Góp phần nâng chất giáo dục nghề nghiệp

Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) lần thứ IX-2024 tỉnh Đồng Nai đã khép lại. Gần 70 nhà giáo đến từ 10 cơ sở GDNN đã có dịp tranh tài, chia sẻ, học tập kinh nghiệm thông qua các bài giảng.

Giáo viên Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi tham dự Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp lần thứ IX. Ảnh: Hải Yến

Giáo viên Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi tham dự Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp lần thứ IX. Ảnh: Hải Yến

Được tổ chức 3 năm/lần, Hội giảng Nhà giáo GDNN là dịp tôn vinh nhà giáo GDNN, góp phần quan trọng tạo động lực nâng cao chất lượng giảng dạy, phát triển hệ thống GDNN.

Niềm vui của các nhà giáo dạy nghề

Thầy Lê Hồng Lắm (Khoa Quản trị, Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi) là nhà giáo lớn tuổi nhất tham gia hội giảng năm nay. Thầy Lắm chia sẻ, ông đã 60 tuổi, sắp về hưu và tham gia hội giảng với mong muốn nêu gương cho các đồng nghiệp trẻ ở trường.

“Tôi rất vui mừng vì đã có được sân chơi dành cho nhà giáo GDNN. Sự quan tâm của Nhà nước đã tạo động lực, niềm vui cho những nhà giáo GDNN như chúng tôi. Khi hệ thống GDNN được quan tâm, đầu tư sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho sự phát triển của tỉnh và cả nước nói chung” - thầy Lắm bày tỏ.

Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2024 dự kiến diễn ra vào tháng 11 tại tỉnh Quảng Ninh với sự tham gia của 2 ngàn đại biểu trong nước và các tổ chức hợp tác quốc tế, trong đó có 500-600 nhà giáo. Hội giảng năm nay có chủ đề trọng tâm là chuyển đổi số trong GDNN.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và lòng nhiệt huyết, các nhà giáo GDNN đã mang đến hội giảng những bài giảng sáng tạo, áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại và tiếp cận với những tiến bộ công nghệ mới. Tất cả nhằm mục tiêu chung là đào tạo nên những lao động có tay nghề cao, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động trong và ngoài nước.

Cô Thái Thị Bảo Trân, Trường cao đẳng Lilama 2, cho rằng trong bối cảnh công nghiệp 4.0 và xu hướng chuyển đổi số, vai trò của GDNN ngày càng trở nên quan trọng. Những giảng viên đứng lớp không chỉ đóng vai trò người truyền đạt kiến thức, mà còn là người định hướng, dẫn dắt và khơi dậy tiềm năng sáng tạo của học viên.

Cô Bảo Trân bộc bạch: “Hiểu được trách nhiệm lớn lao ấy, chúng tôi không ngừng nỗ lực học hỏi, đổi mới phương pháp giảng dạy và cập nhật kiến thức, kỹ năng để mang đến những giờ học chất lượng, thực tiễn và hấp dẫn nhất. Làm sao để mỗi bài giảng không chỉ truyền tải kiến thức, mà còn khơi dậy đam mê, tạo dựng niềm tin và giúp học viên có đủ kỹ năng, kiến thức bước vào thị trường lao động với sự tự tin và sẵn sàng”.

Thêm gợi mở để nâng cao chất lượng dạy nghề

Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai Nguyễn Hồng Quang cho biết, với tư cách đơn vị đăng cai tổ chức, từ cuối năm 2023, nhà trường đã làm công tác chuẩn bị cho hội giảng. Mục tiêu nhằm tạo điều kiện cho các nhà giáo GDNN tham gia hội giảng một cách tốt nhất. Cùng với đó, nhà trường đã tổ chức hội giảng cấp trường để chọn các giáo viên tham gia hội giảng cấp tỉnh.

Ở hội giảng cấp tỉnh, với gần 70 nhà giáo dự thi, Ban tổ chức đã chia làm 5 tiểu ban, mỗi tiểu ban gồm nhiều giáo viên ở các ngành nghề khác nhau. Mục đích của việc phân tiểu ban nhằm giúp giáo viên có cách nhìn tổng quát về phương pháp giảng dạy đối với cơ sở GDNN; đồng thời, để giáo viên có cơ hội trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy GDNN.

“Nhà trường xem đây là đợt tập huấn quan trọng, có ý nghĩa đối với tất cả giáo viên của trường. Sau hội giảng, Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai tổ chức họp chuyên môn, đúc rút các kinh nghiệm từ hội giảng để nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường” - ông Quang cho hay.

Theo ông Nguyễn Hữu Khánh Linh, Trưởng phòng GDNN (Sở Lao động, thương binh và xã hội), Phó trưởng ban Tổ chức hội giảng, các giáo viên dự hội giảng đã sử dụng nhiều hình thức và phương pháp giảng dạy khác nhau (bài giảng lý thuyết, thực hành và tích hợp) theo định hướng của Tổng cục GDNN, cũng như theo xu hướng hội nhập với các nước trong khu vực và các nước có nền GDNN phát triển.

Tuy vậy, hội giảng cũng cho thấy một số hạn chế cần khắc phục. Đó là tỷ lệ các cơ sở GDNN tham gia hội giảng còn thấp (chỉ có 10/58 cơ sở tham gia). Một số nhà giáo dự thi chưa xác định được nội dung trọng tâm của bài giảng. Do vậy, trong quá trình dự thi còn lúng túng, phân bố thời gian trình bày bài giảng chưa hợp lý hoặc sự cố khi vận hành thiết bị, trình giảng quá giờ so với quy chế, chưa đủ tự tin để thể hiện được rõ nét về hình thành kỹ năng tay nghề của học sinh, sinh viên, nhất là những giáo viên trẻ chưa có thâm niên trong công tác giảng dạy.

Trên cơ sở những ưu điểm, hạn chế của hội giảng, Sở Lao động, thương binh và xã hội sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới, từ đó từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại cơ sở GDNN.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202408/gop-phan-nang-chat-giao-duc-nghe-nghiep-6d57896/