Gỡ điểm nghẽn đầu tư để dòng chảy kinh doanh thông suốt

Báo cáo đề cập tính thực chất của việc cắt giảm thủ tục liên quan đến đầu tư kinh doanh. Nhiều đề xuất cắt giảm thủ tục, điều kiện mang tính nhỏ nhặt, có sự phân cấp nhưng thời gian không giảm.

Sự kiện nhằm phản ánh lại những chuyển động chính sách quan trọng trong năm 2024; đồng thời, thể hiện góc nhìn, quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp đối với những chính sách tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh; cũng như đưa ra một số kiến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động cải cách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Sự kiện nhằm phản ánh lại những chuyển động chính sách quan trọng trong năm 2024; đồng thời, thể hiện góc nhìn, quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp đối với những chính sách tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh; cũng như đưa ra một số kiến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động cải cách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Ngày 22/4 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2024 và Báo cáo đánh giá về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đây là năm thứ tám liên tiếp VCCI xây dựng báo cáo này.

Qua đó, phản ánh lại những chuyển động chính sách quan trọng trong năm 2024; đồng thời, thể hiện góc nhìn, quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp đối với những chính sách tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh; cũng như đưa ra một số kiến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động cải cách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn. Báo cáo hướng tới độc giả là các cơ quan quản lý nhà nước cả ở cấp Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và đông đảo những người quan tâm đến pháp luật kinh doanh.

Khai mạc sự kiện, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năm 2024 là năm mà hoạt động xây dựng chính sách diễn ra rất sôi động, thể hiện nỗ lực rất lớn của Nhà nước trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, hướng tới quản lý hiệu quả và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Năm 2024, đã có 31 luật, 182 nghị định, 629 thông tư được ban hành, tăng gấp đôi về số lượng luật so với năm 2023; xu hướng dùng 1 luật sửa nhiều luật cũng đã được rút gọn trình tự. Quy trình lập pháp cũng đã thay đổi 1 cách cơ bản, theo đó đã giảm thời gian soạn thảo, quy trình xây dựng chính sách tách bạch khỏi Chương trình xây dựng Pháp lệnh, soạn thảo văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn và bỏ qua quy trình xây dựng chính sách, thời gian soạn thảo giảm từ 7-10 tháng xuống còn 1-2 tháng, giảm thời gian đăng tải, lấy ý kiến công khai từ 60 ngày xuống 20 ngày và phong cách soạn thảo hướng tới việc Luật chỉ quy định chung và văn bản dưới luật quy định chi tiết...

Báo cáo đã đặt vấn đề về tính thực chất của việc cắt giảm thủ tục liên quan đến đầu tư - kinh doanh. Vì trên thực tế, nhiều đề xuất cắt giảm thủ tục, điều kiện mang tính nhỏ nhặt, cắt giảm trường thông tin trong mẫu hồ sơ, bỏ tài liệu mà nhà nước có; đề xuất sửa đổi các quy định thực tế không còn hiệu lực; ít bãi bỏ ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh, bỏ hẳn thủ tục hành chính. Đáng chú ý, dù có sự phân cấp thủ tục hành chính làm giảm tầng nấc trung gian, nhưng thời gian không giảm.

Báo cáo cũng chỉ ra tư duy tiền kiểm trong các văn bản quy phạm pháp luật kinh doanh còn nặng nề, chưa tạo thuận lợi. Trong nhiều trường hợp, văn bản đưa ra biện pháp quá mức cần thiết; như "ngập ngừng" trong chuyển đổi quản lý xăng dầu theo cơ chế thị trường…

Năm 2024, đã có 31 luật, 182 nghị định, 629 thông tư được ban hành, tăng gấp đôi về số lượng luật so với năm 2023; xu hướng dùng 1 luật sửa nhiều luật cũng đã được rút gọn trình tự. Quy trình lập pháp cũng đã thay đổi 1 cách cơ bản, Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews/TTXVN

Năm 2024, đã có 31 luật, 182 nghị định, 629 thông tư được ban hành, tăng gấp đôi về số lượng luật so với năm 2023; xu hướng dùng 1 luật sửa nhiều luật cũng đã được rút gọn trình tự. Quy trình lập pháp cũng đã thay đổi 1 cách cơ bản, Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews/TTXVN

Thông qua việc theo dõi, phân tích các văn bản được ban hành và lấy ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, VCCI nhận thấy 4 “dòng chảy” chính trong hệ thống pháp luật kinh doanh năm 2024. Đó là cải cách thủ tục hành chính và giảm chi phí tuân thủ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn.

Nhiều quy định đã được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, minh bạch và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Thứ hai, một số chính sách cải cách vẫn chưa thực sự thuận lợi trong thực thi. Nguyên nhân chính là do tư duy quản lý cũ chưa được thay đổi triệt để. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại quy định thiếu linh hoạt, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Thứ ba là chính sách tài chính - thuế có nhiều chuyển động tích cực nhưng vẫn còn những băn khoăn. Nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí được triển khai. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phản ánh một số bất cập trong thực thi như áp lực chi phí, thời gian tuân thủ và sự thiếu đồng bộ trong các quy định pháp luật về thuế. Cuối cùng, chính sách thương mại điện tử đã có những điều chỉnh tích cực nhưng chưa đồng bộ.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Hồng Uy, Trưởng nhóm Kỹ thuật Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - EuroCham) nêu, việc yêu cầu công bố hợp quy có cần thiết không bởi trong thời gian vừa qua, trong vụ 573 nhãn sữa giả, có hàng trăm sản phẩm đã được cơ quan quản lý cấp giấy đăng ký; trong đó xác nhận sản phẩm phù hợp với quy chuẩn, nhưng thực tế lại là hàng giả.

Ông Uy cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước chủ yếu tập trung vào kiểm soát thủ tục công bố hợp quy (tiền kiểm), ít chú trọng hậu kiểm; những kẻ làm hàng giả thì sử dụng giấy đăng ký hợp quy do cơ quan quản lý nhà nước cấp để đánh lừa người tiêu dùng là “chất lượng và an toàn sản phẩm đã được chứng nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước.

Luật sư Phạm Thanh Tuấn, Thành viên Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, chuyên gia pháp lý bất động sản độc lập nêu dẫn chứng hai khía cạnh vướng mắc khi triển khai thực hiện các dự án có sử dụng đất kể từ thời điểm sau ngày 1/8/2024. Thứ nhất, chưa rõ ràng về đấu giá quyền sử dụng đất khi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; thứ hai là hình thức lựa chọn nhà đầu tư và việc tiếp cận đất đai với dự án sân golf vẫn tiếp tục chưa rõ ràng.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận phù hợp các sản phẩm điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, ông Trần Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH ExtendMax Việt Nam cho rằng, thời gian qua, chi phí tuân thủ tăng lên đáng kể, đặc biệt là đối với một số sản phẩm tiêu dùng như máy tính xách tay và điện thoại 5G. Ông Phương dẫn chứng, chi phí thử nghiệm và hợp quy cho điện thoại 5G trước năm 2022 khoảng 70 triệu đồng, sau năm 2022 có giai đoạn tăng lên tới 3 tỷ đồng, giờ ổn định ở mức khoảng 1 tỷ đồng cho 1 model.

“Trong giai đoạn 2023, số lượng kiểu loại điện thoại 5G được một số hãng đưa ra thị trường chỉ còn 1/3 so với giai đoạn năm 2022. Liệu có phải lý do là do chi phí tuân thủ quá cao so với quy mô thị trường", ông Phương đặt câu hỏi. Qua đây, ông Phương đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu biện pháp giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Xét cho cùng thì các chi phí này sẽ làm tăng chi phí đầu vào, dẫn tới tăng giá cả đầu ra.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa việc đánh giá sự phù hợp. Hiện tại toàn bộ Việt Nam mới chỉ có 1 tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định cho việc chứng nhận sản phẩm công nghệ thông tin. Vì vậy ông Phương đề nghị đẩy mạnh xã hội hóa các phòng thử nghiệm và tổ chức chứng nhận hợp quy để cải thiện đáng kể một số vướng mắc điển hình trong thời gian trước đây...

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/go-diem-nghen-dau-tu-de-dong-chay-kinh-doanh-thong-suot/371070.html