GÓC NHÌN: LÀM RÕ CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ KHU VỰC MIỀN NÚI, VÙNG SÂU, VÙNG XA, BIÊN GIỚI, HẢI ĐẢO

Tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật Đường bộ, với nhiều điểm mới, nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ. Để có thêm thông tin tham khảo, góc nhìn hoàn thiện dự thảo luật, Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết của Đại biểu Hoàng Quốc Khánh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009, được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm tính kế thừa các nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2001 với nhiều điểm mới và những quy định cụ thể, chặt chẽ. Qua 13 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ một số vướng mắc về cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động đường bộ; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho phù hợp với thực tế... Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật Đường bộ.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 luật là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cấp thiết, nhằm điều chỉnh chuyên sâu các nội dung, tạo ra một hành lang pháp lý đủ mạnh để có thể giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 luật là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cấp thiết, nhằm điều chỉnh chuyên sâu các nội dung, tạo ra một hành lang pháp lý đủ mạnh để có thể giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 92 điều. So với dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 03 chương sang Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (đó là chương: quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, phương tiện tham gia giao thông đường bộ).

Có thể thấy việc ban hành Luật đường bộ là cần thiết, nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển vận tải đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Việc xây dựng dự thảo Luật Đường bộ nhằm tạo cơ chế đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại hóa; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật giao thông đường bộ năm 2008, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển sự phát triển của giao thông đường bộ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đường bộ.

Tuy nhiên, ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát các nội dung của luật với các luật khác có liên quan nhất là Luật đảm bảo trật tự giao thông đường bộ để tránh trùng lặp, vướng mắc khi tổ chức thực hiện.

Qua nghiên cứu dự thảo luật, còn một số nội dung cần tiếp tục được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện:

1. VỀ PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, theo đó “Luật quy định về hoạt động đường bộ bao gồm quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ” và có đường xã, đường thôn xóm, đường chuyên dùng, thậm trí có cả đường dành riêng cho người đi bộ, đi xe đạp (điểm g, điều 11). Tuy nhiên, đối chiếu với các nội dung của luật, việc điều chỉnh, áp dụng cho việc đầu tư, quản lý đường bộ với các tuyến đường huyện, đường tỉnh, đường Quốc lộ là phù hợp; còn lại các loại đường xã, đường thôn xóm mà áp dụng các quy định trên sẽ không khả thi.

Ví dụ, đường xã, đường thôn xóm quy định phải đặt tên, phải có hành lang an toàn theo tiêu chuẩn, phải tổ chức giao thông là không khả thi. Do đó, đề nghị ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định điều chỉnh đối với các loại đường ở nông thôn, đường xóm theo phân loại cho phù hợp thực tế.

2. CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG ĐƯỜNG BỘ, (ĐIỀU 5) khoản 1 có quy định “ưu tiên đầu tư các công trình, dự án trọng điểm về đường bộ kết nối vùng, khu vực, các trung tâm trong nước và quốc tế; ưu tiên phát triển kết cầu hạ tầng đường bộ khu vực miền núi, vùng sâu vùng xã, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số”. Việc nhà nước ưu tiên và có chính sách đối với các dự án giao thông đường bộ để phát triển kinh tế vùng và giao thông miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn là chủ trương hết sức đúng đắn và trên thực tế đã được quan tâm, vì ở vùng này địa hình chia cắt, suất đầu tư cao hơn nhiều so với vùng đồng bằng. Tuy nhiên, chính sách ưu tiên thế nào thì chưa được quy định, đề nghị ban soạn thảo rà soát và thiết kế nội dung chính sách này cụ thể hơn trong luật.

Việc Nhà nước ưu tiên và có chính sách đối với các dự án giao thông đường bộ để phát triển kinh tế vùng và giao thông miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn là chủ trương hết sức đúng đắn. (Trong ảnh: Tuyến quốc lộ 4H được cải tạo nâng cấp tạo điều thuận lợi cho Nhân dân huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu).

Việc Nhà nước ưu tiên và có chính sách đối với các dự án giao thông đường bộ để phát triển kinh tế vùng và giao thông miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn là chủ trương hết sức đúng đắn. (Trong ảnh: Tuyến quốc lộ 4H được cải tạo nâng cấp tạo điều thuận lợi cho Nhân dân huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu).

3. VỀ PHÂN LOẠI ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỢC QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 10, ĐIỀU 11 VÀ ĐIỀU 13, cụ thể: Phân loại đường bộ theo cấp quản lý, có 7 loại, bao gồm: Quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn xóm, đường chuyên dùng (Điều 10); Phân loại đường theo chức năng phục vụ, có 7 loại, bao gồm: đường chính, đường nhánh, đường gom, đường bên, đường công cộng, đường nội bộ và đường dành riêng cho người đi bộ, đi xe đạp và đường khác (Điều 11) và Điều 13 phân loại đường giao thông nông thôn, đường đô thị và đường địa phương.

So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo luật lần này đã chia ra rất nhiều loại; việc phân loại đường là cần thiết để phục vụ cho công tác quy hoạch, đầu tư và phân cấp quản lý. Tuy nhiên, phân loại đường cần phải gắn với việc xác định nhiệm vụ, quyền hạn của chủ thể đầu tư quản lý, trong khi nội dung dự thảo luật không có chính sách cho từng loại đường theo mức độ phân loại.

Để thuận tiện cho việc quản lý, ban soạn thảo nghiên cứu lại việc phân loại đảm bảo phản ánh đúng thực trạng hệ thống đường bộ của nước ta hiện nay, vì vậy thay vì phân chia nhiều loại đề nghị thống nhất gộp điều 10 và điều 11 thành một điều trong đó có 2 khoản quy định về phân loại “Phân loại đường bộ theo cấp quản lý” “Phân loại đường theo chức năng phục vụ” và bỏ điều 13, để từ đó xây dựng các chính sách có liên quan phù hợp với phân cấp quản lý.

4. CẤP KỸ THUẬT, CẤP CÔNG TRÌNH, ĐIỀU 12. Quy định cấp kỹ thuật, cấp công trình đường bộ để lập quy hoạch, lập dự án đầu tư, thiết kế và xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng và bảo trì đường bộ. Tại khoản 2 quy định cấp kỹ thuật đối với đường cao tốc; đường từ cấp I đến cấp VI đồng bằng và miền núi, đường đô thị và đường thôn xóm. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn này thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng.

Đây là những thông số kỹ thuật hết sức căn bản, quan trọng dự thảo luật cần phải được thể hiện, do đó đề nghị trong luật cần quy định các nguyên tắc, tiêu chí về các tiêu chuẩn, quy chuẩn của từng loại đường, còn các thông số kỹ thuật cụ thể giao cho Bộ chuyên ngành quy định sẽ đảm bảo thống nhất, rõ ràng, minh bạch và dễ hiểu.

Ví dụ, đường cao tốc là đường như thế nào, cấp đường với những tính toán về tốc độ tối thiểu, lưu lượng xe trung bình, một số tiêu chuẩn về chiều rộng mặt đường tối thiểu; hay các cấp đường từ cấp I đến đường đường cấp 4 miền núi, tương ứng với mỗi cấp đường thì thuộc loại đường nào, mặt đường bao nhiêu m, kết cầu đường thế nào, những thông số cơ bản phải được thể hiện trong luật và khái niệm về các loại đường, như đường bộ cấp I là thế nào, tương tự như vậy các cấp đường khác.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền đặt tên hoặc số hiệu đường.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền đặt tên hoặc số hiệu đường.

5. ĐẶT TÊN, SỐ HIỆU ĐƯỜNG ĐƯỜNG BỘ, (ĐIỀU 14); dự thảo luật quy định về nguyên tắc đặt tên hoặc số hiệu đường và giao Chính phủ quy định chi tiết; tuy nhiên chưa có quy định cơ quan có thẩm quyền đặt tên, đề nghị bổ sung nội dung này cho rõ cơ quan có trách nhiệm đặt tên đường.

6. ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ (ĐIỀU 32) tại điểm b, khoản 2 điều này quy định “UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống đường địa phương”. Quy định như vậy chưa đầy đủ vì đường địa phương bao gồm đường tỉnh, đường đô thị, đường giao thông nông thôn – hiện nay thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư thì hệ thống đường giao thông nông thôn đa phần phân cấp cho cấp huyện, cấp xã thực hiện đầu tư. Do đó, đề nghị ban soạn nghiên cứu thiết kế lại cho phù hợp với phân cấp đầu tư./.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82505