Google Doodle tôn vinh nghệ thuật Đờn ca tài tử
Google Doodle ngày 5/12 tôn vinh nghệ thuật Đờn ca tài tử, một thể loại âm nhạc truyền thống phổ biến ở miền Nam Việt Nam.
Vào ngày 5/12/2013, UNESCO đã công nhận loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hôm nay 5/12 cũng là Kỷ niệm 10 năm ngày UNESCO ghi danh loại hình nghệ thuật này vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hình ảnh Google Doodle tôn vinh nghệ thuật Đờn ca tài tử do nghệ sĩ Camelia Pham minh họa, thể hiện các nghệ sĩ đang biểu diễn Đờn ca tài tử.
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ. Môn nghệ thuật này được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian.
Đây là loại hình nghệ thuật của đờn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động.
Đờn ca tài tử thường trình diễn trong phạm vi không gian tương đối nhỏ như trong gia đình, tại đám cưới, đám giỗ, sinh nhật, trong các lễ hội, sau khi thu hoạch mùa vụ, thường được biểu diễn vào những đêm trăng sáng ở xóm làng.
Dù xuất phát từ Huế nhưng nghệ thuật Đờn ca tài tử tử phát triển mạnh ở các tỉnh, thành Nam Bộ. Theo đó, nghệ thuật này phát triển mạnh ở 21 tỉnh, thành phố phía Nam như: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, TP.HCM và Vĩnh Long.