Gỡ vướng cho doanh nghiệp để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính chung 8 tháng năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa trên toàn tỉnh đạt 1.942 triệu USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khu vực Nhà nước 39 triệu USD, tăng 4,7%; khu vực ngoài Nhà nước 579 triệu USD, tăng 34,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.324 triệu USD, tăng 8,6%. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính chung 8 tháng năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa trên toàn tỉnh đạt 1.942 triệu USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khu vực Nhà nước 39 triệu USD, tăng 4,7%; khu vực ngoài Nhà nước 579 triệu USD, tăng 34,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 1.324 triệu USD, tăng 8,6%. Các sản phẩm xuất khẩu chính của tỉnh là dệt may, nông, lâm nghiệp... Tuy đạt được những kết quả khả quan nhưng doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh ở một số nhóm ngành hàng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Trong đó, đáng kể, Trung Quốc vốn là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chủ yếu của tỉnh ta nhưng do lo ngại dịch bệnh, Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero COVID” và các quy định ngặt nghèo về nhập khẩu nông sản khiến việc xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của không ít doanh nghiệp sang thị trường này ngày càng khó khăn hơn. Theo ông Nguyễn Hùng Vương, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương (Giao Thủy) cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu tăng, kéo theo giá các loại vật tư sản xuất tăng, Công ty còn gặp rủi ro khi xuất hàng qua môi giới là phiên dịch viên tại các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình; do thiếu kinh nghiệm nghiệp vụ ngoại thương nên hàng đi song Công ty vẫn không được bên môi giới thanh toán với lý do là đối tác nước ngoài chưa trả tiền. Ngoài ra, vướng mắc lớn nhất là việc tỉnh hiện chỉ có Cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu) được công bố xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác - “visa” cho sản phẩm xuất ngoại. Vì vậy, tất cả tàu thuyền hoạt động ở các ngư trường nếu cập bến tại tỉnh thì đều phải về cảng này để được kiểm duyệt, cấp xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác dẫn đến chi phí sản xuất tăng quá cao, đội giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh. Do vậy Công ty chưa thể hoàn thiện được quy định về chứng nhận nguồn gốc xuất xứ để xuất khẩu sản phẩm theo đường chính ngạch, đặc biệt là không thể xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường lớn, nhu cầu tiêu dùng cao như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Không chỉ riêng mặt hàng thủy sản, khó khăn về chứng nhận truy xuất nguồn xuất sứ cho sản phẩm là vướng mắc chung của tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Theo đồng chí Vũ Thị Kim, Giám đốc Sở Công Thương, trên toàn quốc Bộ Công Thương ủy quyền cho 19 địa phương được chứng nhận yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu để đáp ứng yêu cầu từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, song tỉnh Nam Định không có trong danh sách đó.
Ở nhóm doanh nghiệp dệt may, ngoài khó khăn về yêu cầu truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, thì tình trạng sức mua ở các thị trường xuất khẩu giảm sút đáng kể cũng ảnh hưởng đến doanh số xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 vẫn hiện hữu khiến nhiều thị trường quan trọng của các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu trong tỉnh như Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Đài Loan, vẫn đang áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may. Theo đại diện của Công ty Cổ phần May Sông Hồng, một trong bốn doanh nghiệp dệt may của toàn quốc, với số lượng công nhân, doanh thu hàng năm tương đối lớn, cho biết tình trạng xung đột quân sự Nga - Ukraine khiến giá nguyên, nhiên, phụ liệu tăng cao liên tục, trong đó giá bông tăng 19,1%, cước vận tải tăng cao gấp 3 lần, vì vậy riêng phần chi phí sản xuất trong nước của Công ty đã tăng hơn 20%. Ngoài ra, EU, một trong số thị trường tiêu thụ sản phẩm chính của Công ty lại đang chứng kiến giá trị đồng euro giảm giá sâu nhất trong 20 năm qua ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu các đơn hàng vào thị trường này của Công ty.
Trước các bất cập kể trên, bên cạnh nỗ lực tự gia tăng các phương án chống chọi với các khó khăn trước mắt, các cấp chính quyền, ngành chức năng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp gỡ khó, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Sở Công Thương đã chủ động đề xuất Bộ Công Thương quan tâm, đẩy mạnh hỗ trợ tỉnh trong tháo gỡ bất cập về yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu để đáp ứng yêu cầu và tranh thủ được các lợi thế từ các FTA thế hệ mới. Các ngành, các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để các cơ sở, doanh nghiệp xuất khẩu xác định tham gia thị trường theo hướng bền vững, coi việc nâng cao chất lượng sản phẩm, có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ là yêu cầu tất yếu để chủ động tìm hiểu, thay đổi, hoàn thiện các điều kiện đáp ứng các quy định của nước nhập khẩu. Đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu tích cực đầu tư trang bị công nghệ, thiết bị sản xuất hiện đại đạt tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm gia tăng cơ hội tiếp cận thêm nhiều thị trường mới.
Từ nay đến cuối năm, các ngành, các địa phương đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp trong các phần việc: Tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất kết nối các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI và các tập đoàn đa quốc gia; ứng dụng số hóa, thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng công tác cung cấp thông tin, thị trường, giá cả, sự thay đổi các chính sách của các nước nhập khẩu để doanh nghiệp nắm thông tin chủ động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các ngành chức năng và các địa phương cũng khuyến cáo các cơ sở, doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu hàng hóa ngoài việc chủ động ứng phó với các hàng rào thương mại thì phải đề cao việc nhận diện các thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu. Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ thị trường, năng lực ngoại ngữ, kiến thức pháp luật cho nhân lực làm công tác ngoại thương, phát triển thị trường; cần xác minh tìm hiểu kỹ đối tác kinh doanh, thận trọng trong từng điều khoản của hợp đồng, nhất là điều khoản về thanh toán. Ngoài ra, cần hết sức cảnh giác giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên mạng internet, chưa từng có giao dịch làm ăn với nhau. Dù “khát” khách hàng vẫn cần thận trọng, nên tìm kiếm đối tác qua các kênh xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, các diễn đàn doanh nghiệp, các cuộc giao thương trực tiếp, qua giới thiệu từ các cơ quan xúc tiến thương mại chính thức./.
Bài và ảnh:Thanh Thúy