Gỡ dần 'nút thắt', kỳ vọng nâng hạng chứng khoán vào tháng 9.2025

Để chinh phục thành công kỳ nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) vào tháng 9.2025, Việt Nam đang nỗ lực đồng bộ cải cách từ công nghệ đến khung pháp lý.

Trong báo cáo tạm thời công bố ngày 9.4 vừa qua, tổ chức FTSE Russell tiếp tục giữ nguyên phân loại Việt Nam ở nhóm thị trường cận biên, với lý do chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thanh toán trong khung phân loại.

Dẫu vậy, tổ chức này cũng ghi nhận một số cải tiến đáng kể như mô hình giao dịch không ký quỹ (non pre-funding) cho nhà đầu tư nước ngoài đã được đưa vào vận hành. Tuy vẫn cần thêm thời gian theo dõi và đánh giá, nhưng tín hiệu tích cực là không thể phủ nhận.

Theo các chuyên gia, nếu nâng hạng thành công, đây sẽ là cú hích mạnh mẽ đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn bậc nhất trong khu vực. World Bank ước tính Việt Nam có thể thu hút dòng vốn ngoại khoảng 25 tỉ USD trong ngắn hạn.

Kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán vào tháng 9.2025

Kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán vào tháng 9.2025

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Phan Phương Nam (Đại học Luật TP.HCM) cho rằng Việt Nam điều chỉnh hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật (TCVN) để đạt mức hài hòa cao hơn với tiêu chuẩn quốc tế; đáp ứng 7/9 tiêu chí của FTSE Russell và 10/18 tiêu chí của MSCI, với những cải thiện đáng kể như việc ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC để gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài; đưa hệ thống KRX vào vận hành…

Theo ông Nam, việc nâng hạng TTCK sẽ tạo cơ hội thu hút dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm với những thách thức như biến động dòng vốn, áp lực tỷ giá, và nguy cơ “sốc” thị trường khi dòng tiền “vào – ra” diễn ra mạnh mẽ.

Do đó, ông Nam đề nghị Việt Nam cần duy trì mức dự trữ ngoại hối đủ lớn để can thiệp khi thị trường biến động, góp phần ổn định tỷ giá, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, thay vì cố định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm điều chỉnh hằng ngày, kết hợp với biên độ dao động hợp lý để giảm áp lực đầu cơ.

Ngoài ra, theo ông Nam, Nhà nước cũng cần tăng cường kiểm soát dòng vốn nước ngoài. Theo đó, cơ chế giám sát dòng vốn cần được đầy mạnh thông qua việc thiết lập hệ thống theo dõi dòng vốn “vào – ra” theo thời gian thực để nhận diện sớm các dấu hiệu bất ổn; nghiên cứu và áp dụng thuế giao dịch tài chính hoặc giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong một số lĩnh vực nhạy cảm để giảm thiểu rủi ro từ biến động dòng vốn ngắn hạn…

TS Phan Phương Nam (Đại học Luật TP.HCM)

TS Phan Phương Nam (Đại học Luật TP.HCM)

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương cũng khẳng định Việt Nam đang triển khai đồng loạt các biện pháp nhằm nâng cao năng lực thị trường, từ đó đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khắt khe của các tổ chức xếp hạng quốc tế như FTSE Russell và MSCI. Dù vậy, để đạt được kết quả như mong đợi, việc hội tụ các điều kiện cần và đủ vẫn là một thách thức không nhỏ.

Thứ trưởng Phương phân tích: Điều kiện cần, tức các tiêu chí kỹ thuật hiện đã được Việt Nam đáp ứng phần lớn; điều kiện đủ, nghĩa là sự tin tưởng và đánh giá tích cực từ cộng đồng nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, điều này lại phụ thuộc nhiều hơn vào cảm nhận về môi trường đầu tư, mức độ minh bạch và tính dễ tiếp cận của thị trường.

Do đó, để chinh phục thành công kỳ vọng nâng hạng vào tháng 9.2025, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành chứng khoán nỗ lực đồng bộ cải cách từ công nghệ đến khung pháp lý.

Cụ thể, triển khai hiệu quả hệ thống KRX với nhiều tính năng mới về thanh toán, giao dịch, phòng ngừa rủi ro trong hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với việc trước đó đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC, bổ sung quy định về giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, một "nút thắt" quan trọng đã được gỡ bỏ, giúp cho hoạt động đầu tư được thông suốt.

Tiếp theo là rà soát sửa đổi Nghị định 155, quy định rõ thời hạn công ty đại chúng phải hoàn tất thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa nhằm minh bạch hóa thông tin sở hữu cho các đối tượng tham gia thị trường. Triển khai hoạt động bù trừ thanh toán theo cơ chế tối tác bù trừ trung tâm; đơn giản hóa các thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương phát biểu

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương phát biểu

Ông Phương cũng cho hay đã nghiên cứu triển khai các tài khoản giao dịch tổng theo hướng ban đầu áp dụng cho các quỹ đầu tư nước ngoài, sau đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan. Tài khoản giao dịch tổng (OTA - Omnibus trading account) là tài khoản cho phép công ty quản lý quỹ có thể thực hiện giao dịch mua/bán chứng khoán đồng thời đối với tất cả các quỹ mà công ty quản lý và không phải thực hiện lệnh mua/bán riêng lẻ trên từng tài khoản của từng quỹ như hiện nay.

Một giải pháp nữa là tăng cung hàng hóa và phát triển sản phẩm mới cho TTCK như rút ngắn quá trình niêm yết cổ phiếu sau khi IPO (phát hành công khai lần đầu); phát triển các bộ chỉ số đầu tư bên cạnh bộ chỉ số thị trường hiện nay làm cơ sở cho hoạt động đầu tư của các quỹ;...

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho hay đã lập nhóm đối thoại chính sách gồm các thành viên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chuyên gia, quỹ đầu tư, tổ chức đầu tư quốc tế, công ty chứng khoán... để hỗ trợ cho quá trình nâng hạng.

"Với các giải pháp như vậy, Bộ Tài chính tin tưởng, câu chuyện nâng hạng TTCK vào tháng 9.2025 này sẽ có kết quả cụ thể để chia sẻ," ông Phương cho biết.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/go-dan-nut-that-ky-vong-nang-hang-chung-khoan-vao-thang-9-2025-232340.html