Người Tày Bản Liền giữ nghề truyền thống

Không chỉ gìn giữ nghề truyền thống của cha ông mình, đồng bào Tày ở Bản Liền (Bắc Hà) vẫn đau đáu câu chuyện bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong đời sống hằng ngày. Đặc biệt, những năm gần đây, từ việc bà con người Tày giữ nghề truyền thống đã thu hút du khách đến với Bản Liền, thúc đẩy kinh tế du lịch địa phương phát triển…

Đồng bào Tày ở Bản Liền sở hữu một số nghề truyền thống đặc sắc như: nghề làm trà lam gác bếp, nghề đan nón lá cọ, bện đệm rơm… vốn vẫn được bà con duy trì trong cuộc sống hằng ngày, chủ yếu để phục vụ nhu cầu của gia đình và người dân trong vùng. Sản phẩm từ nghề truyền thống được bán ở chợ phiên Bản Liền họp vào thứ Năm hằng tuần và bán ở một số địa phương có đồng bào Tày sinh sống.

Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại, công nghệ cũng đã khiến cho nghề truyền thống ở Bản Liền đứng trước nguy cơ mai một. Nhiều gia đình cũng chỉ duy trì làm các sản phẩm thủ công phục vụ nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt gia đình là chủ yếu. Các sản phẩm có tiêu thụ tại địa phương cũng không có thu nhập ổn định, không phải là nguồn thu chính trong kinh tế hộ gia đình. Dòng chảy cuộc sống hiện đại cũng len lỏi vào các bản làng vùng cao, trong đó có Bản Liền, nên nhiều tiện nghi sinh hoạt công nghiệp cũng vì thế mà xuất hiện trong các gia đình người Tày ở Bản Liền.

 Bà Vàng Thị Khuyên năm nay đã 80 tuổi nhưng đôi tay vẫn miệt mài bện những chiếc đệm bằng rơm cho khách đặt.

Bà Vàng Thị Khuyên năm nay đã 80 tuổi nhưng đôi tay vẫn miệt mài bện những chiếc đệm bằng rơm cho khách đặt.

Bà Vàng Thị Khuyên năm nay đã 80 tuổi nhưng đôi tay vẫn miệt mài bện những chiếc đệm bằng rơm cho khách đặt.

Bà Vàng Thị Khuyên tâm sự: Cứ mỗi vụ thu hoạch lúa mùa, tôi đều bảo con cháu gặt lúa nếp bằng tay, tích trữ rơm để tôi còn bện đệm rơm. Rơm để bện đệm phải gặt tay và tuốt bằng tay mới dùng được.

 Đan chiếu rơm giúp người dân tăng thu nhập, giới thiệu được văn hóa vùng cao tới du khách.

Đan chiếu rơm giúp người dân tăng thu nhập, giới thiệu được văn hóa vùng cao tới du khách.

Mặc dù kỳ công và tỉ mẩn mới làm được, nhưng bà Khuyên vẫn muốn làm để con cháu biết nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình. Bà Khuyên vừa làm vừa hướng dẫn cho con cháu biết và làm theo. Mỗi chiếc đệm rơm tròn ngồi bán được 50 - 80 nghìn đồng (đường kính 30-35cm), mỗi chiếc chiếu rơm bán được 600 nghìn đồng (khổ 1m6 x2m). Thi thoảng có khách đặt mua, cũng có thêm một khoản thu nhập phụ giúp con cháu, vừa là niềm vui của tuổi già, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống cha ông mình.

 Chiếu rơm của người Tày Bản Liền được khách đặt mua giá 600 nghìn đồng/chiếc

Chiếu rơm của người Tày Bản Liền được khách đặt mua giá 600 nghìn đồng/chiếc

Không chỉ người già mới giữ nghề truyền thống, ở Bản Liền vẫn có những người trẻ tuổi yêu văn hóa dân tộc mình, như Vàng A Bình, chàng trai người Tày luôn trăn trở trước nguy cơ truyền thống văn hóa bị mai một, anh đã mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình du lịch cộng đồng, kinh doanh dịch vụ đón khách homestay. Làm du lịch là một chuyện, nhưng với Bình, làm du lịch bằng những nét bản sắc văn hóa dân tộc mình mới là điều cốt lõi.

 Chè Shan tuyết cổ thụ - sản phẩm chè của Vàng A Bình.

Chè Shan tuyết cổ thụ - sản phẩm chè của Vàng A Bình.

Vàng A Bình chia sẻ: Nghề làm trà lam gác bếp được bố mẹ dạy làm cho từ khi còn tấm bé. Lớn lên cùng nương chè Shan tuyết cổ thụ, bốn mùa dưới tán chè, lên nương hái búp chè về cho bố mẹ sao uống, nên tôi rất trăn trở mong muốn làm nghề và giữ nghề của gia đình, vì giờ đây ở Bản Liền còn rất ít người Tày làm trà lam gác bếp.

 Người dân Bản Liền hái chè.

Người dân Bản Liền hái chè.

Tập quán của người Tày, từ xa xưa, chè được hái sao tay thủ công từ mùa xuân, rồi cho vào ống nứa hong khói, để trên gác bếp dùng uống quanh năm và để dành uống vào dịp Tết nguyên đán cổ truyền. Giờ đây, sản phẩm trà khô đã phổ biến nên việc “tích trữ” trà uống Tết không còn nữa, nhưng Vàng A Bình vẫn muốn gìn giữ nghề truyền thống cha ông mình, vẫn muốn đem đến thức uống đặc sản của địa phương cho du khách gần xa. Thế nên, Vàng A Bình và gia đình vẫn duy trì đều đặn việc thu hái chè búp tươi mỗi vụ, chế biến trà lam gác bếp theo phương pháp thủ công: sao tay và lam trên bếp củi…

Song hành câu chuyện bảo tồn văn hóa truyền thống, người Tày ở Bản Liền giờ đây đã biết phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mình để phát triển du lịch địa phương. Không chỉ Vàng A Bình mà các gia đình làm dịch vụ lưu trú homestay ở Bản Liền cũng đã biết khai thác thế mạnh của văn hóa, trong đó có nghề truyền thống - trở thành một sản phẩm du lịch trải nghiệm hấp dẫn khi du khách đến Bản Liền.

 Khách du lịch trải nghiệm hái chè.

Khách du lịch trải nghiệm hái chè.

Trong gia đình của Vàng A Bình, mỗi người mỗi nghề, chị gái Bình làm nghề đan nón, mẹ Bình thì khâu quả còn… Mỗi khi có đoàn khách đến nghỉ dưỡng tại homestay của Vàng A Bình, ngoài các đội văn nghệ biểu diễn dân ca dân vũ truyền thống của người Tày, thì du khách rất thích trải nghiệm nghề đan nón, nghề làm còn, nghề làm trà lam ống nứa… Vừa làm nghề, nhưng Vàng A Bình cũng chia sẻ về nghề truyền thống của dân tộc Tày cho du khách tìm hiểu khám phá, giúp du khách có khoảng thời gian lưu trú thú vị.

 Những ống trà lam gác bếp đã được đông đảo du khách biết tới.

Những ống trà lam gác bếp đã được đông đảo du khách biết tới.

Không chỉ làm ra sản phẩm trà lam gác bếp theo phương pháp truyền thống của đồng bào Tày Bản Liền, anh Vàng A Bình còn trình diễn các công đoạn hái trà, sao trà và lam trà để khách du lịch cùng trải nghiệm, nếu họ đến Bản Liền đúng mùa lam trà.

 Những chiếc chiếu rơm đã được du khách đặt mua.

Những chiếc chiếu rơm đã được du khách đặt mua.

Còn ở gia đình chị Vàng Thị Thông, chủ homestay Bản Liền Pine cũng đã đón nhiều đoàn khách đến nghỉ dưỡng. Chị Vàng Thị Thông chia sẻ: Du khách đến đây rất thích khám phá và trải nghiệm văn hóa bản địa. Thế nên tôi cũng đã mời một số chị em trong bản đến cùng tôi giao lưu, thực hành đan nón, bện đệm rơm để du khách trải nghiệm. Hầu hết khách du lịch rất thích thú khi tìm hiểu về bản sắc văn hóa cũng như các nghề truyền thống của người Tày ở Bản Liền.

Đặc biệt, các gia đình cùng làm dịch vụ homestay như: anh Vàng A Bình, chị Vàng Thị Thông, chị Vàng Thị Cân… còn biết chụp ảnh và chia sẻ về các nghề truyền thống, các nét đặc sắc trong văn hóa của dân tộc Tày ở Bản Liền trên trang facebook, tiktok của cá nhân… đã thu hút sự quan tâm của nhiều du khách ở trong nước và quốc tế, vừa níu chân du khách khi đến với Bản Liền.

 Đậm đà hương vị trà - sản phẩm du lịch hấp dẫn ở vùng cao.

Đậm đà hương vị trà - sản phẩm du lịch hấp dẫn ở vùng cao.

Bản Liền có địa hình, cảnh quan tự nhiên, giàu bản sắc văn hóa truyền thống phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng. 5 năm trở lại đây, được sự định hướng của chính quyền và chính sách phát triển du lịch của huyện Bắc Hà, người Tày ở Bản Liền đã bắt đầu làm du lịch. Hiện xã Bản Liền đã có 5 hộ lưu trú đủ điều kiện và thường xuyên đón khách. Các gia đình đã chú trọng bảo tồn nhà sàn truyền thống, phát triển nghề thủ công, tham gia các lớp tập huấn, đào tạo hướng dẫn du lịch và chủ động học tập để có kinh nghiệm, kỹ năng đón khách.

 Nón lá cọ ở Bản Liền được du khách yêu thích.

Nón lá cọ ở Bản Liền được du khách yêu thích.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Hùng Cường, Chủ tịch UBND xã Bản Liền cho biết: Nghề truyền thống ở Bản Liền hiện nay vẫn chủ yếu do người dân duy trì, phục vụ cuộc sống gia đình, chưa phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Những năm gần đây, địa phương cũng đã khuyến khích người dân bảo tồn, phát huy giá trị của nghề truyền thống, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống của đồng bào Tày đến du khách…

 Bản Liền trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Bản Liền trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Tuy vậy, để người Tày ở Bản Liền phát triển kinh tế bền vững từ nghề thủ công truyền thống vẫn là bài toán đang cần lời giải. Thiết nghĩ, địa phương cần có định hướng bảo tồn nghề truyền thống mang tính dài hơi, thiết kế mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, mang tính ứng dụng cao; đồng thời cũng cần có những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nghề thủ công truyền thống để phục vụ địa phương phát triển kinh tế du lịch hiệu quả.

Kiều Lê - Hoàng Thu

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nguoi-tay-ban-lien-giu-nghe-truyen-thong-post396349.html