Gỡ vướng tại Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội
Các cơ quan chuyên môn của Chính phủ sẽ sớm phải hỗ trợ UBND TP.Hà Nội tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến việc thực hiện hợp đồng với nhà thầu ngoại tại Dự án metro Nhổn-ga Hà Nội.
Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội là công trình đường sắt đô thị đầu tiên do UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư. Ảnh: Đ.T
Nhiều khác biệt
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 8794/VPCP-CN gửi Bộ Xây dựng, Giao thông - Vận tải (GTVT) về việc lấy ý kiến đối với đề xuất phân công chủ trì tháo gỡ vướng mắc cho Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga Hà Nội (Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 8145/BKHĐT-KTĐN ngày 22/11/2021.
Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội là công trình đường sắt đô thị đầu tiên do UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn vay ODA của 4 nhà tài trợ là Chính phủ Pháp; Cơ quan Phát triển Pháp (AFD); Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nguồn vốn đối ứng ngân sách Thành phố.
Theo kế hoạch ban đầu, Dự án phải hoàn thành vào năm 2018, nhưng do công tác giải phóng mặt bằng và di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi toàn tuyến chậm, nên vào tháng 7/2019, UBND TP. Hà Nội đã buộc phải nới tiến độ hoàn thành, trong đó đoạn trên cao sẽ khai thác vào tháng 4/2021; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào tháng 12/2022.
Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể của Dự án đạt khoảng 74% (đoạn trên cao đạt 89,41%; đoạn ngầm đạt 32,2%).
Với thực tế như vậy, Dự án chỉ có thể hoàn thành đoạn trên cao vào cuối năm 2022, hoàn thành đoạn ngầm vào cuối năm 2025. Ngoài việc tiếp tục vỡ tiến độ, có tới 8/10 hợp đồng các gói thầu cần phải ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung đáng kể các khoản chi phí do kéo dài thời gian, điều chỉnh giá.
Trong văn bản gửi Bộ GTVT vào tháng 9/2021, UBND TP. Hà Nội cho biết, trong quá trình gia hạn hợp đồng, một số nhà thầu nước ngoài đã lợi dụng tính cấp thiết về tiến độ Dự án, tiến độ vận hành trước đoạn trên cao để gây sức ép lên chủ đầu tư bằng chiến thuật chậm trình hồ sơ, đẩy chi phí phát sinh lên cao bất hợp lý. Các nhà thầu cũng thiếu hợp tác với Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội và tư vấn trong việc làm rõ các đề xuất, thậm chí đưa vấn đề tranh chấp ra Trọng tài quốc tế, khiến các bên mất thời gian xử lý sự vụ, ảnh hưởng đến tiến độ các công việc chính.
Tại Công văn số 8145, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các nhóm vướng mắc liên quan đến việc xử lý các hợp đồng tại Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội gồm: sự khác biệt giữa hợp đồng theo mẫu của Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC) với quy định pháp luật Việt Nam; quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành; hợp đồng tư vấn trọn gói của Systra (Pháp).
Theo các chuyên gia, đây là những vấn đề không dễ giải quyết, trong đó nổi cộm là việc tất cả các gói thầu của Dự án đều được ký theo mẫu của hợp đồng quốc tế FIDIC vốn có nhiều điểm khác biệt với quy định về quản lý hợp đồng xây dựng theo Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015.
Đề xuất đầu mối gỡ vướng
Điều đáng lo ngại là, do bị chậm tiến độ, nên các gói thầu của Dự án đều phải làm thủ tục gia hạn và bổ sung các chi phí phát sinh không do lỗi của nhà thầu, bao gồm cả các chậm trễ về giải phóng mặt bằng, cung cấp dữ liệu giao diện…, trong khi quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam lại chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định và quy trình thực hiện.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, tháng 8/2021, 4 nhà tài trợ vốn cho Dự án đã đồng ký văn bản yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ chặt chẽ các quy định hợp đồng FIDIC. Ngày 8/9/2021, Đại sứ Pháp đã có công thư gửi Chính phủ đề nghị cho phép áp dụng chặt chẽ các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết và tuân thủ hợp đồng sẽ được áp dụng trong hợp đồng trong trường hợp có khác biệt với quy định của Việt Nam.
Tại Công văn số 8145, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian qua, các bộ, ngành liên quan đã có nhiều ý kiến góp ý với UBND TP. Hà Nội để tháo gỡ các vướng mắc nói trên.
“Tuy nhiên, các ý kiến góp ý chủ yếu dựa trên quy định của pháp luật hiện hành, chưa đưa ra phương án cụ thể, khả thi để giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện và giải ngân Dự án”, Công văn số 8145 nêu rõ.
Để sớm giải quyết những vướng mắc của Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đã đến lúc, cần có sự phân công cơ quan chuyên môn cụ thể chủ trì, chịu trách nhiệm hướng dẫn, đưa ra giải pháp đối với vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo lãnh đạo Chính phủ giao Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách đối với Dự án. Đối với những vướng mắc về sự khác biệt giữa quy định của hợp đồng FIDIC và pháp luật Việt Nam được kiến nghị giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
“Đối với vấn đề hợp đồng tư vấn Systra sẽ do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội giải quyết dứt điểm theo quy định để tạo thuận lợi cho Dự án tiếp tục triển khai, phù hợp với cam kết của các nhà tài trợ”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội có tổng mức đầu tư 1.176 triệu euro, với mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt đô thị, tổng chiều dài tuyến chính 12,5 km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5 km, đoạn đi ngầm khoảng 4 km, đường sắt khổ 1.435 mm, 8 ga trên cao, 4 ga ngầm.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/go-vuong-tai-du-an-metro-nhon---ga-ha-noi-d157203.html