Giúp tộc người Đan Lai 'trồng người' - Bài 1: Bố Thắm Bộ đội Biên phòng

'Xin hát về bạn bè tôi. Những người sống vì mọi người', lời bài hát 'Một đời người, một rừng cây' của nhạc sĩ Trần Long Ẩn chợt vang lên theo dòng suy nghĩ của tôi trên đường đến gặp Thiếu tá QNCN Phan Văn Thắm, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Môn Sơn, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An-Tổ trưởng Tổ Biên phòng Ký túc xá (KTX) Trường THCS xã Môn Sơn (Con Cuông, Nghệ An).

Nhiều năm qua, anh luôn cần mẫn, tận tụy như dòng sông Giăng chở nước ngọt lành xuyên rừng Pù Mát, tạo sức sống mới vững bền để các mầm non là học sinh tộc người Đan Lai vượt khó.

Xế chiều, khi tiếng trống tan trường vừa dứt, từng tốp học sinh tộc người Đan Lai đi bộ thong dong, ríu rít trò chuyện trên đường về KTX ... “Bố Thắm ơi, hôm nay con được cô giáo khen”, “Bố Thắm ơi, con cũng vậy”... Nghe tiếng trẻ, Thiếu tá QNCN Phan Văn Thắm chào hỏi các con bằng chất giọng trầm ấm và nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc.

Ấm áp tình thân

“Bố” là từ các học sinh Đan Lai quen gọi các chú BĐBP Tổ Biên phòng KTX. Riêng với Thiếu tá QNCN Phan Văn Thắm, các cháu luôn dành cho anh sự tôn trọng cùng tình cảm gần gũi như với người thân trong gia đình. Chính vì vậy, có chuyện vui hay buồn, các cháu đều tâm sự và khoe với bố Thắm.

"Giỏi quá! Đợi tí bố đi lấy kẹo thưởng cho các con nhé". Anh Thắm tươi cười nói.

 Thiếu tá QNCN Phan Văn Thắm hướng dẫn học sinh Đan Lai học bài.

Thiếu tá QNCN Phan Văn Thắm hướng dẫn học sinh Đan Lai học bài.

Nghe được bố Thắm thưởng kẹo, bọn trẻ reo hò, nhảy múa, rồi theo lời bố Thắm về từng phòng để cất đồ đạc và chờ quà. Đây là lần thứ hai tôi đến khu KTX thăm anh Thắm. Lần trước, vào tháng 9-2023, trong Chương trình “Biên cương - Đêm hội trăng rằm” do Bộ tư lệnh BĐBP phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cho học sinh và nhân dân xã Môn Sơn, thấy các cháu học sinh Đan Lai quây quần, ríu rít gọi bố Thắm, tôi đến hỏi chuyện rồi đành hẹn dịp khác đến thăm anh, vì khi ấy, anh Thắm đang bận bịu với công việc hướng dẫn các cháu học sinh Đan Lai. Đây cũng là lý do tôi vượt chặng đường gần 500km từ Hà Nội - Vinh - Môn Sơn để gặp anh vào cuối giờ chiều ở KTX.

Tôi theo anh Thắm về phòng ở, sau khi anh nắm đủ quân số học sinh người Đan Lai về KTX. Căn phòng như một tiệm tạp hóa thu nhỏ với đủ loại bánh, kẹo, sách vở, đồ dùng học tập, khăn mặt... được xếp đặt ngay ngắn, gọn gàng. Trên giường cá nhân, nội vụ chăn màn vuông vức. Anh Thắm tươi cười bảo: "Sự gọn gàng, ngăn nắp vừa là thói quen của bộ đội vừa để làm gương cho các con. Còn bánh kẹo và các đồ kia là do tôi vận động những nhà thiện nguyện, đôi khi mình cũng bỏ tiền mua để hỗ trợ các con khi cần thiết, đồng thời làm phần thưởng động viên các con trong học tập".

Lúc này, thầy giáo Nguyễn Văn Vị, Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn cũng vừa đến KTX để thăm hỏi và nắm bắt tình hình học sinh người Đan Lai. Thầy Vị vui vẻ đi cùng anh Thắm và chúng tôi đến từng phòng thưởng kẹo cho các con. Con nào có thành tích tốt thì được bố Thắm cho thêm một, hai cái kẹo nên các con rất hồ hởi... Giữa không khí trò chuyện rôm rả, vui vẻ, chúng tôi có dịp quan sát nơi ở của các con.

Giống như người bố biên phòng, các con giữ gìn căn phòng sạch đẹp, nội vụ gấp vuông vức và đồ dùng học tập để ngay ngắn trên giường cá nhân. “Đối với các học sinh khác thì việc giữ gìn nơi ăn chốn ở sạch sẽ, gọn gàng là bình thường, nhưng với các học sinh Đan Lai thì đây là một bước tiến lớn về nhận thức và lối sống”, anh Vị cho biết.

Vượt đại ngàn Pù Mát

Tộc người Đan Lai quy tụ sinh sống ở hai bản: Búng và Cò Phạt, xã Môn Sơn, nằm sâu trong lõi rừng quốc gia Pù Mát, cách trung tâm xã khoảng 20km. Để đến bản, người dân phải đi dọc theo con sông Giăng bằng thuyền, hoặc đi xe máy và đi bộ theo lối mòn dốc núi hiểm trở. Tạnh ráo đã khó đi, khi mưa lũ thì hai bản bị cô lập hoàn toàn. Chính vì vậy, có những người dân Môn Sơn sống đến gần hết cuộc đời cũng chưa từng đặt chân đến nơi người Đan Lai sinh sống và ngược lại, nhiều người Đan Lai cũng chưa được đặt chân ra trung tâm xã.

Thiếu tá QNCN Phan Văn Thắm và các học sinh Đan Lai.

Thiếu tá QNCN Phan Văn Thắm và các học sinh Đan Lai.

Anh Vị kể: "Ngày trước, các học sinh tộc người Đan Lai chỉ học hết tiểu học ở điểm trường trong bản là nghỉ học. Nguyên nhân chính là lên cấp học THCS, các em phải ra trung tâm xã, trong khi đó, việc đi lại rất khó khăn và hầu hết hộ tộc người Đan Lai đều là hộ nghèo, không có kinh phí cho con, em trọ học và ăn ở, đi lại".

Để giúp học sinh người Đan Lai được theo học đều đặn, học lấy con chữ, đưa tương lai vượt sự "phong tỏa" của đại ngàn Pù Mát, các cơ quan, ban, ngành đã hỗ trợ xây tặng khu KTX nội trú để các em ổn định chỗ ở, đi học. Tuy nhiên, chặng đường học chữ của học sinh Đan Lai vẫn không được cải thiện đáng kể, việc đưa các em ra khỏi bản đi học rất khó khăn, giữ được các em ở lại học tập càng khó khăn gấp bội. Bởi các em học sinh đầu cấp còn nhỏ, không mấy khi được giao lưu ở nơi đông người nên có tâm lý rụt rè khi tiếp xúc với những điều lạ lẫm.

Đồng thời, mang theo cách sống và sinh hoạt ở nhà, các em như “cỏ cây hoang dã” giữa cuộc sống tập thể rất cần sự kỷ luật và các nếp văn hóa trong ứng xử, ăn, ở, sinh hoạt. Dù thầy, cô đã quan tâm nhưng chưa đủ để giúp các em thích nghi với cuộc sống mới. Hầu hết các em tự bỏ về bất cứ lúc nào các em muốn. Đặc biệt hơn, do thay đổi cách ăn, uống và môi trường sống, các em thường xuyên bị bệnh, những lúc này, do đường đi khó khăn nên bố mẹ và gia đình cũng phó mặc con cái cho nhà trường và thầy, cô...

Trước tình hình đó, anh Thắm học hỏi kinh nghiệm các thầy, cô giáo đã từng tiếp xúc nhiều với học sinh Đan Lai để hiểu thêm về phong tục, tập quán, thói quen của học sinh; đồng thời, hỏi thêm các đồng đội có kinh nghiệm trong việc tổ chức, quản lý, dạy dỗ học sinh tham gia các khóa học trong học kỳ Quân đội... Từ đó, anh Thắm đúc kết, xây dựng thời gian biểu và các chương trình, kế hoạch quản lý, dạy dỗ học sinh Đan Lai theo từng ngày cho phù hợp.

Theo thời gian biểu, buổi sáng, anh Thắm đánh thức các con bằng hiệu lệnh còi và đến từng phòng động viên các con dậy tập thể dục; sau đó, anh kiểm tra các con gấp chăn màn, vệ sinh nhà cửa, vệ sinh cá nhân; tiếp đến, anh đưa các con đi ăn sáng, chuẩn bị sách vở, đến trường học tập. Buổi trưa, anh duy trì cho các con ăn cơm, ngủ nghỉ và đến giờ buổi chiều lên lớp học tập. Khi kết thúc ngày học tập, về KTX, anh động viên các con chơi thể thao hoặc hướng dẫn trồng và chăm sóc rau xanh. Buổi tối, anh lại trực tiếp đến từng phòng để kiểm tra các con học bài...

Vì đường sá xa xôi nên những ngày nghỉ, ngày lễ, các cháu học sinh Đan Lai phần nhiều vẫn ở lại KTX, khi đó, anh vẫn duy trì chế độ thích hợp. Đồng thời, anh tham mưu cho Đoàn xã và Đoàn Trường THCS Môn Sơn phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao hay tổ chức các hoạt động ngoại khóa, bồi dưỡng kỹ năng sống cho các cháu...

Từ khi về KTX nhận nhiệm vụ, chưa ngày nào bố Thắm dậy sau các con và ngủ sớm hơn các con. Đối với anh, mỗi ngày trôi qua là một ngày phải phát huy trách nhiệm, tình thương để duy trì các con học tập, vui chơi, từ lúc thức dậy đến khi các con say giấc nồng anh mới yên tâm.

Anh Thắm tâm sự: "Ngày trước, tôi phải tập hợp các con mỗi sáng rồi đưa các con đến trường, giao tận tay thầy cô giáo. Giờ thì các con cũng có ý thức nên đã tự đến trường, nhưng sau giờ vào học khoảng 30 phút mà thầy cô không gọi điện thoại tôi mới yên tâm. Như vừa rồi, thầy, cô có gọi điện cho biết con La Văn Thành, lớp 8A2 và La Văn Tài, lớp 8A1 không đến lớp. Tôi phải đi hỏi thăm, gặp các con đang ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An và đưa về. Hỏi ra mới biết hai con được bạn rủ đi chơi. Sau lần ấy, tôi phải tập hợp các cháu lại và nhắc nhở chung: Không được tự ý bỏ trường, bỏ lớp, bỏ KTX đi chơi, nếu có việc gì phải xin phép thầy, cô và bố Thắm. Sau lần đó, các con có ý thức hơn, tuy nhiên, tôi vẫn lo mỗi khi các con rời khỏi tầm mắt của mình".

(còn nữa)

Bài và ảnh: VIỆT HÀ - DUY ĐÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/giup-toc-nguoi-dan-lai-trong-nguoi-bai-1-bo-tham-bo-doi-bien-phong-777464