Gỡ 'nút thắt' thể chế để doanh nghiệp bứt phá
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang đối mặt với những rào cản thể chế khiến họ khó thâm nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững. Đó là chính sách thiếu minh bạch, thủ tục hành chính rườm rà, chi phí tuân thủ cao… Các nút thắt này đòi hỏi phải được tháo gỡ triệt để, không chỉ để cải thiện môi trường kinh doanh, mà còn tạo đột phá, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp.
Gánh nặng cản bước doanh nghiệp
Doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang phải đối mặt với những rào cản thể chế lớn, hạn chế khả năng cạnh tranh và phát triển. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược Trần Thị Hồng Minh cho rằng, phần lớn doanh nghiệp trong nước hoạt động đơn lẻ, thiếu chủ động trong việc thiết lập quan hệ đối tác và liên kết. Điều này khiến họ khó thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thống kê cho thấy, hiện chỉ khoảng 300 trong số hơn 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp FDI, và chủ yếu cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đơn giản có giá trị gia tăng thấp.
Bà Minh nhận định, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chưa đủ mạnh để khuyến khích đầu tư, nâng cao năng lực, và tham gia vào chuỗi cung ứng trong nước lẫn quốc tế. Việt Nam thiếu các chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, đặc biệt là các ưu đãi về thuế, tiếp cận vốn, bảo lãnh tín dụng, và mặt bằng sản xuất kinh doanh được thiết kế dựa trên mức độ tham gia vào chuỗi giá trị. Các quy định hiện hành cũng chưa đủ thông thoáng để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các hình thức cấp vốn theo chuỗi cung ứng, khiến nhiều cơ hội bị bỏ lỡ.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cũng chỉ ra những bất cập trong Luật Đấu thầu, tạo ra rào cản lớn cho doanh nghiệp. Ông chia sẻ trường hợp một doanh nghiệp trúng thầu dự án theo hình thức liên danh tại một tỉnh miền núi, nhưng sự rút lui bất ngờ của đối tác đã đẩy doanh nghiệp vào vòng luẩn quẩn suốt 8 tháng mà không có giải pháp pháp lý. Nguyên nhân sâu xa nằm ở sự thiếu minh bạch và rõ ràng trong các văn bản chính sách. Ông Hiệp còn chỉ ra những rào cản thủ tục hành chính trong lĩnh vực bất động sản với nhiều thủ tục vẫn rườm rà, kéo dài, và yêu cầu tới 5-6 con dấu. Ông kiến nghị, cần cải cách mạnh mẽ, hướng tới chỉ cần một con dấu duy nhất để tạo điều kiện thuận lợi thực chất cho doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp lên tiếng về nhu cầu tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng và hiệu quả hơn
Đột phá để khơi thông nguồn lực
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước biến động, cải cách thể chế cần tạo ra những đột phá mạnh mẽ để khơi thông nguồn lực. Thể chế, vốn là công cụ thiết yếu để Nhà nước quản lý, có nguy cơ trở thành rào cản nếu không được xây dựng và thực thi một cách hiệu quả. Hiện nay, ngoài các thủ tục hành chính, doanh nghiệp còn chịu nhiều chi phí như phí, lệ phí, chi phí tuân thủ, chi phí cơ hội, và các chi phí không chính thức, làm gia tăng gánh nặng vận hành.
Trên cơ sở đó, ông Hiếu đề xuất 3 nhiệm vụ cấp bách để cải cách thể chế, bao gồm nâng cao chất lượng các quy định hiện hành; tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật theo đúng tinh thần của các bộ luật; và đảm bảo tính thống nhất, chất lượng của các quy định pháp luật mới ban hành. Thay vì chỉ sửa đổi, ông kiến nghị bãi bỏ các quy định, văn bản, nghị định không còn phù hợp sau quá trình rà soát kỹ lưỡng. Ông cũng đề xuất thành lập một cơ quan chuyên môn có thẩm quyền để giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế, chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng quy trình soạn thảo văn bản, xác định các lĩnh vực trọng tâm cần cải thiện, hệ thống hóa công tác cải cách; làm đầu mối phối hợp, và xây dựng các công cụ, hướng dẫn, đào tạo để cập nhật các thông lệ quốc tế.
Bà Minh bổ sung, việc tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, pháp luật, và môi trường kinh doanh là nhiệm vụ cấp thiết. Cải cách cần tập trung vào cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính thông qua chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hạ tầng số đồng bộ, an ninh, và hiệu quả, coi đây là nền tảng để quản lý nhà nước trên môi trường số, đạt được mục tiêu giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Việc hoàn thiện, kết nối, và chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia, ngành và doanh nghiệp sẽ tạo ra một hệ thống thông tin thống nhất, liên thông, giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn.
Các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn có một môi trường kinh doanh thông thoáng, nơi các rào cản về thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, và chính sách thiếu minh bạch được gỡ bỏ, tạo điều kiện để bứt phá và nâng cao vị thế cạnh tranh.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/go-nut-that-the-che-de-doanh-nghiep-but-pha-163917.html