Gỡ khó cho các dự án trong phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt thuộc danh mục di sản thế giới

Trong phiên thảo luận toàn thể sáng nay, 23.5, về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) đã nêu nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ liên quan đến các dự án thuộc khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc danh mục di sản thế giới.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Doãn Tấn

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Doãn Tấn

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, tại Khoản 3, Điều 32 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã quy định: "việc xây dựng công trình bảo vệ, phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với Di tích quốc gia và Di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch" và hiện chưa có quy định cụ thể cho các dự án khác.

Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch dự án, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, đại biểu cho biết: Khoản 2, Điều 18, Nghị định 166/NĐ-CP của Chính phủ quy định "Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc thủ trưởng bộ, ngành được giao quản lý trực tiếp di tích phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế, kỹ thuật tu bổ di tích".

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Nghị định 109/NĐ-CP thì "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thẩm định nhiệm vụ quy hoạch tổng thể di sản thế giới, quy hoạch đề án, dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di sản thế giới, dự án cải tạo công trình xây dựng có nguy cơ ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu của di sản theo hướng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan".

Về pháp luật đầu tư, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật nhà ở, Luật đấu thầu, Luật điện lực, Luật doanh nghiệp, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thi hành án dân sự (Luật số 03/2022/QH15) thì các dự án phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa không phân biệt quy mô, diện tích, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di sản được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc danh mục di sản thế giới đều đang thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 5, Điều 41, Luật Đầu tư 2020: "cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thì có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư dẫn đến dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của cấp cao hơn thì cấp đó có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của điều này".

Dẫn chứng các quy định nêu trên, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: trong thực tiễn liên quan đến các dự án thuộc khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, hiện nay vẫn chưa có các quy định cụ thể về xác định các dự án thương mại, dịch vụ và dự án khác xây dựng trong vùng lõi, vùng đệm di sản thuộc đối tượng dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích, công trình bảo vệ di tích. Do đó, việc áp dụng quy định về ý kiến thỏa thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện đang được xem xét, thẩm định theo trường hợp "xây dựng công trình nằm ngoài khu vực Di sản thế giới và vùng đệm của khu vực Di sản thế giới có nguy cơ ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và quy định của pháp luật liên quan (quy định Khoản 2, Điều 18, Nghị định 109/NĐ-CP).

"Như vậy, hiện vẫn chưa có hướng dẫn, tiêu chí cụ thể để xác định nguy cơ ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới", ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà nhận định.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Đối với các dự án thuộc nhóm đối tượng chuyển tiếp của Luật Đầu tư năm 2014, hiện đang quy định: điều chỉnh không mở rộng quy mô dự án và cho thuê đất; do đó không thuộc đối tượng phải điều chỉnh chủ trương đầu tư khi điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 117 Nghị định số 31 của Chính phủ. Vì vậy, việc áp dụng thực hiện ý kiến thỏa thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thông tin đến Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO và Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên thế giới để làm cơ sở triển khai dự án, triển khai đánh giá tác động di sản, đánh giá tác động môi trường theo Công ước của Di sản thế giới và các tiêu chí hướng dẫn tại các cơ quan ở địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà cũng nhấn mạnh, các khu vực bảo vệ di tích đã được quy định rõ tại Khoản 1, Điều 32 của Luật Di sản văn hóa. Tuy nhiên, theo Điểm g1, Điều 3 của Luật số 03/2022/QH15 thì các dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản, không phân biệt quy mô diện tích, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II và thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích đều thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.

"Quy định như vậy đang tạo ra bất cập về thủ tục hành chính cho địa phương, doanh nghiệp, người dân; khiến thời gian thực hiện thủ tục pháp lý của dự án kéo dài, đánh mất cơ hội đầu tư", đại biểu nhận định. Đồng thời, cho biết: thực tế nhiều dự án nhỏ mang tính chất phục vụ an sinh xã hội và có tính cấp thiết cần thực hiện nhanh để bảo đảm an sinh xã hội cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phải trình cấp trên duyệt sẽ tốn rất nhiều thời gian. Đơn cử như các dự án nhà ở xã hội, các dự án chung cư cho người thu nhập thấp, các dự án tái định cư hay là một số khu đất dự án của các doanh nghiệp dù đã được cấp có thẩm quyền cấp ở các quy hoạch lớp trên, song các chủ đầu tư muốn thực hiện vẫn phải quay lại làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà kiến nghị: sửa đổi nội dung tại điểm g1 của Khoản 1, Điều 3 Luật số 03/2022/QH15 về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo hướng giao cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới khi có ý kiến thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Mạnh Tuân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/y-kien-dai-bieu/go-kho-cho-cac-du-an-trong-pham-vi-khu-vuc-bao-ve-ii-cua-di-tich-quoc-gia-dac-biet-thuoc-danh-muc-di-san-the-gioi-i329809/