Gỡ 'rào thủ tục' với thương mại điện tử
Sau hơn một thập niên phát triển, thương mại điện tử đã trở thành kênh kinh doanh chủ lực của hàng trăm ngàn doanh nghiệp. Tuy vậy, vẫn có những thủ tục hành chính không cần thiết, ít hiệu quả quản lý đang cản trở dòng chảy số hóa của nền kinh tế.

Thương mại điện tử là một phần thiết yếu của kinh tế số. Ảnh: N.K
Gánh nặng thủ tục thông báo trang web bán hàng
Đầu năm nay, một nhóm bạn trẻ tại Đà Nẵng khởi nghiệp với mô hình bán đồ thủ công mỹ nghệ qua mạng. Họ lập một trang web giới thiệu sản phẩm, cho phép khách đặt hàng, thanh toán trực tuyến. Mọi thứ tưởng chừng thuận lợi, cho đến khi họ phải thực hiện thủ tục thông báo với Bộ Công Thương theo quy định hiện hành.
“Chúng tôi khá bất ngờ khi phải làm thủ tục thông báo cho một trang web chỉ là kênh bán hàng riêng của chính mình. Dù quy trình điện tử nhưng vẫn mất thời gian, gây tâm lý e ngại khi mới bắt đầu kinh doanh”, nhóm bạn trẻ chia sẻ.
Câu chuyện trên không phải cá biệt. Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2023, có tới hơn 105.000 hồ sơ thông báo trang web thương mại điện tử (TMĐT) bán hàng được nộp, cho thấy khối lượng thủ tục hành chính mà doanh nghiệp đang phải gánh là không hề nhỏ.
Nghị định 52/2013/NĐ-CP, văn bản pháp luật nền tảng cho quản lý TMĐT, được ban hành trong thời kỳ lĩnh vực này còn mới mẻ, khi các rủi ro chưa được nhận diện rõ ràng. Với tâm thế “thận trọng”, nhiều thủ tục hành chính được thiết lập nhằm kiểm soát chặt chẽ các rủi ro của TMĐT, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi chưa thể lường hết các tác động của hoạt động này.
Việc nghiên cứu, xác định lại rủi ro của các hoạt động TMĐT để cắt giảm thủ tục hành chính và đẩy mạnh sang hậu kiểm là rất cần thiết để TMĐT phát triển mạnh hơn nữa và đóng góp cho tăng trưởng nhiều hơn.
Sau hơn một thập niên phát triển, TMĐT đã bước sang giai đoạn hoàn toàn khác. Sự bùng nổ kinh tế số giúp quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam năm 2024 đạt hơn 25 tỉ đô la Mỹ, tăng 20% so với năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong nhiều năm tới. Không chỉ các “ông lớn” như Shopee, Lazada, Tiki chiếm lĩnh thị trường, hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và cá nhân cũng đang tận dụng không gian mạng để bán hàng, quảng bá thương hiệu.
Trong điều kiện như vậy, Nghị định 85/2021/NĐ-CP đã điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ yêu cầu, chỉ bắt buộc thông báo với các trang web có chức năng đặt hàng trực tuyến. Dù vậy, với hơn 42% trang web TMĐT hiện nay có chức năng đặt hàng, theo khảo sát của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thì việc thông báo vẫn mang tính đại trà, không khác biệt nhiều so với quy định cũ.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trang web TMĐT bán hàng do thương nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động kinh doanh của chính mình. Như vậy, về bản chất, đây chỉ là một kênh bán hàng mới (trên Internet) bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, không phải là một công việc kinh doanh mới. Trong khi đó, các thương nhân đã phải thực hiện các thủ tục đăng ký với Nhà nước trước khi bắt đầu kinh doanh (đăng ký kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa). Việc thương nhân khi triển khai thêm một kênh bán hàng trên Internet phải thực hiện thêm thủ tục thông báo vô hình chung tạo ra gánh nặng hành chính không cần thiết.
Hơn nữa, đến nay, cũng chưa hề có phản ánh tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội từ việc các doanh nghiệp không đăng ký trang web TMĐT bán hàng. Chưa kể, thông tin thông báo chủ yếu được doanh nghiệp tự kê khai, cơ quan quản lý cũng không đủ nguồn lực để kiểm tra chéo hay xử lý kịp thời khi có sai phạm, nên hiệu quả giám sát rất thấp. Điều này có nghĩa hiệu quả quản lý nhà nước của thủ tục này là không rõ ràng.
Quản lý “đánh đồng” các sàn thương mại điện tử
Một thủ tục khác cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp đó là yêu cầu tất cả sàn TMĐT, bất kể quy mô và hình thức hoạt động, đều phải thực hiện thủ tục cấp phép trước khi hoạt động.
Đại diện một startup cung cấp nền tảng bán hàng cho các làng nghề chia sẻ: “Chúng tôi chỉ làm sàn trung gian, cho phép người bán giới thiệu sản phẩm, còn giao dịch được thực hiện bên ngoài. Tuy nhiên, vẫn phải xin giấy phép như các sàn lớn tích hợp ví điện tử, kho vận, giao hàng... Điều đó gây khó khăn, thậm chí làm nản lòng người khởi nghiệp”.
“Phương thức quản lý đánh đồng như vậy chưa hợp lý”, VCCI nhận định và nêu ra hai lập luận. Thứ nhất, việc này không phù hợp với các sàn TMĐT nhỏ, khiến các sàn này hoặc sàn mới phát hành thử nghiệm (startup) bị quản lý quá chặt. Trong khi đó, so với mạng xã hội, một lĩnh vực có tính chất và tác động tương tự, pháp luật cũng cho phép quản lý lỏng với các mạng xã hội nhỏ. Cụ thể, theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP, mạng xã hội có lượt truy cập thường xuyên thấp chỉ cần thực hiện thủ tục thông báo, nếu đủ lớn mới cần thực hiện thủ tục cấp phép.
Thứ hai, quy định như vậy không phù hợp với tính chất hoạt động của một số sàn TMĐT, ví dụ như câu chuyện trên. Có những sàn TMĐT chỉ cho phép người bán đăng tải thông tin về sản phẩm. Việc giao dịch giữa các bên (giao kết, thanh toán, vận chuyển) đều thực hiện thông qua các phương thức khác (như điện thoại, chat...). Thực chất, các sàn TMĐT này chỉ như một kênh quảng cáo, tiếp thị sản phẩm, có thể hình dung như một “biển rao vặt online”. Các bước quan trọng trong quá trình giao dịch đều không diễn ra trên sàn TMĐT. Vì thế, không có nhiều rủi ro trong mô hình hoạt động này.
Theo một số chuyên gia, cách tiếp cận “đồng nhất” như hiện nay khiến các mô hình nhỏ, sáng tạo gặp khó. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã áp dụng mô hình phân tầng quản lý, tức là tùy quy mô và mức độ can thiệp vào giao dịch mà có yêu cầu khác nhau về cấp phép hoặc thông báo.
Nhận diện lại rủi ro, đẩy mạnh hậu kiểm
TMĐT là một phần thiết yếu của kinh tế số, lĩnh vực được xác định là một trong ba trụ cột tăng trưởng mới của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ từng nhiều lần nhấn mạnh mục tiêu nâng tỷ trọng kinh tế số lên 20% GDP vào năm 2025. Để đạt được, cần một thể chế tương thích với môi trường số. Cải cách thủ tục hành chính không chỉ dừng ở giảm bớt giấy tờ, mà phải thay đổi cách tiếp cận: từ “quản lý để không xảy ra vi phạm” sang “tạo điều kiện để phát triển, và xử lý nghiêm khi vi phạm”.
Theo đó, như VCCI đề nghị, cơ quan quản lý có thể bãi bỏ thủ tục thông báo với các trang web TMĐT bán hàng; việc kiểm soát hoạt động của các trang này có thể thực hiện theo phương pháp hậu kiểm thay vì tiền kiểm như hiện nay. Đồng thời, nên giảm bớt thủ tục đối với các sàn TMĐT nhỏ; theo đó, các sàn nhỏ hoặc các sàn chỉ cung cấp tính năng giới thiệu, trưng bày sản phẩm chỉ cần thực hiện thủ tục thông báo khi bắt đầu hoạt động, và sẽ thực hiện thủ tục cấp phép khi đã phát triển đến một ngưỡng nhất định.
Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Quyết định phê duyệt phương án cắt giảm thủ tục hành chính năm 2025 của bộ. Đây chính là cơ hội để thay đổi cách tiếp cận quản lý như đã nhắc tới ở trên. Sau hơn một thập niên phát triển, TMĐT đã và đang trở thành xu hướng tất yếu với sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh. Các biện pháp và phương thức kiểm tra, giám sát ngày càng hoàn thiện, kiến thức và kỹ năng của người tiêu dùng cũng tốt hơn trước rất nhiều. Vì vậy, việc nghiên cứu, xác định lại rủi ro của các hoạt động TMĐT để cắt giảm thủ tục hành chính và đẩy mạnh sang hậu kiểm là rất cần thiết để TMĐT phát triển mạnh hơn nữa và đóng góp cho tăng trưởng nhiều hơn.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/go-rao-thu-tuc-voi-thuong-mai-dien-tu/