Góc nhìn nghị trường: Xem xét lại cách đấu thầu vàng

Về lý thuyết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức đấu thầu vàng là giải pháp tăng nguồn cung để trung hòa nhu cầu thị trường, từ đó 'hạ nhiệt' giá vàng.

Thế nhưng, thực tế, sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại tăng hơn. Quản lý thị trường vàng và biến động giá vàng là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội.

Đề cập đến câu chuyện giá vàng tăng bất thường thời gian qua, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, giá vàng thế giới tăng thì trong nước cũng tăng, nhưng có vấn đề là giá vàng trong nước ngày càng chênh lệch lớn với thế giới. Vì vậy, rất cần có phương thức điều hành linh hoạt để đưa giá vàng trong nước về ngang thế giới.

Riêng vấn đề đấu thầu vàng, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cơ chế đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện nay là đấu thầu ngược. Cứ đấu thầu lại làm giá vàng tăng lên, bởi giá sàn được đặt sát giá thị trường. Vì thế, khi trúng thầu, doanh nghiệp phải bán ra với giá cao hơn và đương nhiên giá vàng trong nước cứ tăng lên.

Ảnh minh họa / Vietnam+

Ảnh minh họa / Vietnam+

Cùng quan tâm tới vấn đề đấu thầu vàng, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho biết, sự bất hợp lý của thị trường vàng hiện nay là sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới dù chúng ta đã có nhiều giải pháp điều hành. Để kéo giá vàng sát giá thị trường thế giới thì phải tính đúng, đủ giá thành của vàng trong nước làm giá khởi điểm để tổ chức đấu thầu, chứ không phải như cách làm hiện nay.

Cụ thể là: Lấy giá vàng thế giới quy đổi ra đồng Việt Nam, cộng với các chi phí nhập khẩu và chi phí khác để ra giá khởi điểm, từ đó tổ chức đấu thầu. “Quan điểm của Chính phủ với vấn đề này là như thế nào? Chúng ta muốn bán vàng với giá cao để thu về nhiều tiền hay đấu giá để ổn định thị trường, ổn định tâm lý người dân?”, đại biểu Trần Văn Lâm nêu câu hỏi.

Giá vàng trong nước đang ở đỉnh mọi thời đại, giá vàng miếng SJC luôn hơn giá vàng quốc tế từ 15-20 triệu đồng/lượng. Thực tế thời gian qua, khi giá vàng trong nước tăng nóng, tình trạng nhiều người đổ đi mua vàng đã xảy ra. Như vậy, dòng tiền không vào sản xuất mà đổ vào vàng. Thị trường vàng cần sớm có giải pháp bình ổn, truyền thông làm rõ, để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo trộn tâm lý của người dân.

NAM TRỰC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/goc-nhin-nghi-truong-xem-xet-lai-cach-dau-thau-vang-778529