Gói hỗ trợ cấp bù lãi suất và thách thức đến từ cách thức triển khai

Nếu năm 2021 là một năm khó khăn với rất nhiều doanh nghiệp thì đây cũng là năm Chính phủ đã tung ra nhiều gói hỗ trợ quy mô lớn chưa từng có tiền lệ nhằm giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Các gói hỗ trợ tiếp theo trong năm 2022 sẽ tiếp tục phát huy những điểm mạnh và khắc phục các hạn chế của các gói cứu trợ trước. Vấn được quan tâm là cách thức triển khai thực hiện đảm bảo đúng đối tượng.

Đáng chú ý với cộng đồng doanh nghiệp là gói hỗ trợ 2% lãi suất cấp cho khoản vay thông qua các ngân hàng thương mại với quy mô lên đến 40.000 tỷ đồng. Cách thức triển khai gói hỗ trợ đang là một vấn đề được nhiều bên quan tâm bởi nhiệm vụ này sẽ đóng vai trò quyết định tính hiệu quả của chính sách.

Tác động của gói hỗ trợ ược cho là rất rộng, bao gồm các ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê…

Tiến sỹ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Vinasme: “Chúng ta biết là cấp bù lãi suất 2% thì nếu dùng một phép tính toán học nhân lên để thấy được với quy mô 40.000 tỷ thì khối lượng được tiếp cận tín dụng cực kỳ lớn. Vì 40.000 tỷ là 2% lãi suất, từ đó hình dung ra quy mô rất lớn. Với quy mô như vậy, khả năng tiếp cận lớn như vậy thì nó sẽ tạc động tạo ra một điểm tựa, một sự hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Vấn đề là doanh nghiêp có tiếp cận được không khi mà dùng theo chuẩn cũ.”

Vấn đề đặt ra đang được rất nhiều các chuyên gia quan tâm là cách thức triển khai gói hỗ trợ làm sao để nguồn vốn được sự dụng hiệu quả, đặc biệt đảm bảo đúng đối tượng, tránh trường hợp vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán.

Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc Hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách:Để các doanh nghiệp tiếp cận được cái gói hỗ trợ này thì có thể việc đầu tiên là về phía ngân hàng cần phải thay đổi phương pháp kiểm soát dòng tiền không nên chỉ dựa vào tài sản bảo đảm, không nên chỉ dựa vào lịch sử về tình hình tài chính của doanh nghiệp mà phải chuyển sang phương thức là kiểm soát dòng tiền vay đó theo cái luồng đi của dòng tiền.”

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia Kinh tế Tài chính: “Cùng với việc số hóa nền kinh tế thì khâu cho vay và đi vay phải được tương đối rõ ràng và công khai minh bạch. Chính sách này sẽ được đưa lên các trang website của các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp sẽ là những người trực tiếp tìm hiểu và biết được rằng mình có nằm trong diện được hưởng gói hỗ trợ hay không và nếu được hưởng thì cần phải làm những gì.”

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng cho rằng, để tránh việc ngân hàng thương mại giải ngân nhưng không được quyết toán do không đáp ứng được điều kiện như các gói hỗ trợ trước, thì việc Bộ Tài chính phối hợp ngay từ đầu trong khâu xét duyệt điều kiện để cho vay là rất quan trọng, từ đó nâng cao hiệu quả giải ngân, cũng như hiệu quả của cả gói hỗ trợ./.

Thực hiện : Như Hiền Như Huỳnh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/goi-ho-tro-cap-bu-lai-suat-va-thach-thuc-den-tu-cach-thuc-trien-khai