Giúp phụ nữ tăng thu nhập nhờ đan lục bình

Đan lục bình thủ công mỹ nghệ không phải là chuyện mới, nhưng cái khéo ở đây là Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Thuận Phát, ấp 6, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao (Kiên Giang) xây dựng mô hình kinh tế tập thể hoạt động nề nếp và giúp nhiều phụ nữ tăng thu nhập.

TẠO VIỆC LÀM CHO PHỤ NỮ

Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Thuận Phát được thành lập vào năm 2018 trên cơ sở nâng lên từ tổ hợp tác trước đó. Chị Trần Thị Thu Ngân - Giám đốc Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Thuận Phát cho biết hàng tháng hợp tác xã tổ chức sinh hoạt để thành viên chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống, kỹ thuật đan từng loại khung và các mặt hàng sản xuất từ lục bình.

Tính đến nay, hợp tác xã có từ 250-300 lao động nữ tham gia gia công sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình. Ước trong 5 năm qua, hợp tác xã góp phần cải thiện đời sống của nhiều chị em, giúp được 8 hộ thoát nghèo, 6 hộ cận nghèo vươn lên trung bình, 15 hộ từ trung bình lên khá, xây dựng được nhà ở khang trang. Để hợp tác xã hoạt động hiệu quả và có vốn mua nguyên liệu nhằm chủ động trong sản xuất, hợp tác xã vận động thành viên góp vốn điều lệ với tổng số tiền 79 triệu đồng. Hợp tác xã thường xuyên tổ chức thăm hỏi các thành viên khi ốm đau, gia đình có việc tang…

Chị Ngân cho biết, mới đây hợp tác xã còn được các cấp, ngành, tổ chức hữu nghị quan tâm tài trợ 140 triệu đồng để xây dựng nhà kho, đầu tư máy vi tính, máy in, bàn làm việc và hỗ trợ 66 chị (5 triệu đồng/chị) để nuôi trồng lục bình nhằm chủ động nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên hiện nay nhà kho vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, hợp tác xã đang đề nghị Liên minh Hợp tác xã tỉnh hỗ trợ kinh phí mở rộng nhà kho, đầu tư máy sấy phục vụ gia công sản phẩm thủ công. Nếu được hỗ trợ sẽ giúp việc gia công hàng thủ công mỹ nghệ của hợp tác xã hoạt động tốt hơn.

Chị Trần Thị Thu Ngân - Giám đốc Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Thuận Phát phơi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình.

Chị Trần Thị Thu Ngân - Giám đốc Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Thuận Phát phơi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình.

“Bằng những cách làm thiết thực đó, hợp tác xã thu hút sự tham gia của các chị em không chỉ trong ấp 6 mà còn ở các ấp lân cận. Chị em bắt đầu hiểu được lợi ích thiết thực của kinh tế tập thể, hỗ trợ nhau gia công thủ công mỹ nghệ”, chị Ngân khẳng định.

CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG

Chị Dương Thị Mỹ Tiên, ngụ ấp 6, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc cho biết công việc chính của chị là buôn bán tạp hóa, lúc rảnh rỗi chị đan lục bình kiếm thêm thu nhập. “Trước đây thấy mẹ chồng đan lục bình, tôi cũng học đan, đến nay cũng được 7-8 năm. Sau này tôi nhận khung từ Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Thuận Phát, tranh thủ lúc nhàn rỗi đan gia công sản phẩm. Nhà ở ven sông, tôi trồng lục bình, cắt lục bình phơi khô là có sẵn nguyên liệu. Từ việc đan lục bình, tôi kiếm hơn 1 triệu đồng/tháng”, chị Tiên nói.

Việc đan lục bình rất thuận tiện, các chị nhận khung từ Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Thuận Phát, tranh thủ thời gian nông nhàn, buổi tối… để đan gia công sản phẩm. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, hợp tác xã gia công mỗi tháng 50.000-60.000 sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình, thu về 300-350 triệu đồng, giúp hàng trăm lao động ở nông thôn có thêm việc làm.

Chị Dương Thị Mỹ Tiên tranh thủ thời gian nhàn rỗi đan lục bình kiếm thêm thu nhập.

Sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, do việc xuất khẩu khó khăn hơn trước, hợp tác xã nhận gia công khoảng 30.000 sản phẩm/tháng, thu về 200-250 triệu đồng. Một số chị em tận dụng thời gian nhàn rỗi để đan lục bình có thu nhập từ 1-2 triệu đồng/tháng. Các chị đan nhiều có thu nhập từ 3-4,5 triệu đồng/chị/tháng, góp phần cải thiện đời sống gia đình.

Hợp tác xã còn thuê thêm 4 nhân công thường xuyên để thực hiện việc thu gom, xử lý, phơi và giao sản phẩm với lương khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Là lao động thường xuyên của hợp tác xã, em Nguyễn Văn Phước (23 tuổi), ngụ ấp 6, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc nói: “Làm việc cho hợp tác xã gần nhà, sáng em đi làm, chiều về nhà ăn cơm, đỡ tốn tiền nhà trọ, tiền ăn như khi đi làm công nhân xa nhà. Làm việc ở gần nhà, em còn tranh thủ giúp được việc cho gia đình”.

Cũng giống như Phước, em Nguyễn Ngọc Huyền (18 tuổi), ngụ ấp 6, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc là lao động thường xuyên của hợp tác xã. Huyền cho biết bây giờ đi làm xa nhà cũng khó khăn nên em chọn làm ở địa phương. Công việc ở hợp tác xã chủ yếu là sửa, phơi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình, em có thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/tháng.

Bài và ảnh: THU OANH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//xay-dung-dang/giup-phu-nu-tang-thu-nhap-nho-dan-luc-binh-8824.html