Gỡ nút thắt cuối cho cao tốc Bến Lức - Long Thành
Việc bố trí phần vốn còn lại để hoàn thiện Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện chỉ còn vướng một chi tiết mang tính kỹ thuật: cơ chế thu tiền sử dụng dịch vụ đối với các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, khai thác.
Đợi chốt cơ chế thu phí
VEC và các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương hoàn tất những chi tiết cuối cùng liên quan đến phương án bố trí phần vốn còn lại để hoàn thành Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành).
Cuối tuần trước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có Công văn số 898/UBQLV-CNHT gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về phương án bố trí nguồn vốn để hoàn thành các hạng mục còn lại của Dự án.
Điểm đặc biệt trong công văn này là việc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan chủ quản của VEC) chỉ đề nghị Bộ GTVT (cấp quyết định đầu tư Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành) một nội dung duy nhất: làm rõ cơ chế thu tiền sử dụng dịch vụ đối với các tuyến cao tốc do VEC đang quản lý, khai thác.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, trong các văn bản đề xuất phương án bố trí phần vốn còn lại để hoàn thành Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, VEC đều đề xuất sử dụng nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ để bố trí vốn cho Dự án. Tuy nhiên, tại Văn bản số 714/BC-VEC ngày 24/3/2023, VEC lại đề xuất chuyển sang “thực hiện theo cơ chế giá” áp dụng theo Điều 24, Luật Phí và lệ phí.
Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các dự án đường bộ cao tốc do VEC quản lý, trong đó có cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển sang cấp phát ngân sách nhà nước một phần từ các khoản vay lại nguồn vốn ODA của Chính phủ; VEC tiếp tục vay lại vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, nợ vay trái phiếu Chính phủ.
Trường hợp xác định dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh thuộc danh mục Nhà nước định giá, thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ.
Đối với dịch vụ sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, Bộ Tài chính có Công văn số 2254/BTC-QLG ngày 13/3/2023 gửi Chính phủ về việc thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước đối với các dự án đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Bên cạnh đó, tại cuộc họp ngày 8/2/2023, lãnh đạo Bộ Tài chính và Lãnh đạo Bộ GTVT thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về việc thí điểm thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước đối với các dự án đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Trước đó, cũng với nội dung trên, Bộ Tài chính đã có Công văn số 4778/BTC-QLN đề nghị Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trao đổi với Bộ GTVT để làm rõ cơ chế thu tiền sử dụng dịch vụ đối với các dự án do VEC quản lý, trên cơ sở đó báo cáo cấp có thẩm quyền hoặc xử lý theo thẩm quyền các nội dung liên quan.
Lo đủ dòng tiền
Theo một cán bộ của VEC, việc áp dụng cơ chế thu tiền sử dụng dịch vụ đối với các tuyến cao tốc do VEC đang quản lý, khai thác theo phí hay giá là vấn đề kỹ thuật, không ảnh hưởng đến bản chất dòng tiền cũng như kế hoạch sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi để hoàn thiện các hạng mục còn lại của Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
“Đây cũng là nguồn vốn khả thi duy nhất để hoàn thiện các hạng mục còn lại của Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành trong bối cảnh Hiệp định vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ nhất cho đoạn tuyến phía Tây đã đóng vào ngày 30/6/2019, không được gia hạn do tại thời điểm đó vướng mắc về thủ tục pháp lý trong nước”, vị cán bộ này thông tin.
Trước đó, vào tháng 11/2022, Bộ GTVT đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Ngoài việc nới tiến độ hoàn thành công trình đến tháng 9/2025, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn và cơ chế tài chính của Dự án, bao gồm việc sử dụng hơn 5.166 tỷ đồng vốn từ nguồn thu phí nhàn rỗi, chưa đến kỳ trả nợ để bổ sung vốn đối ứng, hoàn thiện các đoạn tuyến phía Tây, hệ thống trạm thu phí, nhà điều hành, hoàn thiện nút giao với Quốc lộ 51 và thanh toán các chi phí phát sinh cho các nhà thầu do phải dừng chờ thi công kéo dài…
Theo VEC, tại thời điểm 31/12/2022, đơn vị đang có khoảng 10.700 tỷ đồng, bao gồm: một phần vốn điều lệ được cấp, quỹ đầu tư phát triển chưa sử dụng, nguồn khấu hao tài sản cố định, sửa chữa lớn chưa chi, phải trả nhà thầu, tiền thuế GTGT, thuế và lợi nhuận phải nộp…
Tại Công văn số 4778/BTC-QLN, Bộ Tài chính cho rằng, trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định khoản thu sử dụng các đường cao tốc do VEC quản lý là thu giá dịch vụ và VEC đã hạch toán doanh thu sản xuất - kinh doanh, đảm bảo đầy đủ nghĩa vụ trả nợ đã cam kết, thực hiện nghĩa vụ thuế, nộp lợi nhuận về ngân sách, trích lập các quỹ theo đúng quy định pháp luật..., thì khoản dư tiền tại ngày 31/12/2022 hình thành từ kết quả sản xuất - kinh doanh và là các nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị VEC căn cứ quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 20, Nghị định số 94/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công để thực hiện.
Được biết, vào cuối tháng 3/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành báo cáo kết quả thẩm định và đang chờ giải trình của Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC, trong đó có phương án bố trí phần vốn còn lại để hoàn thành Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
“Căn cứ tình hình tài chính hiện nay, VEC khẳng định, sau khi cân đối trả nợ các khoản vay theo đúng kỳ hạn đã cam kết, nguồn vốn hợp pháp của VEC đảm bảo đủ để cân đối vốn cho các hạng mục, công việc trong Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành”, lãnh đạo VEC cho biết.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài 57,8 km; tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, sử dụng 3 nguồn vốn: vay ADB, vay JICA và vốn đối ứng (5.689,7 tỷ đồng); gồm 11 gói thầu xây lắp chính.
Dự án được khởi công từ tháng 7/2014, các đoạn tuyến sử dụng các nguồn vốn khác nhau, nên không triển khai đồng thời tại cùng thời điểm khởi công.
Từ đầu năm 2019, Dự án đang trong quá trình thực hiện thì gặp nhiều vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật, dẫn đến không được bố trí vốn, Dự án bị dừng, giãn tiến độ. Các nhà thầu dừng thi công từ giữa năm 2019, một số nhà thầu đã chấm dứt hợp đồng và khởi kiện VEC để yêu cầu đền bù chi phí phát sinh.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/go-nut-that-cuoi-cho-cao-toc-ben-luc---long-thanh-d190371.html