Giúp nông dân phát triển kinh tế
ĐBP - Xác định phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm giúp hội viên nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời góp phần củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Hội Nông dân huyện Ðiện Biên Ðông đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Hội viên nông dân bản Tìa Ghềnh C (xã Keo Lôm) chăm sóc đàn gia cầm.
Hội Nông dân huyện Ðiện Biên Ðông hiện có 14 cơ sở Hội, 198 chi hội với tổng số hơn 8.130 hội viên. Trong đó, số hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn chiếm tỷ lệ cao. Ðể tạo điều kiện giúp hội viên hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phát huy nội lực, xóa bỏ tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Hội chủ động phối hợp mở các lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm bổ sung, nâng cao kiến thức trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên. Trong năm 2020, Hội phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện mở 19 lớp tập huấn, đào tào nghề cho hơn 660 hội viên, bao gồm các lớp, như: Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng nấm, kỹ thuật nuôi cá... Giúp hội viên việc tạo việc làm bằng cách ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo thuận lợi cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, mở rộng chăn nuôi. Tính đến hết tháng 10/2020 có 2.320 lượt hội viên vay vốn với tổng dư nợ hơn 86,7 tỷ đồng. Hầu hết hội viên vay vốn đều đầu tư chăn nuôi đại gia súc, đào ao nuôi cá, buôn bán, kinh doanh tổng hợp, mua máy móc sản xuất nông nghiệp… Ngoài ra, từ nguồn vốn quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, Hội đã giúp 40 hội viên vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Nhờ đó sử dụng hiệu quả vốn vay, nhiều hội viên vươn lên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Hội tiếp tục duy trì và triển khai hiệu quả mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại các xã: Tìa Dình, Noong U và Na Son. Riêng trong năm 2020, Hội triển khai dự án chăn nuôi bò sinh sản tại 2 chi hội Tìa Ghếnh B, C với sự tham gia của 10 hộ, tổng số vốn thực hiện 500 triệu đồng; triển khai dự án chăn nuôi lợn tại tổ 1, thị trấn Ðiện Biên Ðông với sự tham gia của 5 hộ, tổng số vốn thực hiện 146 triệu đồng. Phát huy tinh thần, ý chí vươn lên làm giàu của hội viên, Hội đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, làm giàu. Qua phong trào, xuất hiện nhiều mô hình, tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, hỗ trợ cây, con giống để hội viên nghèo học tập, áp dụng làm kinh tế. Ðến nay, toàn huyện có 351 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (trong đó, 3 hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 22 hộ cấp tỉnh, 106 hộ cấp huyện và 220 hộ cấp cơ sở). Nhằm giúp hội viên quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, Hội phối hợp với hợp tác xã trực thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh khảo sát diện tích các hộ đăng ký trồng bí xanh tại bản Chua Ta A, B của xã Tìa Dình cam kết thu mua nông sản sau khi thu hoạch.
Nhiều năm về trước, gia đình anh Lường Văn Ban là hộ nghèo của bản Huổi Tao (xã Pú Nhi). Năm 2018 được Hội Nông dân huyện giúp vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh mạnh đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản kết hợp với mở cửa hàng tạp hóa tại gia đình. Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm, chăn nuôi đúng kỹ thuật cộng với việc chịu khó khai hoang mở rộng diện tích trồng trọt để có thêm nguồn lương thực. Ðến cuối năm 2019, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo và có nguồn thu nhập ổn định gần 60 triệu đồng/năm.