GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ BAN HÀNH VĂN BẢN HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI BA CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Ngày 30/10, tại Kỳ họp thứ 6, chia sẻ bên lề phiên họp giám sát tối cao việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về ba Chương trình mục tiêu quốc gia, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng dễ thực hiện, tránh chồng chéo; đồng thời chấn chỉnh tinh thần, thái độ, đạo đức công vụ của người trực tiếp thực hiện chương trình.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng, báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là thẳng thắn xác định trách nhiệm của Chính phủ, của bộ, ngành. Tuy nhiên, ngoài cụ thể của ba ngành chủ trì 3 chương trình mục tiêu quốc gia và Bộ Kế hoạch Đầu tư nhưng vẫn còn kèm theo cụm từ "các bộ, ngành liên quan, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp ở các địa phương trong tổ chức thực hiện". Như vậy, trách nhiệm hầu như ngành nào cũng có và địa phương nào cũng có. Điều này cũng dễ hiểu, bởi 3 chương trình mục tiêu quốc gia thì đan xen với nhau; cơ chế phối hợp thì chưa chặt chẽ, rời rạc; cơ chế giao trách nhiệm cũng chưa thật sự rõ. Do vậy, cơ chế này cũng làm cho việc xác định trách nhiệm cũng khó và chưa đến tận cùng, đến nơi đến chốn cho việc khắc phục.
Để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy đề nghị Chính phủ chỉ xác định các tiêu chí gắn với mục tiêu đạt được; còn cách thức, phương tiện đạt được mục tiêu đó giao cho các địa phương quyết định lựa chọn con đường để đạt đến chỉ tiêu. Bên cạnh đó, coi trọng tiêu chí đánh giá về mức độ hài lòng của người dân đối với chương trình mục tiêu quốc gia. Đây cũng là một cơ sở để đánh giá kết quả của chương trình, cũng như quan tâm về việc huy động của người dân và cộng đồng dân cư tham gia vào xây dựng nông thôn mới, cần coi đây là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng của việc xây dựng chương trình nông thôn mới bền vững.
Đánh giá sau gần 2 năm triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia theo nghị quyết của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, việc thực hieenj Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp nối chương trình của giai đoạn trước đã tạo cơ sở, tiền đề thực hiện Chương trình trong giai đoạn tiếp theo giúp bộ mặt nông thôn có sự thay đổi đáng kể, nâng cao đời sống của người dân nông thôn.
Tuy nhiên, đối với hai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 triển khai còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc ban hành văn bản, cơ chế chính sách còn vướng mắc, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đại biểu cho rằng, nếu không kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sẽ khó triển khai, bởi chính sách không đi vào cuộc sống, không thể hoàn thành các chỉ tiêu của chương trình đề ra, đơn cử như chương trình hỗ trợ đất ở, hỗ trợ đào tạo đại học và sau đại học.
Hơn nữa, trong quá trình triển khai có độ trễ nhất định từ việc ban hành văn bản chính sách, lập dự án chính sách, công tác giải ngân… Áp lực thời gian còn lại trong việc triển khai các chương trình còn rất lớn, vì vậy đại biểu cho rằng đây là những vấn đề Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần hết sức lưu tâm có giải pháp hiệu quả hơn trong triển khai thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, trong báo cáo của Đoàn giám sát đã kiến nghị một số giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tế. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần nhấn mạnh đến giải pháp về con người, như Bác Hồ đã nói cán bộ là cái gốc của công việc, cái gốc không thông dễ gây ách tắc. Bởi thực tế cho thấy, việc chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn và lập dự toán giải ngân vốn đều có nguyên nhân chủ quan từ phía cán bộ thực thi chính sách. Do vậy, cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản theo hướng dễ thực hiện, tránh chồng chéo. Cùng với việc chấn chỉnh tinh thần, thái độ, đạo đức công vụ của người trực tiếp thực hiện chương trình cũng cần khẩn trương rà soát sửa đổi các quy định, chính sách phù hợp với thực tiễn.
Về kết quả triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, đây là chương trình lớn, với quan điểm đầu tư tổng thể, trong đó có 10 dự án 14 tiểu dự án thành phần. Công tác chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình có sự tham gia của nhiều bộ, cơ quan trung ương, với rất nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện (của cả cấp trung ương và cấp tỉnh).
Bên cạnh đó, một số văn bản hướng dẫn chưa mang tính ổn định, bước sang năm thứ 2 được giao vốn triển khai thực hiện nhưng một số văn bản quy định cơ chế chính sách khung và hướng dẫn thực hiện đã phải sửa đổi, bổ sung để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Điều này cho thấy hệ thống văn bản hướng dẫn đang quá nhiều, không tập trung dẫn đến cấp cơ sở loay hoay trong việc tiếp cận, đọc hiểu.
Vì vậy, đại biểu Vương Thị Hương đề xuất Chính phủ nghiên cứu, xem xét chỉ đạo các bộ chủ quản phối hợp ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện chung các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình.
Về điều kiện hỗ trợ dự án, phương án sản xuất, dịch vụ của cộng đồng liên quan đến điều kiện để một dự án phương án sản xuất của cộng đồng được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 27 của Chính phủ, đại biểu Vương Thị Hương cho biết, bên cạnh các thành viên là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo tham gia dự án, điều kiện bắt buộc phải có thành viên làm kinh tế giỏi. Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện tại địa phương trong đó có Hà Giang gặp vướng mắc liên quan đến đối tượng thành viên làm kinh tế giỏi, chưa xác định rõ như thế nào thì là thành viên làm kinh tế giỏi.
Để khắc phục vướng mắc trên, tại khoản 13 Điều 1 Nghị định 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 22 Nghị định 27/2022/NĐ-CP quy định điều kiện hỗ trợ dự án, phương án sản xuất, dịch vụ của cộng đồng đó là: “Tổ, nhóm cộng đồng phải có thành viên có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi được UBND cấp xã xác nhận”, câu hỏi "thế nào là thành viên làm kinh tế giỏi?" đã có câu trả lời đó là "do UBND cấp xã xác nhận"
Đại biểu Vương Thị Hương cho rằng, sửa đổi bổ sung như trên cũng chưa tháo gỡ được vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Bởi không có quy định về tiêu chí, điều kiện cụ thể xác định thành viên tham gia dự án có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi, nên mỗi địa phương áp dụng khác nhau, chủ yếu dựa trên ý chỉ chủ quan của cán bộ công chức xã đánh giá và xác nhận, trong khi đây là một trong những điều kiện bắt buộc để được nhà nước hỗ trợ dự án phát triển sản xuất cộng đồng. Do vậy, đại biểu đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thống nhất triển khai.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=81507