Gợi ý đáp án môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

Sáng 28/6, thí sinh hoàn thành môn thi đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 - Ngữ văn. Tác phẩm 'Vợ nhặt' vào đề thi năm nay.

 Ngữ văn là môn thi đầu tiên, cũng là môn thi tự luận duy nhất. Ảnh: Phương Lâm.

Ngữ văn là môn thi đầu tiên, cũng là môn thi tự luận duy nhất. Ảnh: Phương Lâm.

Gợi ý đáp án

Phần I - Đọc hiểu

Câu 1. Thể thơ tự do.

Câu 2. Tiếng sấm gõ, bầu trời thấp, gió thổi, cát bay, lá bay, đá bay.

Câu 3. Tác dụng của biện pháp tu từ so sánh:

- Làm cho câu thơ trở nên sinh động, cụ thể, giàu hình ảnh, gợi cảm.

- Gợi tả hình ảnh cơn mưa giông mùa hè xối xả, ào ạt, qua đó, thể hiện tình yêu thiên nhiên cũng như nỗi nhớ của tác giả về những kỷ niệm tuổi thơ.

Câu 4. Bài học về lẽ sống:

- Trong cuộc sống, ai cũng trải qua những thăng trầm, thử thách, giông bão của đời mình nên cần phải biết cân bằng cảm xúc.

- Cần phải dũng cảm đối diện với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống để từ đó vượt qua.

- Không chỉ tự lực, tự vượt qua những khó khăn, thử thách, mỗi người cũng cần biết tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của người xung quanh.

 Giáo viên đưa ra gợi ý đáp án cho môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Việt Linh.

Giáo viên đưa ra gợi ý đáp án cho môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Việt Linh.

Phần II - Làm văn

Câu 1:

- Giải thích: Cân bằng cảm xúc là cá nhân mỗi người biết làm chủ, điều chỉnh, kiểm soát cảm xúc của mình một cách hợp lý.

- Sự cần thiết của việc biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống:

+ Giúp tăng cường sức khỏe thể chất;

+ Giúp cho bản thân trở nên bình tĩnh; chủ động trong các tình huống;

+ Giúp tạo ra một lối sống tích cực;

+ Giúp cân bằng các mối quan hệ, lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người, giúp xã hội trở nên ổn định, trật tự.

+ Giảm thiểu những xung đột, mâu thuẫn và những nguy cơ mắc phải những vấn đề tâm lý và thể chất.

- Phê phán những người không biết cân bằng cảm xúc bản thân, để cảm xúc lấn át lý trí; cân bằng cảm xúc không đồng nghĩa với việc sống khổ hạnh, khắc kỷ, giả tạo, trái tự nhiên; là không mâu thuẫn với lối sống thật của bản thân.

- Bài học liên hệ:

+ Bài học nhận thức: Nhận thấy việc cân bằng cảm xúc có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần thiết.

- Bài học hành động: Cần loại bỏ những cảm xúc tiêu cực, duy trì cảm xúc tích cực, lạc quan trong mọi tình huống, nhất là những tình huống khó khăn, rèn cho mình những thói quen tốt.

Câu 2: Phân tích đoạn trích đã cho và nhận xét về cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân trong đoạn trích.

1. Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận:

- Kim Lân là một cây bút truyện ngắn tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Ông thường viết về đề tài nông thôn và người nông dân bằng tình cảm, tâm hồn của một người vốn là “con đẻ của đồng ruộng”.

- Vợ nhặt là một trong những truyện ngắn hay nhất của Kim Lân và của văn học Việt Nam sau 1945. Truyện được in trong tập Con chó xấu xí (1962). Tác phẩm có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc. Thông qua tình huống "nhặt vợ" ngồ ngộ mà đầy thương tâm, tác giả đã cho ta thấy được nhiều điều về cuộc sống tối tăm của những người lao động trong nạn đói 1945 cũng như khát vọng sống mãnh liệt và ý thức về nhân phẩm rất cao của họ.

2. Vị trí, xuất xứ đoạn trích.

Đoạn trích đã cho nằm ở phần cuối của truyện ngắn đã cho thấy cách nhìn cuộc sống tích cực, lạc quan của nhà văn.

3. Phân tích đoạn trích:

3.1. Nội dung:

- Bối cảnh nạn đói năm Ất Dậu: Tiếng trống thúc thuế dồn dập, từng đám quạ bay trên nền trời như biểu tượng của tai ương, chết chóc. Người dân phải nhổ lúa, trồng đay, phải ăn “cháo cám" để sống qua ngày…

- Hình ảnh “bà cụ Tứ": Chi tiết bà lão ngoảnh vội ra ngoài, không dám để con dâu nhìn thấy bà khóc, thể hiện rõ tấm lòng người mẹ, tình yêu thương con. Bà hiểu rất rõ về thảm cảnh năm đói nhưng cố nén chặt trong lòng để giữ cho con tinh thần lạc quan và niềm tin vào cuộc sống mà bà thắp lên. Ngoài ra, chi tiết này cũng thể hiện rõ nỗi buồn tủi, lo lắng về thảm cảnh năm đói.

- Hình ảnh “người vợ nhặt": Câu chuyện thị kể ở Thái Nguyên, Bắc Giang, người ta không chịu đóng thuế nữa, người ta phá kho thóc của người Nhật chia cho người đói đã gieo vào lòng những người đang ngồi ăn (Tràng và bà cụ Tứ) niềm hy vọng mãnh liệt về sự đổi đời, về một tương lai ấm no tương sáng. Đây cũng là nhân vật đầu tiên trong 3 nhân vật chính của truyện ngắn đã nhắc đến hình ảnh đám người đói, cho thấy sự nhạy cảm về thời thế.

- Hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ” hiện lên 2 lần trong tâm trí Tràng. Hình ảnh này vừa gợi ra cảnh ngộ đói khát thê thảm vừa gợi ra những tín hiệu của cuộc cách mạng, cả hai đều là những nét chân thực trong bức tranh đời sống lúc bấy giờ.

- Kết thúc truyện góp phần thể hiện tư tưởng nhân đạo của Kim Lân: trân trọng niềm khát vọng sống ngay bên bờ vực cái chết của người lao động nghèo; niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng.

3.2. Nghệ thuật:

- Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật chân thực, sinh động.

- Ngôn ngữ: Xây dựng đối thoại tự nhiên, sinh động.

- Hình ảnh "đám người đói và lá cờ đỏ" dùng để kết thúc truyện là triển vọng sáng sủa của hiện thực tăm tối, đó là tương lai đang nảy sinh trong hiện tại, vì thế nó quyết định đến âm hưởng lạc quan chung của câu chuyện. Đây là lối kết thúc mở giúp thể hiện xu hướng vận động tích cực của cuộc sống được mô tả trong toàn bộ câu chuyện; dành khoảng trống cho người đọc suy tưởng, phán đoán.

4. Nhận xét về cách nhìn cuộc sống của nhà văn thể hiện trong đoạn trích:

- Cách nhìn cảm thông, thương xót cho số phận và cảnh ngộ của những người nông dân trong năm đói.

- Cách nhìn tin yêu, trân trọng khát vọng sống và khát vọng hạnh phúc của con người. Kim Lân không chỉ nhìn thấy cảnh đói khát bi thảm, mà còn trân trọng những ước mơ, khát vọng của con người. Nhà văn chỉ ra con đường để những người đói như gia đình Tràng được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc: Đi theo cách mạng.

- Cách nhìn mới mẻ, lạc quan tin tưởng về con người cho thấy tài năng quan sát, miêu tả, dựng cảnh, đi sâu khai thác diễn biến tâm trạng nhân vật rất hợp lý, chân thực, đặc biệt tạo tình huống truyện độc đáo, bất ngờ, éo le và cảm động của nhà văn Kim Lân, góp phần làm bừng sáng giá trị nhân văn trong sáng tác của nhà văn nông thôn được đánh giá xuất sắc nhất trong văn học Việt Nam hiện đại 1945-1975. Có thể nói, đây là một nét mới mẻ so với các tác phẩm văn xuôi hiện thực phê phán trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 như Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan), Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Chí Phèo (Nam Cao).

5. Đánh giá chung:

- Khẳng định những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích trên cũng như vai trò, ý nghĩa của đoạn trích trong toàn bộ tác phẩm.

- Nếu ấn tượng, cảm nghĩ riêng của bản thân.

Đề Văn

Nhóm PV

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/goi-y-dap-an-mon-ngu-van-ky-thi-tot-nghiep-thpt-2023-post1443416.html