Gỡ khó cho đương sự trong vụ án dân sự

Hướng đến hoàn thiện Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015, các chuyên gia cho rằng cần 'cởi trói' quy định về tạm ứng chi phí tố tụng nhằm bảo đảm quyền lợi của đương sự

Bộ Luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng là một trong những nghĩa vụ chính của đương sự. Chi phí này có thể dùng để thu thập chứng cứ cần thiết như: xem xét tại chỗ, định giá tài sản, giám định hoặc triệu tập người làm chứng...

Mất quyền khởi kiện

Luật sư Trà Thị Thu Thảo (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận định đây là một điểm mới so với BLTTDS năm 2004 nhằm khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, góp phần thúc đẩy quá trình giải quyết vụ án thuận tiện và nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng đã chỉ ra rằng những quy định hiện hành vẫn chưa cụ thể, thống nhất để bảo đảm được sự cân bằng trong quyền và lợi ích của đương sự. Có vụ án mà đương sự không thể nộp tiền tạm ứng án phí vì gặp khó khăn tài chính, dẫn đến vụ án của họ bị đình chỉ. Điều này đồng nghĩa họ mất quyền khởi kiện dù vụ việc của họ có thể có căn cứ để được tòa án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Theo các chuyên gia, những trường hợp này không hiếm gặp và đã gây ra nhiều bức xúc trong xã hội, đặc biệt là trong những vụ án liên quan đến quyền lợi thiết yếu như tranh chấp đất đai, thừa kế hay các tranh chấp dân sự khác.

ThS Liên Đăng Phước Hải, giảng viên Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), dẫn chứng một trường hợp mà ông đã gặp trong quá trình trợ giúp pháp lý. Cụ thể, một người lao động nghèo bị công ty sa thải đã khởi kiện công ty ra tòa. Công ty đưa ra biên bản xử lý kỷ luật lao động để hợp thức hóa việc sa thải này. Tuy nhiên, người lao động kiên quyết khẳng định rằng mình không ký vào biên bản đó. Vì vậy, tòa án cho rằng vấn đề giám định chữ ký là cần thiết. Đây là một trong số danh sách những tài liệu mà tòa xác định cần được giám định.

Nhưng người lao động gặp phải khó khăn vì tính riêng chi phí giám định chữ ký lên đến 15 triệu đồng, trong khi thu nhập hằng tháng của người này chỉ 5 triệu đồng. Để giúp người lao động, ông Hải hướng dẫn người này làm đơn chứng nhận hộ nghèo để được giảm chi phí giám định. Dù vậy, khi nộp lên tòa án thì tòa cho rằng chi phí này không có cơ chế để giảm nên yêu cầu người lao động phải nộp đủ 15 triệu đồng, trong vòng 7 ngày, nếu không sẽ đình chỉ giải quyết vụ án.

Do đó, người lao động có yêu cầu giám định số lượng tài liệu ít hơn. Sau yêu cầu này, danh sách cần giám định vẫn rất dài. Cuối cùng, người lao động phải vay mượn bên ngoài để có đủ số tiền nộp chi phí giám định.

Sau khi đã nộp chi phí này, lại phát sinh chi phí tạm ứng cho vụ án sơ thẩm là 10 triệu đồng. Đến khi vụ án đưa lên xét xử phúc thẩm, tòa án lại thông báo chi phí tạm ứng lên tới 15 triệu đồng. Người lao động không có cơ sở để phản đối các mức tạm ứng trên mà buộc phải chịu gánh nặng chi phí này trong quá trình tố tụng.

ThS Liên Đăng Phước Hải, giảng viên Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), phát biểu tại hội thảo Ảnh: Trường ĐH Kinh tế - Luật

ThS Liên Đăng Phước Hải, giảng viên Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), phát biểu tại hội thảo Ảnh: Trường ĐH Kinh tế - Luật

Ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự

Góp ý về nội dung này tại hội thảo khoa học Hướng đến hoàn thiện BLTTDS năm 2015 do Trường ĐH Kinh tế - Luật tổ chức vừa qua, thẩm phán Sỹ Hồng Nam, Phó chánh Văn phòng TAND TP HCM, cho rằng việc đình chỉ giải quyết vụ án khi đương sự không hoàn tất việc tạm ứng án phí, trong điều kiện không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của đương sự mà có thể là vì hoàn cảnh nhất định, sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Thực tế cho thấy nếu đương sự không nộp các chi phí tố tụng tạm ứng thì tòa án không có ngân sách để thực hiện. Chẳng hạn, trong các vụ án người dân đi kiện vì nhà cửa bị lún, nứt thì chi phí giám định xây dựng có thể từ vài chục đến cả trăm triệu đồng, vì chỉ có những đơn vị đặc thù mới có chức năng giám định. Thẩm phán Nam cho rằng để góp phần giải quyết những bất cập trên thì nên xem xét đến trách nhiệm xã hội của một số doanh nghiệp có chức năng đặc thù giám định. Cụ thể, doanh nghiệp cần có trách nhiệm xã hội đối với những người yếu thế ngoài việc tòa án sẽ áp dụng các căn cứ để người yếu thế được hưởng một số chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, vì thời gian giải quyết một vụ án dân sự có rất nhiều giai đoạn, dẫn đến có thể phát sinh chi phí sau khi đã nộp một khoản tạm ứng. Nếu như BLTTDS năm 2004 quy định ai có yêu cầu phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án dân sự thì phải nộp chi phí tạm ứng đối với yêu cầu này thì BLTTDS năm 2015 có điểm đổi mới là ai có yêu cầu khởi kiện thì phải nộp dự trù cả khoản chi phí phát sinh, tránh trường hợp không có ai nộp. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể về việc phải nộp tạm ứng bao nhiêu đối với các khoản chi phí này. Trong khi quá trình giải quyết vụ án có các chi phí do tòa thực hiện như chi phí mời các cơ quan khác thẩm định tại chỗ… là khá cao. Theo ông Sỹ Hồng Nam, hiện có nhiều đương sự khiếu nại về các chi phí này khi có vụ án phát sinh lên tới vài chục triệu đồng. Đây là điều mà tòa án rất cần được hướng dẫn cụ thể.

Ông Nam cũng cho rằng việc đình chỉ giải quyết vụ án khi đương sự không hoàn tất việc tạm ứng án phí là chưa hợp lý vì bản chất là chưa giải quyết vụ án, chỉ nên dừng lại ở hậu quả pháp lý là nếu đương sự đã nộp một khoản chi phí tạm ứng trước đó thì sẽ bị mất chi phí này. Do đó, nếu đương sự có đủ điều kiện thì vẫn có quyền khởi kiện lại.

Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật, luật sư Trà Thị Thu Thảo cũng nhìn nhận pháp luật nói chung và BLTTDS năm 2015 cần có những sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn phù hợp, cụ thể để các quy định về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do đương sự không nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng được áp dụng hiệu quả, thống nhất trên thực tiễn.

Trần Thái

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/go-kho-cho-duong-su-trong-vu-an-dan-su-19624061920211434.htm