Gợi ý mâm lễ Tết Đoan ngọ truyền thống đơn giản dâng gia tiên

Ngày Tết Đoan ngọ, không cần chuẩn bị cỗ mặn phức tạp, chỉ cần có mâm lễ cúng gọn gàng, đơn giản để dâng gia tiên cũng như mong cầu sức khỏe cho cả gia đình.

Mâm cúng Tết Đoan ngọ (Tết diệt sâu bọ) truyền thống thường sẽ bao gồm hoa quả tươi ngon, bánh gio (bánh tro)... và nhất định không thể thiếu rượu nếp.

Ở cả 3 miền của đất nước, người dân đều tin rằng ăn cơm rượu nếp cái/rượu cẩm và uống rượu vào ngày này giúp diệt sâu bọ. Ảnh minh họa.

Ở cả 3 miền của đất nước, người dân đều tin rằng ăn cơm rượu nếp cái/rượu cẩm và uống rượu vào ngày này giúp diệt sâu bọ. Ảnh minh họa.

Nhiều người quan niệm, Tết diệt sâu bọ không chỉ diệt sâu bọ cho cây trồng mà còn diệt các loại vi khuẩn bên trong chính cơ thể con người. Rượu nếp sẽ giúp hỗ trợ việc này bởi nó có tác dụng kích thích vị giác, hỗ trợ tiêu hóa, loại bỏ các vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, nấm hay các ký sinh trùng trong cơ thể.

Hoa quả thường được chọn sẽ phải là loại có vị chua, ngọt và một chút vị chát. Bởi vậy, ở miền Bắc, 2 loại quả thường thấy xuất hiện trong mâm cúng Tết Đoan ngọ là mận và vải.

Nguyên nhân cũng là bởi vào thời gian tháng 5 này, 2 loại trái cây này đang vào vụ, được bày bán nhiêu nên người dân thường chọn để mua về bày thắp hương.

Còn ở miền Nam, trái cây được ưa chuộng gồm xoài, chôm chôm, dưa hấu,... vì đây là các loại trái cây đặc sản của vùng này. Khi bày cúng và ăn các loại quả này người dân nơi đây gửi gắm mong ước mùa màng sẽ tươi tốt, mầm bệnh bị tiêu diệt, cây trái sinh sôi nảy nở.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bánh gio cũng có tác dụng tương tự. Bánh được làm từ gạo nếp, ngâm trong nước tro, gói bằng lá chuối. Loại bánh này cũng đem lại sự ngon miệng, dễ ăn, ngon hơn khi ăn với đường hoặc mật mía.

Hai món chè phổ biến trong ngày này là chè hạt sen và chè đậu đen, có tác dụng giải nhiệt tốt. Thời tiết tháng 5 mưa nắng thất thường dễ gây ra các loại bệnh vặt, nên việc ăn chè trong ngày này được nhiều người lựa chọn để phòng bệnh và cầu mong mang lại sức khỏe.

Ngoài ra, nhiều gia đình còn làm chè trôi nước. Những viên chè tròn đầy, đẹp mắt, vị thơm ngọt ngào lại mang nhiều ý nghĩa nên được nhiều đời con cháu dùng để dâng cúng lên đất trời, tổ tiên cầu mong vạn sự may mắn.

Để tăng sự thẩm mỹ cho mâm cúng Tết Đoan ngọ, hiện nay, nhiều gia đình còn thêm vào các loại hoa như hoa sen trắng, hoa sen hồng, hoa cau, các loại bánh sắc màu như bánh xu xê, xôi cốm...

Ở những vùng miền khác nhau, các thành phần tạo nên mâm cúng cũng có sự thay đổi sao cho phù hợp với đặc sản địa phương.

Khác với miền Bắc, ở miền Trung, ngoài hoa quả, rượu nếp, bánh tro có thể được thay bằng bánh ú, có thể có cả bánh kê tại một số địa phương. Đặc biệt không thể thiếu món thịt vịt. Bởi thịt vịt được quan niệm là có tính mát, giúp giải nhiệt cơ thể, bổ máu và tốt cho hệ tiêu hóa.

Ở miền Nam, có thể có món giống như xôi chè ở miền Bắc, hay cơm rượu vo lại thành viên tròn, hòa trong nước đường và nước cốt dừa; bánh ú có nhiều biến tấu khác như nhân mặn, nhân ngọt với đậu xanh, sầu riêng...

Tuy nhiên, dù mâm cúng được chuẩn bị thế nào, người người nhà nhà vẫn cố gắng sao cho đầy đủ và tươm tất nhất có thể, dâng lên ban thờ ông bà gia tiên trong ngày 5/5 Âm lịch.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/goi-y-mam-le-tet-doan-ngo-truyen-thong-don-gian-dang-gia-tien-435454.html