'Quốc hội đã bám sát hơi thở cuộc sống'

Với việc thông qua một loạt đạo luật rất quan trọng, trong đó cho phép 3 luật gồm Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm 5 tháng, cho thấy Quốc hội thực sự bám sát hơi thở cuộc sống, của nền kinh tế - TS. NGUYỄN QUỐC VIỆT, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhìn nhận.

Năm điểm nổi bật

- Nhìn lại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, ở góc độ chuyên gia, ông đánh giá thế nào về Kỳ họp này?

- Theo dõi Kỳ họp lần này, tôi nhận thấy có 5 điểm nổi bật sau.

Thứ nhất, trong 27 ngày rưỡi làm việc, với tinh thần nghiêm túc, dân chủ, tập trung cao độ, Quốc hội đã giải quyết được rất nhiều công việc, từ bàn thảo vấn đề kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm, trong đó đưa ra các chiến lược và chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế, đến bàn thảo vấn đề ngân sách, quyết toán ngân sách những năm trước… Đó đều là những vấn đề quốc kế dân sinh rất quan trọng.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách. Nguồn: ITN

TS. Nguyễn Quốc Việt, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách. Nguồn: ITN

Thứ hai, Quốc hội đã hoàn thiện vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan quản lý nhà nước (bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an…). Đây là vấn đề hết sức quan trọng, tạo sự ổn định cho bộ máy, qua đó ổn định môi trường kinh doanh, ổn định lòng tin của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp, của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đối với Việt Nam.

Thứ ba, Quốc hội đã thông qua một loạt đạo luật rất quan trọng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, như Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô… Đặc biệt, Quốc hội cũng thông qua đạo luật cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm 5 tháng, từ 1.8 tới, kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Thứ tư, các đại biểu Quốc hội đã cho thấy sự trăn trở, sâu sát với những vấn đề vĩ mô của đất nước cũng như nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, thể hiện ở những ý kiến thảo luận, chất vấn rất sôi nổi, thẳng thắn, có trách nhiệm, với 750 lượt phát biểu tại Hội trường cùng hơn 2.100 lượt phát biểu tại các phiên thảo luận Tổ.

Thứ năm, Quốc hội cũng đã rất trách nhiệm trong việc cho ý kiến đóng góp, bàn thảo kỹ lưỡng với các dự luật sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp tới, nhất là các luật liên quan đến thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân)… Đây đều là những vấn đề lớn, rất được quan tâm, cần phải được nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng.

Như vậy, có thể thấy rõ là hoạt động của Quốc hội đã thực sự bám sát hơi thở của cuộc sống, của nền kinh tế.

Lấy ý kiến đầy đủ các bên để bảo đảm chất lượng văn bản hướng dẫn

- Việc Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 cùng có hiệu lực sớm 5 tháng đang rất được kỳ vọng, song vẫn có những lo ngại chất lượng của các văn bản hướng dẫn thi hành. Quan điểm của ông như thế nào?

- Đây đều là những luật có ý nghĩa hết sức quan trọng và việc đẩy sớm hiệu lực là yêu cầu bức thiết cả về mặt khách quan và chủ quan.

Về mặt khách quan, thị trường bất động sản vốn dĩ có trục trặc, yếu kém từ những năm trước đây, đặc biệt là sau Covid-19 nổi lên càng rõ; cùng với đó là vấn đề trái phiếu chưa minh bạch, chưa hiệu quả dẫn đến những bất ổn mà nếu không giải quyết hiệu quả sẽ kéo theo bất ổn hệ thống tài chính, tạo áp lực gây bất ổn vĩ mô. Mặc dù các cơ quan quản lý, trong đó có Ngân hàng Nhà nước, đã đưa ra các chính sách để tháo gỡ song vẫn chưa giải quyết được căn bản các điểm nghẽn đó.

Mặt khác, cùng với Luật Thủ đô, Quốc hội đã ban hành nhiều cơ chế đặc thù phát triển các địa phương; các cơ chế đặc thù này chỉ phát huy tác dụng khi nguồn lực đất đai được giải phóng. Vì thế, khi cả 3 luật cùng có hiệu lực sớm sẽ tạo nền tảng cực quan trọng để giải tỏa khúc mắc, điểm nghẽn cho thị trường bất động sản, giúp các cơ chế đặc thù thực sự tạo đột phá cho các địa phương.

Về mặt chủ quan, các luật này đều đã có thời gian chuẩn bị từ trước, được thảo luận qua nhiều kỳ họp, đặc biệt là với Luật Đất đai 2024 nên tôi tin, các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý có trách nhiệm xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành cũng như doanh nghiệp, người dân đều sẵn sàng cho ngày các luật có hiệu lực.

Dù vậy, nỗi lo chất lượng văn bản hướng dẫn thi hành không phải là không có cơ sở, khi thực tế có tình trạng lợi ích nhóm, cài cắm lợi ích trong các văn bản hướng dẫn thi hành. Muốn vậy, phải bảo đảm lấy ý kiến đầy đủ các bên liên quan; tiếng nói của cộng đồng nhà nghiên cứu, phản biện chính sách cần phải được lắng nghe và tiếp thu thực chất.

- Theo ông, để khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy, cần lưu ý những vấn đề gì?

- Điều quan trọng trước tiên là văn bản hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết cần phải sớm được ban hành và phải bảo đảm chất lượng. Để đạt được điều đó, cần tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan ban hành và lấy ý kiến đầy đủ các bên liên quan.

Khi thực thi, cần bảo đảm làm đúng theo quy định và phải công khai, minh bạch, có sự giám sát của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức có liên quan để tạo sự công bằng; có cơ chế rõ ràng và xử lý thích đáng nếu bất kể cá nhân, đơn vị nào không làm đúng. Nếu không, dù luật và nghị quyết có tốt đến mấy thì cũng không có hiệu quả.

- Để các luật và nghị quyết được triển khai hiệu quả, công tác cán bộ đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo ông, cần làm gì để “khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” theo tinh thần Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV?

- Phải nhấn mạnh rằng, đây là yêu cầu rất đúng và rất trúng của Quốc hội về công tác cán bộ, nhất là trong bối cảnh xã hội có nhiều yếu tố bất định từ ảnh hưởng cả bên trong và bên ngoài, trong khi hệ thống pháp luật không thể theo sát mọi diễn biến của cuộc sống và sự đánh giá, nhìn nhận giữa các bên liên quan chưa chính xác, chưa thống nhất.

Muốn khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, điều căn bản là cần phải định vị lại vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, giảm bớt sự can thiệp đối với những lĩnh vực không cần thiết. Khi đó, cơ quan quản lý nhà nước có thể tập trung thực hiện tốt chức năng của mình; họ cũng sẽ bớt áp lực, bớt rủi ro hơn, đồng nghĩa họ sẽ tự tin hơn, yên tâm hơn với sự chịu trách nhiệm của mình.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/quoc-hoi-da-bam-sat-hoi-tho-cuoc-song-i377481/