Góp sức vì sự bình yên của thôn, xóm

Các chức sắc đồng bào Chăm Bàlamôn giáo ở xã Phan Hiệp (Bắc Bình) góp phần tích cực cùng với chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề nảy sinh về an ninh trật tự (ANTT), giữ gìn sự bình yên thôn xóm.

Xã Phan Hiệp có 92% dân số là đồng bào Chăm, còn lại là các dân tộc khác sinh sống ở 3 thôn, người dân chủ yếu làm nghề nông là chính, số ít hộ dân làm gốm. Dân cư sống tập trung 2 khu vực dọc quốc lộ 1A đi qua và nằm giáp ranh với thị trấn Chợ Lầu và 2 xã Phan Rí Thành, Hải Ninh. Đây là địa bàn trọng điểm có tình hình ANTT phức tạp. Từ thực tế này, cuối năm 2020, được sự thống nhất cao và đề xuất của các chức sắc trong xã, mô hình “Chức sắc Bàlamôn giáo tham gia góp phần đảm bảo ANTT, vì bình yên cuộc sống” ở xã Phan Hiệp thành lập. Ban Chỉ đạo mô hình ra mắt với 11 thành viên và tổ mô hình nòng cốt ở 3 thôn gồm 22 thành viên do Sư cả Huỳnh Cứng làm tổ trưởng. Trong quá trình hoạt động, Ban Chỉ đạo xã, Ban chỉ đạo mô hình đã phối hợp chặt với Phòng PV05 Công an tỉnh để tổ chức hoạt động của mô hình cũng như giao ban nắm tình hình địa bàn. Các tổ nòng cốt được giao nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên, tuyên truyền đến bà con trong thôn đăng ký thực hiện các tiêu chí xây dựng khu dân cư an toàn về ANTT.

Chức sắc tích cực tuyên truyền gia đình, dòng tộc nhắc nhở con cháu không vi phạm pháp luật, xây dựng nếp sống văn hóa

Chức sắc tích cực tuyên truyền gia đình, dòng tộc nhắc nhở con cháu không vi phạm pháp luật, xây dựng nếp sống văn hóa

Ông Hắc Văn Quang Huy – Chủ tịch UBND xã Phan Hiệp đánh giá, từ khi mô hình đi vào hoạt động, nhiều vấn đề phát sinh về ANTT trong thôn, xóm có sự góp sức của các tổ mô hình được giải quyết hiệu quả. Đơn cử, đó là các tổ mô hình phối hợp với công an xã vận động, tuyên truyền, giải tán, ngăn chặn kịp thời các vụ thanh niên có dấu hiệu mâu thuẫn dùng gạch, đá ném nhau xảy ra giữa 2 xã giáp ranh Phan Hiệp – Chợ Lầu vào các ngày tết, các ngày lễ lớn trong năm. Tổ đã cung cấp 10 tin báo có giá trị cho lực lượng công an khám các vụ trộm cắp tài sản và các vụ liên quan ANTT tại 3 thôn. Các vị chức sắc cùng với Ban Điều hành thôn và các tổ chức chính trị hòa giải thành công 3 vụ mâu thuẫn phức tạp và nhiều vụ mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt gia đình, tranh chấp đất đai, khiếu nại về chế độ chính sách hộ nghèo, mê tín dị đoan… Ngoài ra, các tổ còn tham gia phối hợp với chính quyền địa phương bám sát, kèm cặp giúp đỡ số thanh niên cá biệt đang trong diện quản lý, số thanh niên chậm tiến, hư hỏng, nhất là những người được đặc xá tù tha về hay đang hưởng án treo tại địa phương. Hiện có 1 thanh niên đang hưởng án treo, 2 người tha tù về và 4 người thuộc đối tượng quản lý theo NĐ 111/CP được tổ kèm cặp, giúp đỡ đã có sự tiến bộ rõ nét, góp phần làm ổn định ANTT địa bàn.

Qua hơn 1 năm mô hình triển khai đúng vào thời điểm dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, dù hoạt động chưa nhiều song từng thành viên trong tổ đều phát huy trách nhiệm, nhiệm vụ được giao. Theo Sư cả Huỳnh Cứng – Tổ trưởng mô hình thông tin thêm, các tổ mô hình luôn tích cực cùng với chính quyền địa phương làm tốt tuyên truyền gia đình, dòng họ, thôn xóm chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước xây dựng nếp sống văn hóa, phát huy truyền thống tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau. Trong gia đình, dòng họ đã có sự chuyển biến luôn kèm cặp nhắc nhở con cháu mình không tham gia đua xe, chạy lạng lách, tốc độ cao trong xóm, tham gia các tệ nạn xã hội hút chích ma túy, cờ bạc, số đề... Đặc biệt, thời gian qua, khi dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, các tổ cùng địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, gia đình, dòng họ hạn chế lễ hội, ma chay, cưới hỏi trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Chính phủ.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/gop-suc-vi-su-binh-yen-cua-thon-xom-97644.html