Gỡ điểm nghẽn để phát triển thiết chế văn hóa, thể thao

Ngày 12-5, Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề 'Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao' diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VH-TT-DL và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác là phim hợp tác giữa nhà nước và tư nhân theo đơn đặt hàng của Bộ VH-TT-DL

Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác là phim hợp tác giữa nhà nước và tư nhân theo đơn đặt hàng của Bộ VH-TT-DL

Nhà hát không có… chỗ hát

Phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhận định, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp về cơ bản đã thực hiện tốt chức năng. Tuy nhiên, công tác quy hoạch cũng như sự vận hành của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện còn bộc lộ nhiều hạn chế. Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu các thiết chế văn hóa, thể thao diễn ra ở nhiều địa phương.

Minh chứng cụ thể cho nhận định này, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau gần 20 năm thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020, mới chỉ có Bảo tàng Dân tộc học được đầu tư xây dựng (năm 2006), còn các dự án đầu tư xây dựng các bảo tàng cấp quốc gia khác đều chưa thực hiện được theo lộ trình đề ra do không bố trí được nguồn vốn.

Cũng do thiếu kinh phí, các cơ sở nghệ thuật biểu diễn chưa được đầu tư đồng bộ. Hiện còn 4 đơn vị có trụ sở làm việc nhưng… chưa có cơ sở biểu diễn, gồm Nhà hát Nhạc, vũ kịch Việt Nam; Nhà hát Cải lương Việt Nam; Nhà hát Kịch Việt Nam; Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Ngược lại, có đơn vị đã có cơ sở biểu diễn nhưng lại chưa có trụ sở làm việc riêng, như Nhà hát Chèo Việt Nam. Về thể thao, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tập luyện của vận động viên; tỷ lệ đáp ứng của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TPHCM còn thấp hơn, chỉ 30%.

Tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng phương thức PPP

Trình bày tham luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, xã hội hóa các công trình văn hóa, thể thao đã là một “thương hiệu” của TPHCM với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao vào diện phát triển nhất cả nước.

Mặc dù vậy, sự phát triển của các thiết chế văn hóa, thể thao vẫn chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu và sự kỳ vọng của thành phố. Một thuận lợi quan trọng đối với TPHCM là Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 (về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM), cho phép thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

Tuy nhiên, việc ban hành khung pháp lý hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị quyết 98 của các bộ, ngành có liên quan chưa kịp tiến độ đề ra, do đó, thành phố chưa có cơ sở để triển khai. Hiện nay, việc thực hiện đầu tư dự án theo cơ chế đặc thù của TPHCM vẫn phải như quy trình, thủ tục các bước của Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và rất nhiều quy định pháp luật khác.

Ước tính thời gian thực hiện một dự án PPP tối thiểu khoảng 3 năm, trong khi yêu cầu và mục đích của nhà đầu tư là thời gian thực hiện ngắn, sớm đưa công trình vào vận hành, kinh doanh đầu tư, phát triển hoạt động dịch vụ. “Hình thức hợp đồng hiện nay gồm tới 7 loại. Việc chọn loại nào để thực hiện phù hợp với thiết chế văn hóa, thể thao vẫn là bài toán khó, đòi hỏi phải có sự hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức băn khoăn.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ, do tính chất đặc thù, hiện tại hình thức PPP chưa được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, mà mới chỉ thí điểm cho TPHCM và tới đây là Hà Nội (quy định trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi). Theo Thứ trưởng, TPHCM cần nghiên cứu kỹ để lựa chọn được những dự án phù hợp nhất, có tiềm năng lợi nhuận cao để kêu gọi đầu tư.

Nhìn nhận có rất nhiều phương thức đầu tư PPP và việc lựa chọn loại nào trong số 7 phương thức hiện hành để vừa đảm bảo quản lý đúng định hướng, vừa khuyến khích được nhà đầu tư, đồng thời phòng tránh tiêu cực là không hề đơn giản, đại diện lãnh đạo Bộ KH-ĐT cam kết đồng hành với TPHCM trong quá trình thực hiện chính sách. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đề nghị Bộ VH-TT-DL làm rõ những tiêu chí lựa chọn phương thức PPP phù hợp cho từng loại dự án cụ thể.

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu các cơ quan hữu quan nghiên cứu hoàn thiện chính sách đầu tư phát triển và vận hành hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; hoàn thiện quy hoạch; ưu tiên bố trí kinh phí có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu cụ thể…

Nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách và nguồn lực để phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đề nghị xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn; sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan đảm bảo sự đồng bộ, cộng hưởng với pháp luật về văn hóa, thể thao tạo động lực xây dựng, phát huy hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Người đứng đầu Bộ VH-TT-DL cũng đề nghị xem xét thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; đảm bảo mức chi ngân sách nhà nước cho văn hóa, thể thao theo mục tiêu được đề ra tại Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030…

ANH THƯ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/go-diem-nghen-de-phat-trien-thiet-che-van-hoa-the-thao-post739568.html