Góc nhìn nghị trường: Quy định về đấu thầu không nên là 'vòng kim cô'

Thảo luận về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm đến quy định về áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước. Tại dự thảo luật, Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Theo đề xuất của Chính phủ, quy định như dự thảo Luật Đấu thầu trình Quốc hội không thu hẹp phạm vi áp dụng đối với các gói thầu sử dụng vốn nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời cũng không tạo ra khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác. Việc tiếp tục mở rộng hơn nữa đối tượng doanh nghiệp phải tuân thủ Luật Đấu thầu sẽ dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, làm giảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu Quốc hội lo ngại, nếu quy định như dự thảo luật sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn nhà nước phải đấu thầu, dẫn tới toàn bộ dự án đầu tư của công ty con thuộc các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước... sẽ không phải đấu thầu theo quy định của luật.

Quang cảnh phiên họp sáng 24-5. Ảnh:TTXVN

Quang cảnh phiên họp sáng 24-5. Ảnh:TTXVN

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, không phải cứ quy định trong Luật Đấu thầu, làm một số "vòng kim cô" thì mọi việc sẽ tốt. Nếu doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào một doanh nghiệp khác, có khi chỉ chiếm 5-10% vốn nhưng vẫn phải chịu sự chi phối của Luật Đấu thầu là cực đoan và không cần thiết. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động, khi đấu thầu không chỉ có tiền mà còn rất nhiều yếu tố khác như thời cơ, thời gian...

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, chỉ nên quản lý doanh nghiệp nhà nước. Khi doanh nghiệp nhà nước đi đầu tư vào một doanh nghiệp khác đã được quản lý bằng Luật Doanh nghiệp và nhiều luật khác. Không phải chỉ dùng Luật Đấu thầu có thể khắc phục được tất cả tiêu cực, tham nhũng. Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cảnh báo, nếu như áp dụng cứng nhắc Luật Đấu thầu cho cả các công ty con của doanh nghiệp nhà nước thì có thể ảnh hưởng đến sự linh hoạt, chủ động, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, như vậy gián tiếp, vô hình trung lợi ích của Nhà nước cũng bị ảnh hưởng.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, quy định của luật vừa phải giải quyết được những vấn đề vướng mắc phát sinh, nâng cao được hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này nhưng lại phải tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đấu thầu. Cần tìm được điểm cân bằng để giải quyết hài hòa những vấn đề này. Nếu quản lý quá chặt dẫn đến mất quyền tự chủ và lại gây khó khăn, ách tắc, phải sửa đổi, bổ sung luật nhiều lần.

Rõ ràng, việc tăng cường quản lý nhà nước là rất cần thiết, đặc biệt với lĩnh vực đấu thầu vốn còn phức tạp, muôn hình vạn trạng. Quy định của pháp luật về đấu thầu đang từng bước được hoàn thiện, trong đó cần chú trọng bảo vệ lợi ích của Nhà nước, ngăn chặn hành vi gian dối, tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời cũng cần bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cạnh tranh bình đẳng.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/goc-nhin-nghi-truong-quy-dinh-ve-dau-thau-khong-nen-la-vong-kim-co-729246