Gốm sứ Minh Long và hành trình 55 năm kiến tạo di sản

55 năm qua, đối với Minh Long là một hành trình đầy gian truân nhưng cũng đầy cảm hứng. Câu chuyện bắt đầu từ khát vọng đưa tinh hoa văn hóa Việt Nam lên gốm sứ, để vươn ra thế giới…

Hơn nửa thế kỷ thay đổi ngành gốm sứ

Sản phẩm gốm sứ Minh Long kế thừa hơn 100 năm truyền thống của gia tộc họ Lý. Năm 1970, Nghệ nhân Nhân dân Lý Ngọc Minh (Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Minh Long I) bắt đầu từng bước phát triển Minh Long, đưa DN trở nên vững mạnh và vươn lên tầm cao mới.

Chia sẻ về hành trình 55 năm của Minh Long, nhà sáng lập Lý Ngọc Minh bộc bạch: “Hành trình ấy gắn liền với sự gian khó và thăng trầm, tôi cũng nếm đủ mùi đắng cay ngọt bùi. Tuy nhiên, với lòng kiên trì và những giá trị mà mình theo đuổi, nhằm gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống cũng như kỹ thuật công nghệ mà mình sáng tạo ra, để góp phần tạo dựng nên tên tuổi Minh Long rực rỡ như ngày nay”.

Ông Lý Ngọc Minh đang chiêm ngưỡng một kiệt tác sứ độc đáo đang được trưng bày tại Bảo tàng Gốm sứ Minh Long. Ảnh: Tiểu Thúy

Ông Lý Ngọc Minh đang chiêm ngưỡng một kiệt tác sứ độc đáo đang được trưng bày tại Bảo tàng Gốm sứ Minh Long. Ảnh: Tiểu Thúy

Bắt đầu từ nhà máy làm bằng tre nứa, Minh Long trở thành công trình hiện đại với khối văn phòng, nhà xưởng trong khuôn viên 120.000m2, trải qua đến 5 - 6 lần tự đập bỏ để xây dựng lại từ đầu. Sau ba thập niên nghiên cứu, Minh Long hoàn thiện công nghệ nung một lần ở nhiệt độ 1.380 độ C, theo tiêu chuẩn cao nhất của Đức.

Đi cùng là hệ thống máy móc tự động hóa, tự chủ toàn bộ quy trình: làm đất - men - khuôn - giấy hoa - điện cơ khí. Những sản phẩm gốm sứ của Minh Long vượt trội về chất lượng, được chọn làm tặng phẩm cho hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Khi đã đạt các công nghệ chế tác hiện đại nhất, không dừng lại, Minh Long tiếp tục mở rộng dải sản phẩm đến dòng sứ dưỡng sinh. Ông Lý Ngọc Minh lý giải, dưỡng là nuôi dưỡng, sinh là sự sống, tức dải sản phẩm góp phần nuôi dưỡng sự sống: “Tôi mong cải thiện sức khỏe cộng đồng, chung tay cho tương lai bền vững, bởi hạnh phúc không thể đạt đến nếu thiếu sức khỏe”.

Với tâm huyết này, Minh Long đã cho ra đời hàng loạt sản phẩm lần đầu xuất hiện trong ngành sứ như nồi dưỡng sinh chịu được sốc nhiệt toàn phần 800 độ C thậm chí 900 độ C, có thể sử dụng trên bếp từ; đũa sứ; ly dưỡng sinh... là món quà sức khỏe, kỳ vọng thay thế thói quen dùng ly nhựa, thải rác ra môi trường.

Di sản cho thế hệ mai sau

Đặc biệt, ở cột mốc 55 năm, Minh Long lại một lần tạo dấu ấn trong ngành gốm sứ, với việc khánh thành Bảo tàng Gốm sứ Minh Long, lưu giữ những hiện vật độc đáo nhất Việt Nam. Nơi đó có bức phù điêu dài 99m, cao 9m, kể đời sống nghìn năm đất Việt; chén ngọc 4,5m đúc liền khối; đèn chùm 1 tấn; dàn nhạc cụ; trang sức bằng sứ...

Những tác phẩm này đặc biệt, bởi nhiều hiện vật mất chục năm, thậm chí hơn 20 năm để hoàn thành. Ngoài sự kỳ công trong chế tác, mỗi tác phẩm còn là "đại sứ" truyền tải giá trị văn hóa, nghệ thuật của người Việt đã gìn giữ qua bao thế hệ.

“Tôi luôn khát khao đưa ngành gốm sứ của Việt Nam lên một tầm cao mới. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đến việc xây dựng tại nhà máy này một văn phòng có showroom. Tuy nhiên, tôi lại cảm thấy canh cánh một câu hỏi: Nếu chỉ dừng lại ở sản xuất và trưng bày, liệu chúng tôi đã thật sự hoàn thành sứ mệnh của một hãng gốm sứ bài bản chưa, và có xứng tầm với vị thế của một thương hiệu gốm sứ nổi tiếng không? Đó cũng là lúc ý tưởng về Bảo tàng Gốm sứ Minh Long hiện ra rõ nét” - ông Lý Ngọc Minh chia sẻ.

Bảo tàng trưng bày những tác phẩm gốm sứ độc bản mang tính kỷ lục và kỳ tích hiếm có do Minh Long sản xuất, nhằm lưu giữ giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc nhất của gốm sứ Việt Nam. Mỗi hiện vật không chỉ minh chứng cho sự kết hợp hoàn hảo giữa kỹ thuật - nghệ thuật - mỹ thuật - văn hóa, mà còn là câu chuyện sống động về tinh thần sáng tạo đầy công phu, ẩn chứa triết lý nhân sinh của một người suốt đời đam mê gốm sứ cùng đội ngũ lãnh đạo của một thương hiệu nổi tiếng làm ra.

Mỗi khu vực trưng bày trong bảo tàng được thiết kế như một cuốn biên niên sử sống động, dẫn dắt qua từng giai đoạn phát triển của gốm sứ Việt. Sự hòa quyện giữa nghệ thuật phương Đông và phương Tây được thể hiện rõ nét trong từng tác phẩm, khẳng định vị thế của Minh Long trong dòng chảy sáng tạo đương đại.

Bên cạnh đó, bảo tàng còn là “ngôn ngữ” truyền tải những giá trị văn hóa và nghệ thuật của người Việt đã được gìn giữ qua bao thế hệ: “Từ đây, người Việt Nam hoàn toàn tự hào về văn hóa nghệ thuật và kỹ thuật sản xuất gốm sứ của đất nước mình, với các họa tiết cũng như mỹ thuật đặc sắc được sáng tạo và thể hiện qua công nghệ sản xuất độc đáo của Minh Long” - ông Lý Ngọc Minh tự hào.

Tiểu Thúy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gom-su-minh-long-va-hanh-trinh-55-nam-kien-tao-di-san.html