Gợi ý mâm cỗ cúng ông Công ông Táo năm 2025 đầy đủ, ý nghĩa

Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị những mâm cỗ cúng ông Công ông Táo khác nhau. Mâm cỗ này không nhất thiết phải quá sang trọng, cầu kỳ mà quan trọng nhất là sự thành tâm kính cẩn khi hành lễ.

Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Tết ông Công ông Táo

Thông tin trên Sức khỏe & Đời sống, Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam hình thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo. Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết.

Một trong các sự tích này kể rằng, Trọng Cao có vợ là Thị Nhi sống cùng nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.

Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.

Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng đế. Thượng đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân.

Theo quan niệm dân gian, cứ đến ngày 23 tháng Chạp (tức ngày 23 tháng 12 âm lịch) hàng năm, ông Công ông Táo sẽ lên dự hội Thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng những công việc của gia chủ trong năm vừa qua, dân gian hay gọi là lên chầu trời. Sau khi báo cáo xong, các vị này sẽ nhận chỉ thị của Thiên đình và đến ngày cuối cùng của năm cũ sẽ về lại gia đình mình cai quản.

Do đó, vào ngày 23 tháng Chạp, mọi gia đình đều sắp mâm lễ cúng ông Công ông Táo với mục đích tiễn đưa Táo quân về chầu trời, nhân tiện cúng gia tiên, nên ngày này còn gọi là "Tết ông Công".

Lễ cúng ông Công ông Táo là dịp để mỗi gia đình thờ cúng lên vị thần này, cầu mong sự ấm no, đủ đầy, yên bình trong năm mới. Ngoài ra, hoạt động này còn có ý nghĩa thờ "thần Bếp" tức là người cai quản bếp núc trong gia đình.

Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo gồm những gì?

Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải cho biết, lễ cúng ông Công ông Táo tùy thuộc vào điều kiện và nếp truyền thống của từng gia đình, nhưng phải có đủ 3 bộ mũ áo, hài và cá chép.

Trong sách "Việt Nam phong tục" (Nhà xuất bản Văn học), tác giả Phan Kế Bính có viết: "Mua hai mũ ông, một mũ bà để thờ và mua con cá chép để làm ngựa cho Táo quân lên chầu trời".

Theo Lao Động, mâm cỗ cúng của người Việt cơ bản có các món phổ biến như xôi, cơm canh, rượu, nước, vàng mã, cau trầu, thịt gà, thịt lợn và hoa quả. Phụ thuộc vào nét văn hóa và các yếu tố khác biệt mang tính dị bản trong sự tích ông Táo, mỗi vùng miền sẽ có một số điểm đặc trưng riêng biệt.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ở miền Bắc, các gia đình thường cúng ông Công ông Táo từ ngày 20 tháng Chạp đến trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Lễ vật cúng có vàng mã, cá chép, bộ mũ, áo của các Táo.

Về mâm cỗ, bên cạnh xôi, chè, không thể thiếu các món ăn như gà luộc, canh măng, thịt đông, hành muối, nem rán…

Vào lễ cúng ông Công ông Táo ở miền Bắc, mọi người dùng cá chép sống hoặc cá chép giấy với số lượng từ 3-5 con. Sau khi thực hiện xong nghi lễ, người dân sẽ mang cá chép sống ra sông, ao, hồ để phóng sinh.

Với người miền Nam, thời gian thích hợp để cúng ông Công ông Táo vào khoảng 20h-23h ngày 23 tháng Chạp. Theo quan niệm dân gian, đây là thời điểm xong việc bếp núc, các gia đình không còn nấu nướng nữa, tránh làm ảnh hưởng đến ông Công ông Táo.

Miền Nam cúng ông Công ông Táo với gà luộc hoặc quay, giò heo, canh mọc, rau xào, bánh chưng, xôi gấc, củ kiệu… Đi kèm mâm cúng còn có thêm đĩa đậu phộng, kẹo vừng đen và một bộ "cò bay, ngựa chạy".

Tương tự như các vùng miền khác, người miền Trung coi trọng việc cúng ông Công ông Táo, nhưng chỉ thực hiện vào ngày 23 tháng Chạp. Các gia đình rất chú trọng việc thay cát mới trong lư hương và lau dọn bàn thờ sạch sẽ.

Thông thường, mâm cúng của người miền Trung không có áo mũ vàng mã cho các Táo như miền Bắc, mà chỉ có một một con ngựa bằng giấy, có yên cương đầy đủ, vàng mã cùng một số lễ vật khác.

Các món ăn được bày trên mâm cỗ có gà luộc, nem rán, xôi, thịt lợn… Ở một số vùng như Huế, Hội An (Quảng Nam), mâm cúng có thêm cá thu hoặc cá ngừ.

Gợi ý một mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo:

- 1 đĩa gạo

- 1 đĩa muối

- 5 lạng thịt vai luộc (hoặc thịt gà)

- 1 bát canh

- 1 đĩa xào

- 1 đĩa giò

- 1 đĩa xôi gấc

- 1 đĩa hoa quả

- 1 ấm trà sen

- 3 chén rượu

- Quả cau, lá trầu

- 1 lọ hoa

- 1 tập giấy tiền, vàng mã, mũ quan,...

- 3-5 con cá chép sống (hoặc cá chép giấy)

*Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/goi-y-mam-co-cung-ong-cong-ong-tao-nam-2025-day-du-y-nghia-204250106212926296.htm