủ yếu trồng các loại hoa màu truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2021, sau khi được Hội Nông dân xã vận động tham gia các mô hình liên kết sản xuất tập thể và các lớp tập huấn chăn nuôi gia súc, gia cầm khoa học... gia đình tôi đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư mô hình “Tổ liên kết nuôi dê khu Liên Minh”. Vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, hiện tôi đã thu hồi được vốn, lứa dê gia đình xuất chuồng gần đây nhất là 10 con; lợi nhuận trung bình từ 5-7 triệu đồng/con. Từ thuộc diện hộ cận nghèo, sau ba năm phát triển mô hình kinh tế mới, nay gia đình tôi đã thoát nghèo.
Nhằm tạo “đòn bẩy” giúp hội viên nông dân tham gia hiệu quả phong trào thi đua SXKD giỏi, Hội Nông dân huyện đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân vay vốn, kỹ thuật, công nghệ sản xuất mới để tăng năng suất, sản lượng nông sản; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều lớp dạy nghề ngắn hạn cho hội viên, nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học trong chăn nuôi, trồng trọt.

Sản phẩm nông nghiệp của Hội Nông dân huyện Tân Sơn tham gia các gian hàng hội chợ trưng bày, quảng bá nông sản trên địa bàn tỉnh.
Hiện toàn huyện có 22 tổ hội nông dân nghề nghiệp tại 17 xã, thị trấn; 1 tổ hợp tác chăn nuôi ong mật thiên nhiên (tại khu Bình, xã Mỹ Thuận) và 4 câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Tổ chức hội cũng đang quản lý tốt các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn với tổng dư nợ trên 158 tỷ đồng cho hơn 3.000 hộ vay để đầu tư phát triển kinh tế. Các sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Giá trị sản lượng hàng hóa của các sản phẩm tăng đều theo các năm, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân.
Đồng chí Nguyễn Thái Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Năm 2024, tổ chức hội có 9.902 hộ đăng ký thi đua SXKD giỏi, và đã có trên 5.900 hội viên đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi các cấp. Nhiều hộ nông dân SXKD giỏi đã trở thành “hạt nhân” uy tín trong cộng đồng, tiên phong trong các phần việc thiện nguyện, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Thời gian tới, để phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tạo sức lan tỏa sâu rộng trên địa bàn, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân, tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP gắn với các mô hình liên kết sản xuất; tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp; chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường nêu gương và bồi dưỡng những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua...
Từ các phong trào, hoạt động của các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện đã thu hút được sự tham gia của đông đảo hội viên, nông dân. Hội thực sự trở thành điểm tựa vững chắc, khẳng định vai trò cầu nối trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần hội viên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giup-nhau-phat-trien-kinh-te-giam-ngheo-ben-vung-231729.htm