Gỡ điểm nghẽn thu hút đầu tư vào du lịch

Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến đầu tư du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, vẫn còn nhiều trở ngại, đòi hỏi những chính sách thu hút đầu tư dài hạn, hỗ trợ cho doanh nghiệp và nâng cấp hạ tầng để đón xu hướng phát triển ngành kinh tế xanh.

Các cơ sở lưu trú du lịch phát triển mạnh trong những năm gần đây.

Các cơ sở lưu trú du lịch phát triển mạnh trong những năm gần đây.

Số lượng cơ sở lưu trú tăng mạnh

Tại Hội thảo khoa học “Những xu hướng mới trong đầu tư phát triển du lịch ở Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tổ chức mới đây, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, ông Phạm Văn Thủy thông tin: “Việt Nam xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn với tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2023, Việt Nam đã đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 3,4 lần so với năm 2022”.

Những con số tích cực này khẳng định tiềm năng và sức hấp dẫn của ngành du lịch, song để khai thác triệt để lợi thế này, cần tiếp tục đổi mới chính sách và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thực tế, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm thu hút dòng vốn vào các dự án du lịch, từ hạ tầng giao thông đến đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng và dịch vụ giải trí. Nguồn vốn đầu tư vào du lịch đã đạt hàng chục ngàn tỷ đồng, cả vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo ông Phạm Văn Thủy, việc áp dụng mô hình hợp tác công - tư (PPP) đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp phát triển nhanh chóng hạ tầng và mở rộng thị trường du lịch.

Ông Kim Young Jun, Viện Nghiên cứu văn hóa du lịch Hàn Quốc đánh giá, Việt Nam có lợi thế về cảnh quan tự nhiên và nguồn tài nguyên thiên nhiên phù hợp cho du lịch sức khỏe. Việc phát triển chính sách ưu đãi cho loại hình này sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư lớn.

Cũng tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Huyền Trang (Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế) cho biết, 20 năm trở lại đây, đầu tư vào các cơ sở lưu trú tại Việt Nam đã tăng mạnh, từ 12.350 cơ sở (năm 2010), lên 33.330 cơ sở (năm 2023), với tổng số 667.000 buồng phòng. Sự gia tăng này phản ánh sức hấp dẫn của thị trường du lịch Việt Nam, khi ngày càng nhiều nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội ở phân khúc khách sạn, khu nghỉ dưỡng và căn hộ du lịch.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cả nước hiện có 239 dự án bất động sản du lịch với hơn 114.000 căn condotel (căn hộ khách sạn), 24.400 biệt thự nghỉ dưỡng và 30.900 shophouse. Giá trị ước tính của các loại hình này lên tới 681.800 tỷ đồng, tương đương khoảng 30 tỷ USD.

Xu hướng du lịch xanh và bền vững ngày càng phổ biến, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn bảo vệ môi trường và các giá trị văn hóa bản địa. Ông Vũ Văn Tuyên, CEO Travelogy Việt Nam nhận định, du khách ngày càng quan tâm đến các dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường. Theo khảo sát, 96,7% người tiêu dùng từng nghe đến khái niệm du lịch bền vững, cao hơn nhiều so với mức 75,3% vào năm 2022. Các điểm đến như Ninh Bình và Hội An, nơi du lịch xanh phát triển, đang thu hút lượng lớn khách quốc tế.

Du lịch chăm sóc sức khỏe cũng mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới. Business Insider dự báo, thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe toàn cầu dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Việt Nam, với đường bờ biển dài và nguồn nước khoáng phong phú, hoàn toàn có thể phát triển các khu nghỉ dưỡng sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp cao cấp.

Hạ tầng giao thông - nền tảng để du lịch phát triển

Một yếu tố quan trọng không thể thiếu để phát triển ngành kinh tế xanh là hạ tầng giao thông. Theo ông Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thiện mạng lưới gồm 41 tuyến cao tốc và 25 tuyến đường sắt vào năm 2050, đồng thời mở rộng 33 cảng hàng không và 36 cảng biển quốc tế. Hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt giúp kết nối các điểm đến, cải thiện khả năng tiếp cận và tạo điều kiện phát triển bền vững cho du lịch.

“Các địa phương nên linh hoạt tận dụng nguồn lực đa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào hạ tầng giao thông tại những khu vực còn khó khăn. Việc đầu tư vào giao thông không chỉ thúc đẩy ngành du lịch, mà còn hỗ trợ các ngành kinh tế khác phát triển”, ông Phạm Hoài Chung khuyến nghị.

Mặc dù có nhiều cơ hội, song ngành du lịch Việt Nam vẫn còn đối mặt với những thách thức trong việc thu hút đầu tư. Ông Phạm Văn Thủy cho rằng, nhiều địa phương còn thiếu chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể, đặc biệt là các vùng khó khăn nhưng có tiềm năng du lịch lớn.

Bên cạnh đó, còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch. Chính phủ cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các nhà đầu tư quốc tế và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Để hấp dẫn đầu tư, phát triển cơ sở lưu trú du lịch bền vững, bà Nguyễn Thanh Bình đề xuất các địa phương có nguồn ngân sách phù hợp cho các chương trình kích cầu du lịch, phát triển loại hình du lịch mới dựa trên lợi thế từng vùng miền để nâng cao công suất cho cơ sở lưu trú du lịch. Có chính sách hỗ trợ các cơ sở lưu trú du lịch trong công tác chuyển đổi số, đào tạo nhân sự. Tổ chức các hoạt động tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có sáng kiến cải tiến chất lượng, cung cấp dịch vụ lưu trú du lịch chất lượng tốt, được khách du lịch đánh giá cao; phối hợp Ban thư ký ASEAN trao Giải thưởng du lịch ASEAN hàng năm. Đề nghị Bộ Công thương sớm có chính sách ưu tiên giá điện để giảm giá đầu vào cho các cơ sở lưu trú du lịch. Đồng thời, áp dụng mức thuế hợp lý hơn đối với các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Hồ Hạ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/go-diem-nghen-thu-hut-dau-tu-vao-du-lich-d229438.html